Quá khứ có làm nên tương lai?

GD&TĐ - Quá khứ là dĩ vãng, và hẳn là ít người muốn trở thành kẻ “ăn mày dĩ vãng”. Vậy thì liệu quá khứ có đóng khung, định hình tương lai của một người? Câu trả lời là hoàn toàn không! 

Quá khứ có làm nên tương lai?

Vì vậy, hãy chấm dứt việc tiếc thương, hoài niệm quá khứ, bị quá khứ ám ảnh, chiếm hết hiện tại và đóng khung tương lai, hãy sáng tạo nên tương lai và xây tương lai theo ý mình muốn ngay từ lúc này.

Xin kể hầu bạn đọc hai câu chuyện. Một chuyện tại Mỹ và một chuyện tại Việt Nam.

1. Tại một trường trung học ở Mỹ, có một lớp học nọ với 26 em học sinh cá biệt. Những em học sinh trong lớp học này đều có tiểu sử không mấy hay ho: em từng tiêm chích ma túy, em từng vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ mà trong một năm đã phá thai tới 3 lần.

Gia đình đều chán nản và đã buông bỏ chúng, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Tưởng chừng cuộc sống đã hết hi vọng thì một ngày kia, Phila, một cô giáo mới về trường đã tình nguyện làm chủ nhiệm của những đứa trẻ hư hỏng này.

Khác với suy đoán của bọn trẻ, trong ngày đầu tiên nhận lớp, Phila đã không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Trong chiếc đầm lụa màu xanh nhạt, mái tóc màu nâu hạt dẻ búi cao, Phila bước nhẹ lên bục giảng. Cô dịu dàng nhìn xuống lũ trẻ một lượt rồi cất tiếng với vẻ trầm ngâm:

“Cô sẽ kể cho các em nghe về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:

Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.

Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên...

Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.

Cô hỏi cả lớp, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?”

Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba sau khi nghe xong câu chuyện, nhưng câu trả lời của Phila đã khiến lũ trẻ chết lặng.

“Các em thân mến! Cô biết chắc là các em sẽ chọn người thứ 3 và cho rằng chỉ ông ta mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.

Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.

Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.

Còn người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.

Những đứa trẻ như ngây người trước câu trả lời của Phila và dường như không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.

“Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai.

Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, và cô tin các em sẽ trở thành những người xuất chúng...”

Và bạn biết không, sau này khi trưởng thành, rất nhiều học sinh trong số họ đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người lại trở thành nhà du hành vũ trụ. Và trong số đó phải kể đến Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, nay đã trở thành Giám đốc tài chính của phố Wall.

2. Tại một trường Trung học ở Việt Nam, Uyên là một học sinh cá biệt. Thường xuyên bố mẹ Uyên bị thầy, cô chủ nhiệm gọi điện phàn nàn, rồi mời đến trường để làm việc tay ba. Những “tội” của Uyên thường là: Ngủ gật trên lớp, đi học không mặc đồng phục, trốn học, đi học muộn, kênh kiệu với bạn vì cho rằng mình xinh nhất lớp, chơi games trên điện thoại trong giờ học, không chịu tham gia một số hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức…

Ban đầu, bố Uyên tức giận nói, những việc Uyên gây ra ở nhà trường, là phạm vi nhà trường quản lý và có trách nhiệm, bố mẹ đã chi phí tiền cho nhà trường để giáo dục Uyên, mà tại sao nhà trường lại cứ làm phiền bố mẹ vì những việc lẽ ra nhà trường có trách nhiệm? Những trò bậy mà Uyên gây ra trong thời gian ở nhà, thì bố mẹ luôn giải quyết tốt mà chẳng bao giờ phàn nàn và yêu cầu giáo viên gánh trách nhiệm chung.

Mẹ Uyên thì chất vấn lại cô chủ nhiệm, rằng cô không nên chỉ làm vai trò là người bắt lỗi, trái lại, cô nên nghĩ ra giải pháp làm sao để Uyên thấy hứng thú với việc học. Vai trò của người thầy không chỉ đóng khung trong việc truyền đạt kiến thức, mà là kích thích, gợi mở cho các em nhận ra mục tiêu cuộc đời mình, cổ vũ và thách thức các em phấn đấu đạt tới đích. Cô chủ nhiệm không nên coi Uyên là học sinh cá biệt một cách dễ dãi như vậy, mà phải coi Uyên là một học trò dám vượt khuôn khổ, cần một hình thức giáo dục riêng, phù hợp để Uyên tiếp tục vượt ngưỡng có chủ đích, sau này lớn lên thành một người khổng lồ.

Tuy nhiên, cô chủ nhiệm không chấp nhận những ý kiến trái chiều của cha mẹ Uyên, cô không đủ kiên nhẫn để tạo ra một giải pháp khác biệt hoàn toàn trong giáo dục một học sinh vượt khuôn khổ như Uyên. Cô chỉ có thể dùng chung một cách giáo dục đối với tất cả học sinh trong lớp. Cô cho rằng tại sao các bạn khác trong lớp Uyên luôn ngoan ngoãn và học giỏi, thì Uyên lại luôn gây sự và bất chấp quy tắc của trường lớp? Vấn đề của Uyên không giải quyết được, cuối cùng bố mẹ Uyên đành chuyển con sang một hình thức giáo dục khác. Bố mẹ cho Uyên nghỉ học, Uyên tự chọn ngành học mình thích ở một trung tâm đào tạo tư nhân.

Đó là ngành học quản trị nhà hàng. Uyên chỉ học lý thuyết 30% thời gian, 70% thời gian còn lại Uyên được thực tập làm trợ lý cho một chủ nhà hàng người nước ngoài, sẵn sàng dành thời gian hướng dẫn Uyên trực tiếp với công việc của ông. Chỉ sau một năm học, Uyên đã hoàn thành khóa học và được Trung tâm cấp bằng. Tuy tấm bằng này ít có giá trị với hệ thống tuyển người kiểu Nhà nước, nhưng khi mới tròn 18 tuổi, Uyên đã được chính nhà hàng của ông chủ nước ngoài kia nhận vào làm với mức lương 1000 đô – la/tháng, với vị trí trợ lý điều hành nhà hàng, đúng chuyên môn Uyên học. Uyên đam mê làm việc và trở thành một người được bạn bè ngưỡng mộ vì sự năng động, sáng tạo với mức lương đẳng cấp.

Uyên cũng được khuyến khích vươn tới vị trí quản lý nhà hàng thay cho ông chủ người nước ngoài với mức thu nhập được ăn chia theo tỷ lệ lãi hàng tháng. Uyên đang tích lũy vốn để sau này mở chuỗi nhà hàng riêng. Trong lúc đó, bạn cùng lớp trung học với Uyên vẫn còn đang mài đũng quần ở các trường Đại học, vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ, mà trong số đó nhiều bạn không chắc ngành mình đang học có phải thực sự là chuyên môn mình yêu thích hay không.

Hai câu chuyện kể trên khiến tôi suy ngẫm nhiều về hệ thống giáo dục và phương pháp giáo dục. Tôi cũng rút ra được những điều thấm thía, rằng:

Đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng bởi hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà. Và đó là lý sao nó được gọi là “The Present” (hiện tại/món quà).

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng. Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.

Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác. Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.

Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây. Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.

Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

Vì vậy, nếu mỗi khi bạn bị quá khứ ám ảnh, thì hãy luôn nghĩ rằng, quá khứ của bạn thực ra đã qua rồi và bạn chẳng mảy may thay đổi được nó. Bạn chỉ có quyền lực với TƯƠNG LAI của chính mình. Vì thế, hãy vẽ bức tranh tương lai của chính mình. Mỗi phút là một nét bút vẽ. Hãy nâng niu từng phút giây bạn được sống hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.