Sau 7-9 năm dày công đào tạo, mới đây PVF đã “xuất” 20 tài năng trẻ cho các đội bóng ở V-League và hạng Nhất quốc gia.
Dù số tiền phải chi cho việc đào tạo thành cầu thủ chuyên nghiệp lên tới cả chục tỷ đồng/ thành viên nhưng số tiền thu được từ chuyển nhượng PVF không lấy một đồng xu cắc bạc, mà trao cho gia đình cầu thủ.
“Đa số cầu thủ đến với PVF ngoài năng khiếu, đam mê, chịu khó khổ luyện thì phần lớn gia cảnh họ đều khó khăn. Chính vì thế, toàn bộ phí chuyển nhượng hoặc cho mượn này sẽ được PVF chuyển lại cho gia đình học viên”, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, đơn vị quản lý Quỹ đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF) cho biết.
Sở dĩ PVF quyết định chơi đẹp với gia đình cầu thủ bởi mục đích làm bóng đá của họ là phi lợi nhuận: “Chính sách nhân văn nói trên cũng là sự ghi nhận, động viên những nỗ lực của học viên trong suốt quá trình học tập, rèn luyện tại đây”, vị lãnh đạo của Tập đoàn Vingroup nói thêm.
Về chiến lược lâu dài, VPF khẳng định sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh đào tạo ra các thế hệ cầu thủ tài năng và tâm huyết cho bóng đá Việt Nam, tiến tới nâng tầm bóng đá nước nhà tiệm cận đẳng cấp thế giới trong tương lai gần.
Ngay sau thế hệ 2001 - 2002 này, PVF sẽ tiếp tục trình làng lứa 2003 - 2004 mà một số đang là vô địch U19, U17 Quốc gia.
Được biết, trong số 20 cầu thủ PVF được 2 đội bóng đang chơi tại V-League chiêu mộ gồm: SHB Đà Nẵng chiêu mộ 4 (Huỳnh Công Đến, Lê Văn Đô, Huỳnh Minh Đoàn, Nguyễn Tiến Đỉnh); Sài Gòn FC chiêu mộ 4 (Võ Nguyên Hoàng, Nguyễn Duy Triết, Tẩy Văn Toàn, Lý Trung Hiếu).
Số còn lại được 3 CLB hạng Nhất nhận về gồm: Phố Hiến (6 cầu thủ đó là Hứa Quốc Thắng, Nguyễn Hoàng Huy, Nguyễn Thế Hùng, Trịnh Quang Trường, Trịnh Văn Chung, Trần Lâm Hào)
CLB Phù Đổng (4 cầu thủ: Võ Quốc Dân, Nguyễn Tiến Ba, Trần Tấn Lộc, Mạch Ngọc Tiến) và CLB Bà Rịa-Vũng Tàu chiêu mộ 2 cầu thủ là Trần Hoàng Phúc, Đỗ Tấn Thành.