Diễn đàn được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì, phối hợp tổ chức cùng một số Ban, Bộ, ngành Trung ương liên quan.
Với mục đích kịp thời triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Diễn đàn được đánh giá là sự kiện uy tín nhất ngành năng lượng Việt Nam năm 2020, góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc đưa Nghị quyết 55 vào đời sống thực tiễn.
Là doanh nghiệp hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam tham gia hầu hết các nội dung của Diễn đàn với đại diện là đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc PV GAS.
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định những đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia: Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Nghị quyết số 55 khẳng định: Phát triển năng lượng gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển ngành năng lượng.
|
Sau khi Nghị quyết 55 của Trung ương ra đời, nhiều chuyên gia, DN đã nhanh chóng hưởng ứng bởi đây là những vấn đề cốt yếu, để hoạch định các chính sách, biện pháp cụ thể cho kế hoạch kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Nghị quyết này được đánh giá là bước đột phá mở ra thị trường năng lượng cạnh tranh thực sự của Việt Nam, trở thành tiền đề tổ chức Diễn đàn Cấp cao được đón chờ của năm 2020. Đây là diễn đàn uy tín nhất ngành năng lượng Việt Nam 2020 nhằm kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách mới của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng quốc gia. Diễn đàn nhằm làm rõ các quan điểm, định hướng lớn, những điểm mới có tính đột phá của Nghị quyết 55, chương trình và kế hoạch hành động của Chính phủ và Quốc hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết 55 (Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ); tham gia bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Diễn đàn có ý nghĩa chính trị to lớn, để các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp ý kiến cùng với Chính phủ, thể hiện vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng; có sự tham gia của các hiệp hội - doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, các hiệp hội - tổ chức quốc tế - các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, các Đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức và ngân hàng quốc tế; các tập đoàn – doanh nghiệp Năng lượng Việt Nam và quốc tế như EVN, PVN, TKV, Trungnam Group, Exxonmobil , VBF…; đại diện lãnh đạo các tỉnh thành.
Nội dung Diễn đàn được tuyên truyền rộng rãi trước, trong và sau chương trình trên Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan truyền hình, thông tấn báo chí có uy tín; được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu địa phương và 30 điểm cầu quốc tế với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu với 300 đại biểu tham gia trực tiếp.
Diễn đàn bao gồm phiên Tổng thể do lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đồng chủ trì: Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại phiên Toàn thể, Diễn đàn nghe các báo cáo chính:
- Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 55 – NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị: TS. Trần Tuấn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công Thương
- Phát biểu trực tuyến: Tăng trưởng và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo – kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu: Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
- Phát biểu trực tuyến: Sáng kiến và hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ cho phát triển năng lượng tái tạo khu vực Đông Nam Á và Việt Nam: Ông Mark Wesley Menezes, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ
- Tham luận: Chuyển dịch năng lượng sạch gắn với phát triển bền vững của Việt Nam:
Bà Steffi Stallmeister, Giám đốc điều hành hoạt động Dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có bài phát biểu, kết luận phiên Tổng thể của Diễn đàn.
Diễn đàn cũng sẽ chứng kiến Lễ ký các biên bản ghi nhớ một số dự án tiêu biểu về Năng lượng. Trong 4 Hội thảo chuyên đề, Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi đối thoại xung quanh chủ đề: Thống nhất ý chí, hành động nhanh, quyết liệt và đồng bộ để đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống; Làm rõ các quan điểm, định hướng lớn những điểm mới có tính đột phá của Nghị quyết 55, chương trình và kế hoạch hành động của Chính phủ và Quốc hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết 55; Trao đổi, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ hiện đại cho ngành năng lượng theo quan điểm, chủ trương và các yêu cầu của Nghị quyết 55; Trao đổi và kiến nghị, đề xuất tạo lập cơ chế, chính sách hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế; giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát triển năng lượng của các địa phương.
Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có hoạt động triển lãm công nghệ của một số doanh nghiệp tiêu biểu. Triển lãm quốc tế về năng lượng trong khuôn khổ sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến cho các khách tham dự nhiều trải nghiệm mới mẻ với các giải pháp mô hình năng lượng thông minh cho các nhà máy điện, sản phẩm và mô hình năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học…), các sản phẩm công nghệ hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả; giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà cao tầng…