Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp: Sáng tạo trong dạy học trực tuyến thời Covid

GD&TĐ - Năm học 2021-2022 là năm học khó khăn đối với ngành Giáo dục cả nước nói chung và Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP Vũng Tàu) nói riêng. Song với quyết tâm cao, thầy cô đã chủ động, sáng tạo trong định hướng dạy học.

Giờ sinh hoạt chuyên môn trực tuyến của giáo viên Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP Vũng Tàu).
Giờ sinh hoạt chuyên môn trực tuyến của giáo viên Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP Vũng Tàu).

Trăn trở để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”

Với phương châm: “Học sinh không thể đến trường nhưng không dừng việc học”, cùng với nhiều địa phương, nhiều trường học trên cả nước, Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp cũng thực hiện dạy học online ở tất cả các lớp.

Địa bàn Phường 12 - TP Vũng Tàu, đa số là dân lao động nghèo, ở trọ, đi làm thuê, đời sống bấp bênh sau nhiều tháng thực hiện giãn cách; HS không có đủ thiết bị học trực tuyến, đường truyền internet yếu; giáo viên bắt đầu phải thực hiện làm việc và dạy trực tuyến, trong khi có nhiều giáo viên lớn tuổi chưa thành thạo trong sử dụng CNTT.

Làm thế nào để học sinh có đủ thiết bị và đường truyền tham gia học trực tuyến đầy đủ? Làm thế nào để giáo viên có đầy đủ bài dạy lên lớp trực tuyến hàng ngày theo phân phối chương trình? Làm thế nào để giáo viên lớn tuổi sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phần mềm, ứng dụng điện tử trong dạy học trực tuyến bắt buộc như hiện nay? Làm thế nào để tạo hứng khởi cho học sinh trong các tiết học?

Thầy Trần Quán – Bí thư chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường
Thầy Trần Quán – Bí thư chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường

Nhìn thấu những khó khăn, thầy Trần Quán – Bí thư chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường, đã chủ động, sáng tạo trong định hướng dạy học,tổ chức lãnh đạo các Ban, đoàn thể các CBGVNV trong nhà trường vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao nâng cao chất lượng tay nghề cho đội ngũ giáo viên, thích ứng được những khó khăn do đại dịch Covid -19 gây ra, trên tinh thần “Tất cả học sinh Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp không bị bỏ lại phía sau do đại dịch”.

Mở đầu là cuộc phát động phong trào ủng hộ thiết bị cho học sinh nghèo của trường, kêu gọi các cá nhân, phụ huynh toàn trường, tổ chức, các mạnh thường quân, đóng góp ủng hộ, mà đặc biệt là Phòng GD&ĐT, Liên đoàn lao động TP Vũng Tàu. Kết thúc các cuộc vận động, toàn trường đã có 50 thiết bị hoc tập cho HS là điện thoại thông minh, IPad  và 30 cái Laptop cho giáo viên. Đến nay 100% học sinh và giáo viên của trường đã có đầy đủ thiết bị, đường truyền ổn định để học tập và dạy học trực tuyến.

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP Vũng Tàu)
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP Vũng Tàu)

Linh hoạt, sáng tạo trong dạy học

Để giải quyết những khó khăn đối với việc tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên, nhà trường đã có những đột phá về công tác quản lí, công tác xây dựng nền tảng chuyên môn. Cụ thể là trao quyền và phát huy năng lực quản lí chuyên môn dưới tổ khối, đứng đầu, chỉ đạo và chịu trách nhiệm là tổ trưởng chuyên môn.

Các thành viên trong tổ chủ động phối hợp để hoàn thành mục tiêu đề ra, khuyến khích động viên giáo viên trẻ giỏi CNTT tìm tòi cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên các trang mạng, Internets, hỗ trợ giáo viên lớn tuổi trong công tác soạn giảng và ứng dụng, cài đặt các phần mềm trong các bài dạy. GV thực hiện chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ bài dạy, chia sẻ kĩ năng bằng hình thức trực tuyến để tất cả giáo viên trong tổ được học tập và áp dụng.

Từ những kết quả đạt được dưới tổ khối, BGH đã nhân rộng mô hình này bằng cách tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên Tổ, sinh hoạt chuyên môn toàn trường nhằm chia sẻ đến được tất cả các giáo viên của trường, cụ thể bằng các “đơn đặt hàng” với những nhiệm vụ cụ thể cho từng Tổ chuyên môn.

Ngay sau khi nhận được đơn hàng, các Tổ bắt tay vào nghiên cứu, lên kế hoạch, phân công giáo viên trong Tổ đảm nhiệm từng mảng công việc theo khả năng và sở trường của từng người, giáo viên trẻ hỗ trợ giáo viên lớn tuổi ứng dụng CNTT, giáo viên lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm góp ý, xây dựng nội dung sinh hoạt cho đầy đủ, chặt chẽ.

Qua quá trình thực hiện đơn đặt hàng, mỗi giáo viên đã tự mình được cọ sát, học hỏi và thực hành ngay những điều mới mẻ tưởng như bản thân khó có thể tiếp cận và làm quen do chưa biết, chưa tìm hiểu hoặc hạn chế về công nghệ, tuổi tác.

Qua những đợt sinh hoạt chuyên môn, sẽ phát huy được tinh thần làm việc đội nhóm, sự hỗ trợ kết nối, học hỏi, bổ sung cho nhau giữa các giáo viên để phát huy và nâng cao năng lực làm việc của mỗi người. Tất cả đội ngũ giáo viên của trường tham gia giảng dạy đã rất tích cực, chủ động trong công tác soạn giảng của mình, từng bước vận dụng, phát huy sử dụng tối đa các phần mềm, ứng dụng, học liệu điện tử trong bài dạy để giúp học sinh tiếp thu bài mội cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng do bão lụt.
Học sinh Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng do bão lụt.

Kết quả của những buổi sinh hoạt chuyên môn, thảo luận theo định hướng chỉ đạo từ phía BGH, chuyên môn nhà trường, mỗi tổ, mỗi giáo viên đã dần được bồi dưỡng nâng cao tay nghề để các tiết dạy ngày càng chất lượng hơn, mỗi giờ lên lớp của học sinh thêm nhiều niềm vui, hứng khởi giúp học sinh hứng thú và háo hức chờ đợi giờ vào lớp mỗi ngày.

Chất lượng học tập của học sinh luôn được chú trọng và đảm bảo. Vui hơn nữa là các tiết dạy của giáo viên trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp được đánh giá rất cao sau các buổi dự giờ thăm lớp của phòng, Sở GD&ĐT.

Hiện tại, các tiết học trực tuyến được diễn ra như một tiết học trực tiếp trên lớp, các hoạt động giữa thầy và trò diễn ra từng buổi học vẫn duy trì như việc học tại trường.

Thầy Trần Quán – Bí thư chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đạt được những thành quả nhất định nhưng chúng tôi không cho phép mình thoả mãn mà tiếp tục chủ động đón nhận và đưa ra những giải pháp kịp thời cho những khó khăn sắp đến. “Không có gì là không thể” nếu mỗi chúng ta thực sự nỗ lực và có quyết tâm. Khi cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn, sáng tạo, và định hướng chỉ đạo kịp thời; GV đồng sức, đồng lòng, tất cả vì học sinh, có tinh thần tự học, mạnh dạn đổi mới thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống lọc nước nhiễm phèn được lắp đặt tại trường học ở Sóc Trăng.

Lọc nước nhiễm phèn tạo nước uống

GD&TĐ - Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi (VKIST), hệ thống lọc nước nhiễm phèn được nghiên cứu và phát triển chung bởi VKIST và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.