(GD&TĐ) - Câu hỏi giản dị mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra trong một cuộc họp giao ban của Bộ mới đây đã bất ngờ đánh động tư duy của bất cứ ai quan tâm đến một vấn đề “ nóng” từ khoảng 5 năm trở lại đây chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, đó là chạy trường vào lớp 1.
Chuẩn bị kiểm tra đầu vào ở một trường tiếu học |
Những nỗ lực trong mở rộng mạng lưới trường học, đa dạng hoá loại hình trường lớp, phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia… cùng với nhiều chủ trương đổi mới trong thi cử của ngành GD - ĐT đã bảo vệ quyền lợi không ít cho người học. Việc khuyến khích mở các lớp bán trú đầu cấp tiểu học đúng tiêu chuẩn theo chỉ đạo của Bộ GD - ĐT cũng là để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, và cũng để cải thiện chất lượng giáo dục. Vậy mà hàng năm, cứ trước thời điểm vào năm học mới, các bậc phụ huynh lại phải long đong xin xỏ, chạy vạy cho con vào một trường trái tuyến nào đó mà họ cho là tốt hơn cả. Còn thiếu cơ sở cho những lời đồn đại về việc ở một số thành phố, học sinh vào được một trường trái tuyến nào đó phải bỏ ra từ 5 đến 10 triệu để “ chạy”? Nhưng việc một số địa phương ban hành quy định một học sinh muốn vào học trái tuyến phải nộp tiền là có thật. Có nơi đã nộp tiền rồi mà số lượng vẫn dư thừa đến mức phải làm cái việc rất khó coi là “bốc thăm” có trúng thì mới được nhận vào học.
Vì đâu có chuyện chạy trường nói trên? Thiết nghĩ, bậc cha mẹ nào cũng muốn con em mình có được trường lớp tốt để học. Họ không hề có lỗi trong việc chọn trường, chọn lớp khi con em đến tuổi đi học. Qua phỏng vấn các nhà quản lý và qua thăm dò thực tế, những trường quá tải về hồ sơ xin học trái tuyến lớp 1 đều là những trường bán trú có CSVC tốt, có truyền thống dạy và học nhiều năm, là trường trọng điểm ở những quận trung tâm thành phố.
Từ thực tế chọn trường nêu trên, đã cho một khả năng tháo gỡ: Nếu tất cả những trường học hiện nay đều được đầu tư về CSVC, đều mở các lớp bán trú như nhau, đội ngũ giáo viên như nhau, liệu còn có tình trạng chạy trường, chạy lớp như hiện nay hay không? Trả lời câu hỏi này, đa số các cán bộ quản lý đều trả lời rằng “sẽ hạn chế bớt” (chứ chưa phải chấm dứt). Vì có một yếu tố khác chi phối việc lựa chọn, đó là yếu tố tâm lý không dễ mất đi một sớm, một chiều. Loại hình trường chuyên, lớp chọn đã không còn tồn tại từ lâu ở cấp tiểu học song dường như, ở mỗi địa phương đều có một vài trường đã từng có “thương hiệu” từ trước vẫn tiếp tục được người dân chọn lựa “ảo”, mặc dù sự đầu tư cho những trường này cũng ngang ngửa với các trường khác, đội ngũ giáo viên không hoàn toàn là giáo viên khá, giỏi.
Từ thực trạng chạy trường nói trên, các nhà quản lý giáo dục đã phải chịu áp lực nặng nề hàng năm, nhất là hiệu trưởng và trưởng phòng GD-ĐT. Phụ huynh đối phó bằng nhiều cách, chạy “hộ khẩu” đúng tuyến, nhờ cậy người có thế lực, người thân thích, quen biết với hiệu trưởng, trưởng phòng. Thế nên mới có chuyện hiệu trưởng này, trưởng phòng nọ phải tắt điện thoại di động, phải “đi trốn” trong mỗi mùa tuyển sinh.
Thiết nghĩ, mỗi địa phương phải xem xét về những bất cập dễ làm nảy sinh tiêu cực, mất công bằng đối với người học trong chạy trường, chạy lớp nêu trên; cải thiện, đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên; tuyên truyền sâu rộng để xoá bỏ tâm lý lựa chọn ảo; cán bộ, lãnh đạo làm gương cho nhân dân (không đòi hỏi phải ưu tiên). Cũng rất cần đưa ra một chế tài nghiêm ngặt thống nhất ở các tỉnh thành để không có chỗ cho sự chạy trường, chạy lớp.