Hân hoan vào lớp 1
Như các bạn cùng trang lứa, các bé trong ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam cũng hân hoan bước vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận 5, TPHCM. Mỗi sáng, bà nội là người đánh thức các cháu, lo chuyện vệ sinh, tắm rửa, ăn sáng. Sau đó, cha mẹ các bé thay phiên chở con đến trường.
“Càng lớn các bé càng tinh nghịch nhưng rất dễ thương, đáng yêu vô cùng. Hằng ngày ba mẹ đưa các cháu đi học, tôi ở nhà phụ đi chợ rồi nấu nướng cho các cháu. Nhà lúc nào cũng bận rộn nhưng khi mấy cháu đi học về là rộn ràng tiếng trẻ thơ”, Nguyễn Thị Kim (bà nội của các bé) chia sẻ.
Ngày 17/3/2013, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã bất ngờ với ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam còn gia đình vỡ òa trong niềm vui sướng bởi sản phụ vượt cạn thành công, các cháu ra đời đều khỏe mạnh. Gia đình đã đặt tên cho cá bé: Nguyễn Lê Quách Thế Huynh; Nguyễn Lê Quách Thế Đệ; Nguyễn Lê Quách Thế Lộc; Nguyễn Lê Quách Thế Phượng và Nguyễn Lê Quách Thế Muỗi.
Niềm vui được nhân đôi khi các bé sinh 5 đầu tiên ở nước ta ngày càng hồng hào, khỏe mạnh, gia đình được Tập đoàn Mai Linh tặng một căn hộ chung cư ở quận Bình Tân (TPHCM) để các cháu có nơi ở, học hành.
Niềm vui trường mới
Vùng lũ chuẩn bị cho lễ khai giảng. Ảnh: T.G |
Ngày 4/9, Trường TH Phạm Văn Chính (quận 9), Trường TH Phan Huy Ích (quận Tân Bình), Trường THCS Trần Phú (quận 12), Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) đồng loạt tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học 2019 - 2020.
Lễ khai giảng đầu tiên của những ngôi trường mới diễn ra trong không khí vui tươi xen lẫn háo hức của các em học sinh, các giáo viên và phụ huynh. Các trường đều hưởng ứng việc không thả bóng bay trong lễ khai giảng, tổ chức phần lễ ngắn gọn và phần hội với nhiều tiết mục văn nghệ, trò chơi vui nhộn.
Năm học mới, Trường Tiểu học Phan Huy Ích đón chào 516 học sinh mới khối lớp 1 và 2. Tại lễ khai giảng và khánh thành trường, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhắn gửi: Các em học sinh, hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi, say mê, giữ lại cho mình những phút giây đẹp nhất của tuổi học sinh vô tư bên người thân, thầy cô, bạn bè. Các em hãy nuôi dưỡng cho mình niềm vui để học tập tích cực, rèn luyện đạo đức, lối sống tốt phục vụ nhu cầu của mình và giúp đỡ cha mẹ, gia đình.
Tại Nghệ An, Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 (huyện Con Cuông, Nghệ An) cũng tổ chức lễ khai giảng sớm năm học 2019 – 2020 tại điểm trường Kẻ Tắt – Bá Hạ. Đây là điểm trường đặc biệt vì bắt đầu hoạt động từ năm học này để đón 9 học sinh tộc người Đan Lai vừa theo gia đình đến tái định cư.
Để học sinh Đan Lai sớm hòa nhập với các bạn, Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 chuyển toàn bộ học sinh ở điểm trường Bá Hạ về học tại điểm trường tại khu tái định cư. “Các em học sinh bản Bá Hạ sẽ di chuyển từ 0,5 – 1km đến điểm trường mới nên cũng không quá vất vả. Đồng thời các em Đan Lai có cơ hội được hòa nhập, giao tiếp cùng với các bạn người Thái và người Kinh”, thầy Nguyễn Duy Linh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 cho biết.
Ngày khai giảng, các em học sinh có mặt đầy đủ, hòa đồng với nhau, và được nghe giới thiệu về các thầy cô khác trong trường. Các em được chơi các trò chơi dân gian, tặng sách vở bút mới, đồ dùng học tập và xe đạp đến trường. Cô giáo Vi Thị Duyên được phân công dạy học tại điểm trường Kẻ Tắt – Bá Hạ chia sẻ: “Khi được điều về điểm trường mới chúng tôi cũng khá lo lắng. Nhưng hiện tại đều yên tâm bởi học sinh rất ngoan, thích đến trường và hào hứng với môi trường mới”.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh
Món quà đầu năm học. Ảnh: T.G |
Do mưa lớn kéo dài, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị không tổ chức lễ khai giảng đúng ngày 5/9.
Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, địa phương nào có thể tổ chức khai giảng cần làm gọn nhẹ, không kéo dài, không để học sinh ngồi dưới mưa khai giảng mà có thể linh hoạt bố trí khai giảng ở hội trường, nhà tập đa năng, mái che sân trường. “Nhà trường và phụ huynh phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đi khai giảng. Đối với những đơn vị không thể tổ chức được do lũ lụt thì sẽ tập trung phương án bảo vệ cơ sở vật chất, sách thiết bị dạy học, sau lũ phải khẩn trương khắc phục để sớm đi vào dạy học để thực hiện chương trình. Tùy vào tình hình thực tế, Sở sẽ có chỉ đạo cho những đơn vị này ngay khi lũ rút”, ông Dũng chia sẻ.
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, có ít nhất 8 trường trên địa bàn huyện Hương Sơn không thể tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Nguyên nhân do một số tuyến đường đến trường đã bị ngập, chia cắt, học sinh một số vùng không thể đến trường để khai giảng. Tại huyện Hương Khê, do ảnh hưởng của mưa lũ nên các trường học trên địa bàn huyện không thể tổ chức khai giảng theo kế hoạch.
Quảng Bình, Quảng Trị cũng trong cảnh hoãn khai giảng năm học mới vì mưa lũ. Thông tin từ Sở GD&ĐT Quảng Bình, có 106 trường/ 588 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT cùng 125 cơ sở giáo dục mầm non của nhóm trẻ độc lập trên địa bàn toàn tỉnh sẽ không tiến hành tổ chức khai giảng theo kế hoạch. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều cơ sở, trường học của ngành Giáo dục Quảng Bình phải cho học sinh nghỉ. Vớinhững trường học, cơ sở giáo dục khác đảm bảo được an toàn cho học sinh thì vẫn có thể tổ chức lễ khai giảng bình thường theo kế hoạch đã định.
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ chia cắt nhiều thôn bản, tuyến đường trọng yếu đối với vùng cao, vùng sâu và vùng khó khăn. Việc đi lại của người dân không thể đảm bảo an toàn chính vì vậy Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các trường học chủ động xây dựng phương án tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020 tại đơn vị; mọi phương án đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Những địa bàn cư trú của học sinh không bị chia cắt, ngập lụt, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020 theo kế hoạch chung của Sở. Trường hợp mưa kéo dài, không thể tổ chức Lễ khai giảng ở ngoài trời, các trường có thể sử dụng hội trường, phòng họp... để tổ chức.
Báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho thấy, có khoảng 173/404 trường học của các cấp buộc phải dừng việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 để đảm bảo an toàn cho học sinh và phụ huynh.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng có công văn khẩn gửi các đơn vị cơ sở về việc tổ chức khai giảng năm học 2019 – 2020. Theo đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên và căn cứ vào tình hình thực tế về diễn biến mưa lũ, hiệu trưởng có thể xem xét lùi ngày khai giảng và thông báo cho chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh được biết. Thực hiện hướng dẫn, Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn đã quyết định lùi thời gian khai giảng đến khi thời tiết ổn định. Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũng giao các trường chủ động lịch khai giảng, hiện các Trường Tiểu học Bến Thủy, Hà Huy Tập 2… đã lùi khai giảng đến ngày 9/9.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Mai Xuân Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa), cho biết: Hơn 3.000 học sinh không thể dự khai giảng năm học mới 2019 - 2020 tại trường chính do mưa lũ khiến địa hình chia cắt.
“Những ngày gần đây có mưa vừa đến mưa to, việc khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra trước đó còn dang dở. Vì vậy, ngày khai giảng phải thực hiện ghép các trường với nhau. Bên cạnh đó, nhiều bản nằm cách xa điểm trường chính hàng chục km đường rừng, trong khi trời lại mưa nên phụ huynh không thể đưa các em (chủ yếu là học sinh mầm non và tiểu học) đến dự khai giảng được”, ông Giang thông tin.
Trên đường đến trường để lao động, chuẩn bị cho lễ khai giảng, em Lương Thế Mạnh (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An) thấy 2 người bị nước sông Nậm Mộ cuốn trôi. Em đã dừng xe lao ra giữa dòng nước lũ và đưa được cả 2 nạn nhân vào bờ.
Hai nạn nhân được cứu sống là Vi Văn Quý (19 tuổi) và em Moong Văn Kiều (10 tuổi) cùng trú bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn. Trước hành động dũng cảm cứu người của em Lương Văn Mạnh, UBND xã Tà Cạ đã đến thăm hỏi, biểu dương và trao quà em cho Mạnh. Thầy Lê Đức Cát, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cho biết: Mạnh là học sinh có học lực khá, chăm chỉ, chuyên cần. Nhà trường đã cử giáo viên vào xã Tà Cạ xác minh sự việc để kịp thời biểu dương em về hành động dũng cảm cứu người khỏi dòng lũ trong lễ khai giảng năm học mới.