Phương pháp giáo dục học sinh đặc biệt ở Hà Lan

GD&TĐ - Tại làng Blaricum ở Hà Lan (ngoại ô Amsterdam) có một số cơ quan giáo dục cùng song song tồn tại: Thứ nhất, trường cộng đồng với 4 lớp học đặc biệt; thứ hai, vườn trẻ; thứ ba, trường dòng. Giữa các cơ quan khác nhau này không có tường ngăn cách. Sân thể thao, sân khấu, quán cà phê, bãi gửi xe đạp cũng được dùng chung.

Trong lớp, học sinh đồng thời làm những việc khác nhau
Trong lớp, học sinh đồng thời làm những việc khác nhau

Tôn trọng sự khác biệt của học sinh

Tuy vậy, bà Kaja Hoyer, phụ trách chương trình học sinh tài năng nói rằng nếu có nhà học riêng, họ có thể tăng số lần nghỉ giải lao trong ngày lên. Hiện tại, học sinh có hai đợt giải lao – nửa giờ và 45 phút, trong thời gian đó các em ăn trưa và chơi thể thao.

Ở Hà Lan, người ta rất quan tâm tới trò chơi của trẻ em, bởi các trò chơi vận động là sự rèn luyện trí tuệ xã hội và trí tuệ cảm xúc. Nó còn là kỹ năng vượt qua thất bại, làm chủ bản thân, làm việc đồng đội. Vì vậy, nhà trường mời các kỹ thuật viên trò chơi đặc biệt để cùng chơi với học sinh trong các giờ giải lao.

Thời gian còn lại, học sinh học chung một lớp. Tất cả các phòng học đều rộng và rất nhiều ánh sáng. Nếu trong giờ, học sinh có nhu cầu ra ngoài ngồi học một mình thì chỉ cần ra hiệu cho giáo viên là có thể đi vào hội trường, thậm chí ra phố. “Mọi trẻ em đều khác nhau - một giáo viên nói - có em thích yên tĩnh, có em thích một mình, có em thích vận động”.

Học sinh được phép làm như vậy, vì đã có thỏa thuận giữa nhà trường và các em. Tại trường phổ thông Blaric, người ta tin tưởng rằng nếu bạn nói thật với trẻ “thầy tin em”, thì trẻ cũng đáp lại như vậy. Tất nhiên, dần dần các em kiểm soát được chừng mực, đặc biệt khi xuất hiện những giáo viên mới hoặc giáo viên thay thế. Trong trường hợp đó, thỏa thuận về “quyền đặc biệt” quả là đánh mất hiệu lực trong một thời gian nào đó.

Thầy đặc biệt dành cho trò đặc biệt

Tham gia giảng dạy chương trình là các giáo viên đặc biệt, những người mà theo quan điểm của người phụ trách chương trình, có thể hiểu và ủng hộ “mục đích phát triển”: Nhìn thấy ở mỗi đứa trẻ tiềm năng, chứ không phải là một kẻ gây rối. Nếu thầy giáo không trở nên mềm dẻo, thay đổi theo học sinh, coi những trò nghịch ngợm của các em như một nhu cầu, chứ không phải sự vô kỷ luật, thì anh ta sẽ không trở thành giáo viên thành công đối với những học sinh nhạy cảm.

Trẻ em tài năng thường nhạy cảm và làm chủ tình cảm của mình không tốt lắm. Điều này cũng được rèn luyện ở trường tài năng: Các em học cách phản ứng trước những khó khăn, tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, chế ngự cơn giận của mình. Người ta cố ý giao cho học sinh những công việc khó khăn để các em tự giải quyết và đối với giáo viên điều quan trọng không phải là giải pháp đúng, mà là cách tìm giải pháp.

“Chúng tôi cần dạy học sinh biết cảm nhận niềm vui khi vượt qua khó khăn, nỗi buồn và sự tức giận khi không đạt được điều gì đó. Cần phải thử sức lần nữa, lần nữa để đạt được cảm giác “Mình đã làm điều đó!”. Đó là một cảm giác tuyệt vời. Nhưng phải trải nghiệm nó nhiều lần và để vào thời điểm đó bên cạnh có người ủng hộ bạn, chứ không phải đánh giá” - ở trường Hà Lan, người ta tin tưởng như vậy.

Phương pháp giáo dục đặc biệt

Tưởng như quan điểm giáo dục đặc biệt như vậy chỉ có thể áp dụng trong các lớp nhỏ. Quả thật, sĩ số học sinh của các lớp này ít hơn bình thường, 22 em (thông thường, ở trường phổ thông Hà Lan, mỗi lớp có từ 30 - 35 học sinh). Nhưng 22 không phải là 5, hay 10. Để giáo viên có thể tiếp xúc riêng với từng em và để các em làm việc thuận lợi, nhà trường quyết định hạn chế tới mức tối đa giáo dục theo kiểu phổ thông: Tức là giáo viên nói, còn tất cả học sinh lắng nghe và cùng làm một bài tập giống nhau.

Tại trường phổ thông Blaric có hai ngày trong tuần (thứ hai và thứ năm), giáo viên dạy bài mới. Tất cả thời gian còn lại học sinh làm bài tập một mình, theo lớp hoặc từng cặp, còn giáo viên đi đi lại lại trong lớp và bước tới gần từng em, nếu thấy cần thiết.

Khi cần thiết các em ra hiệu gọi thầy tới. Hơn nữa, trong lớp đồng thời học sinh có thể làm những việc khác nhau: Có em viết, có em làm maket, có em vẽ, có em đọc. Hình thức bài làm chủ yếu là các dự án. Ý tưởng dự án do chính học sinh đề xuất trên cơ sở các chủ đề học ở trường hoặc được thảo luận trong xã hội.

Lựa chọn trẻ em tài năng như thế nào?

Để được vào học một lớp tài năng như vậy, đứa trẻ phải trải qua hai giai đoạn: Trắc nghiệm năng lực trí tuệ cộng với trả lời phỏng vấn mở rộng của người phụ trách chương trình để phát hiện các đặc điểm tâm lý của học sinh. Ở đây chưa phát hiện ra tài năng của từng đứa trẻ, vì tất cả các em đều tài năng, mỗi em một lĩnh vực, điều quan trọng là tạo cho các em cơ hội nhận biết mình. Còn việc phân hóa sẽ bắt đầu muộn hơn.

Vì học các chương trình đặc biệt là những em có năng khiếu nên các em có thể hoàn thành chương trình trong 4 - 5 tháng đầu tiên trong năm, thời gian còn lại dành cho hoạt động dự án theo sở thích của các em. Ở đây các em cũng được chấm điểm, nhưng không thường xuyên, giáo viên chủ yếu đặt ra các tình huống cho học sinh thể hiện.

Ví dụ, bài trắc nghiệm được thực hiện vừa công khai vừa bí mật, chủ yếu trong các giờ trên lớp. “Chúng tôi giao cho học sinh làm các bài trắc nghiệm trong những ngày học bình thường, không nói gì cả, sau đó đối chiếu kết quả của chúng với kết quả trắc nghiệm các em làm trong các kỳ thi. Nếu có sự khác nhau thì chúng tôi tìm nguyên nhân và giúp các em khắc phục” - bà Hoyer nói.

Điểm số ở Trường Blaric được cho theo màu, nghĩa là không có điểm 3, 4 và 5, mà thay vào đó là bảng màu từ đỏ đến xanh. Bà Kaja Hoyer nói rằng “học sinh có thể đối chiếu điểm với màu. Điều đó thêm một lần nữa nhắc nhở thầy giáo rằng điểm không phải là công cụ quản lý trẻ em, mà là sự thỏa hiệp”.

Khó nhất là thuyết phục phụ huynh

Thật kỳ lạ, thách thức chính đối với bà Hoyer, phụ trách chương trình và Hiệu trưởng Maurice Monster là việc tiếp xúc với các bậc phụ huynh. Khi dẫn con tới học chương trình tài năng, họ chờ đợi một sự học tập “nghiêm túc”, nhưng thay vào đó là các em tập thiền, chơi trò chơi ngoài trời và đánh cờ. Và không có bài tập về nhà nào cả.

Các giáo viên kiên nhẫn giải thích rằng việc học tập chỉ diễn ra ở trường, còn những ngày nghỉ tốt nhất là học sinh chơi và sinh hoạt với gia đình.

- “5 năm gần đây ở Hà Lan người ta nói về “cuộc cách mạng giáo dục”. Chúng tôi hiểu rằng hệ thống cũ đã lỗi thời và cần phải thay đổi gì đó - bà Hoyer nói. Học sinh chúng tôi không chỉ cần làm các bài trắc nghiệm, mà còn cần sự phát triển thể chất và tâm lý, trò chơi, yoga. Ít ra là đến năm 12-13 tuổi. Chúng tôi không từ bỏ các môn học thông thường, nhưng chúng tôi cũng muốn thử nghiệm một cái gì đấy mới mẻ”.

“Để được vào học một lớp tài năng, đứa trẻ phải trải qua hai giai đoạn: Trắc nghiệm năng lực trí tuệ cộng với trả lời phỏng vấn mở rộng của người phụ trách chương trình để phát hiện các đặc điểm tâm lý của học sinh. Ở đây chưa phát hiện ra tài năng của từng đứa trẻ, vì tất cả các em đều tài năng, mỗi em một lĩnh vực, điều quan trọng là tạo cho các em cơ hội nhận biết mình. Còn việc phân hóa sẽ bắt đầu muộn hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ