Phương pháp giáo dục con thành công của “Hàn Quốc Đệ nhất Từ Mẫu”

GD&TĐ - “Nếu các bậc cha mẹ chỉ có thể nuôi dưỡng con cái mà không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào, họ sẽ không thể giúp đỡ con vươn tới thành công”.

Bà Quan Hui-Xing. (Ảnh: Kanzhongguo)
Bà Quan Hui-Xing. (Ảnh: Kanzhongguo)

Quan Hui-Xing sinh ra tại Hàn Quốc. Bà có bằng Tiến sĩ chuyên ngành xã hội học và nhân chủng học của Đại học Boston, và là cựu Giáo sư tại Đại học Yale. Bà Quan hiện là Giám đốc Học viện East Rock (Hoa Kỳ).

Bà Quan Hui-Xing có 6 người con, 4 trai và 2 gái. Tất cả các con của bà đều có bằng Tiến sĩ của Đại học Harvard hay Yale, và mỗi người trong số họ đang nắm giữ những vị trí trách nhiệm rất lớn. Bà được đặt biệt danh là “Hàn Quốc Đệ nhất Từ Mẫu” và đã truyền cảm hứng cho cả thế giới về phương pháp giáo dục con thành công đáng ngạc nhiên của mình.

Gia đình bà Quan. (Ảnh: Kanzhongguo)

Trong một cuộc phỏng vấn với CBS, bà đã tiết lộ những phương pháp giáo dục con đặc biệt của mình, đáng để nhiều người học hỏi và áp dụng trong cuộc sống thường ngày.

Người mẹ cần trau dồi phát triển bản thân mình

Trên cả phương diện cá nhân và chuyên môn, một người mẹ cần phát triển tối đa tài năng của mình. Cho dù đang làm bất kể công việc nào, một người mẹ nên luôn làm tốt công việc nhất có thể để phát triển bản thân. Nếu chúng ta muốn giáo dục trẻ trở nên xuất sắc, đầu tiên chúng ta cần cải thiện năng lực của mình để làm gương cho những đứa trẻ.

Công việc và gia đình giống như đôi cánh của người mẹ – chỉ khi tìm thấy sự cân bằng thì mới có thể cất cánh bay. Nếu một người phụ nữ không thể cân bằng cuộc sống gia đình với nghĩa vụ xã hội, cô ấy không thực sự sống một cuộc sống hạnh phúc; điều này sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình.

(Ảnh qua scholastic.com)

Một người mẹ cần tìm thấy sự cân bằng phù hợp giữa công việc và gia đình. Quyết định tiến vào môi trường việc làm hay không không quan trọng bằng thái độ đối với quyết định. Liệu cô ấy có thể tiếp tục phát triển bản thân mình, liệu cô ấy có thể cải thiện năng lực xử lý những nhiệm vụ và vấn đề ưu tiên, và liệu cô ấy có thể giải quyết những mâu thuẫn xảy ra do xung đột giữa công việc và cuộc sống gia đình?

Đừng hi sinh bản thân vì con cái

Cha mẹ tôi không phải là kiểu người hi sinh vô điều kiện cho con cái mình. Họ luôn học tập, cải thiện và làm phong phú cuộc sống của họ; cách nhìn thế giới và thái độ sống của họ đã tác động đến rất nhiều người.

Họ là hình mẫu của tôi. Họ đã luôn dạy dỗ tôi kể từ thời thơ ấu. Tôi đã dành thời gian nhìn lại cuộc đời mình, đó là một quá trình phát triển lâu dài và vô cùng hữu ích. Những chi tiết quan trọng dần hiện lên trong tâm trí tôi, giống như những dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn tôi.

Làm thế nào bạn có thể trở thành bậc cha mẹ tốt? Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con cái họ vô cùng, và họ hi sinh vô điều kiện cho những đứa trẻ. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi tin rằng đối với các bậc cha mẹ, chìa khóa chính là hướng dẫn con trẻ như thế nào, giúp đỡ chúng tìm thấy tương lai của mình, đi con đường của riêng chúng trong cuộc sống. Để trở thành người chỉ dẫn tốt nhất, đầu tiên, cha mẹ phải suy nghĩ về những mục đích sống của mình và có năng lực tác động, giúp đỡ người khác – điều này tạo thành tấm gương tốt cho con cái.

Nếu cha mẹ chỉ có thể nuôi dưỡng con cái mà không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào, họ sẽ không thể giúp đỡ con cái họ vươn tới thành công. Cha mẹ phải có mục tiêu riêng của mình, và cuộc sống cá nhân nên được trọn vẹn và không thiếu bất kỳ mảnh ghép nào vì phải chăm sóc con cái mình. Điều này thường khó khăn hơn chỉ đơn thuần là hi sinh mọi thứ, nhưng đây chính là tình yêu thực sự đối với con cái. Nếu ông bà của những đứa trẻ có thể làm tương tự, đó sẽ là những tấm gương vững chắc cho con cái.

(Ảnh qua quacuabo.com)

Tạo nên một môi trường học tập

Chúng tôi không ép buộc con cái phải tới trường học, nhưng mọi nơi mà chúng quan sát, chúng sẽ thấy một cái bàn và một thành viên trong gia đình đang ngồi học. Chúng lớn lên với cảm nhận rằng học tập là một điều bình thường trong cuộc sống thường nhật.

Trong gia đình tôi, bàn không chỉ là đồ nội thất, nó là một nơi đặc biệt dành cho học tập. Chúng tôi có 19 cái bàn trong nhà. Mỗi thành viên trong gia đình có 2 cái bàn; 1 ở tầng chính và 1 ở thư viện dưới tầng hầm.

(Ảnh qua daycon.com.vn)

Duy trì một mối quan hệ hôn nhân tốt

Khi cả cha mẹ đều tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ này sẽ tác động lên những đứa trẻ. Khi cha mẹ cãi lộn, đánh nhau trước mặt những đứa con, chúng sẽ lớn lên với rất nhiều vấn đề lâu dài.

Chúng tôi đều cố gắng hết sức để tránh mâu thuẫn tại nhà, và giải quyết mâu thuẫn thông qua trao đổi. Chúng tôi không muốn ảnh hưởng tiêu cực đến những đứa trẻ, thay vào đó chúng tôi muốn mình là một tấm gương tốt cho con.

Cho dù chúng tôi cẩn thận thế nào, thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn tranh cãi. Tuy nhiên, trước mặt những đứa trẻ, tôi luôn cố gắng giữ thể diện cho chồng và ngược lại. Vì vậy, con cái chúng tôi đều tôn trọng cha mẹ chúng.

(Ảnh: shutterstock.com)

Nếu cả hai đều mong muốn giải quyết mâu thuẫn thông qua chia sẻ, những quan điểm khác nhau sẽ dễ dàng được giải quyết. Chia sẻ có thể không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng nó có thể giúp mỗi người hiểu người kia hơn và tăng cường mối quan hệ giữa hai vợ chồng.

Bạn thấy đấy, trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ có thể học cách yêu thương lẫn nhau. Một mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp là một phần trong công thức nuôi dạy trẻ thành công.

Hãy để con cái mở lòng với bạn

Chúng tôi ăn sáng cùng nhau mỗi ngày. Chồng tôi tạo nên quy định này và nó đem lại rất nhiều lợi ích. Khi chúng tôi cùng nhau ăn sáng, chúng tôi có thể trò chuyện và hiểu tính cách của con cái – chúng tôi có thể can thiệp sớm nếu có đứa trẻ nào cảm thấy chán nản thất vọng và cùng lúc đó, bữa ăn nhắc nhở rằng chúng tôi là một gia đình.

Có hai điều cần tránh khi nói chuyện với con trẻ, đừng hỏi những câu hỏi thẳng thắn như: “hãy nói về điều này nhé” hoặc nói giống như đang ra lệnh cho trẻ phải tuân theo. Trẻ sẽ rụt rè và khép kín khi cha mẹ sử dụng loại giao tiếp này.

(Ảnh: shutterstock.com)

Bí mật giao tiếp với con bạn

Thông thường, những đứa trẻ từ chối giao tiếp với cha mẹ vì hai lý do: cha mẹ không hiểu chúng và không đưa ra bất kỳ ý kiến xây dựng nào.

Những bậc cha mẹ tốt luôn nhớ hai từ: lắng nghe và góp ý.

(Ảnh: shutterstock.com)

Tích cực học tập và tu dưỡng tâm tính

Một đứa trẻ không chỉ cần có tài năng, tu dưỡng tâm tính mới là điều quan trọng hơn.

Suốt thời thơ ấu và khi lớn lên, tâm tính tốt giống như một làn gió nhẹ phân tán hạt giống đi khắp mọi nơi, tầm ảnh hưởng của nó rất xa và rộng.

Trong gia đình chúng tôi, con cái luôn có một mục tiêu: học tập và nỗ lực giúp đỡ những người kém may mắn. Một khi mong muốn này mọc rễ đâm chồi trong tâm, nó sẽ phát triển và trở thành niềm tin cung cấp năng lượng và tiềm năng không giới hạn.

Chúng sẽ sống để đạt được mục tiêu này và tất cả những nỗ lực của chúng sẽ làm gia tăng sức mạnh và tài năng trong những lĩnh vực này.

Một đứa trẻ không chỉ cần có tài năng, tu dưỡng tâm tính mới là điều quan trọng hơn. (Ảnh qua phunutoday.vn)

Đây là con đường mà con cái tôi dần dần lớn lên và trở thành một ai đó; chúng không chỉ làm việc chăm chỉ để trở thành người quan trọng; chúng hiểu rằng làm việc chăm chỉ để giúp đỡ người khác là điều làm cuộc sống chúng có ý nghĩa.

Vì vậy, bây giờ khi bất kỳ người nào hỏi tôi: “Bạn có cách đặc biệt nào để giáo dục con cái không?”.Tôi đều nói với họ: “Đừng tập trung vào phát triển tài năng, quan trọng hơn hãy trau dồi tâm tính của chúng, để khi lớn lên chúng trở thành người thích giúp đỡ người khác”.

Theo phunugiadinh/trithucvn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ