Phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột: Để “bột” gột được nên “hồ”

GD&TĐ - Cùng với nhiều phương pháp dạy học tích cực khác, trong 5 năm qua, nhiều trường học, từ Tiểu học đến THCS, THPT đã áp dụng phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột. 

Phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột: Để “bột” gột được nên “hồ”

Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, trong đó chú trọng đến việc hình thành các kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống thông qua tiến hành các thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra…

Đổi mới đồng bộ từ nội dung đến phương pháp

Bàn tay nặn bột (BTNB) đã được Hội “Gặp gỡ Việt Nam” - đứng đầu là GS Trần Thanh Vân - giới thiệu vào Việt Nam từ năm 2000. Sau một năm thí điểm với nhiều kết quả tích cực, BTNB đã được Bộ GD&ĐT triển khai rộng trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài hỗ trợ tập huấn các địa phương trong quá trình triển khai, Bộ GD&ĐT đã kịp thời có những điều chỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế quản lý chuyên môn để tạo điều kiện thuận lợi thời nhất cho giáo viên thực hiện có hiệu quả phương pháp BTNB.

Hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá cũng được thay đổi theo hướng phát triển năng lực HS, hạn chế việc kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, thay vào đó chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức và năng lực thực hành của HS. Sự tiến bộ của HS trong quá trình dạy học thông qua sản phẩm học tập mà HS hoàn thành trong các hoạt động học tập trên lớp và ở nhà được coi trọng.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương đổi mới căn bản nội dung và phương thức đánh giá GV thông qua giờ dạy để tạo điều kiện cho giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, loại bỏ khái niệm “cháy giáo án” trong việc đánh giá giờ dạy của giáo viên…

Qua triển khai phương pháp BTNB, một số nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông đã được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn, khắc phục được một số chồng chéo về nội dung giữa các môn, góp phần giảm tải chương trình; có nhiều nội dung đổi mới đã được cập nhật, bổ sung vào chương trình dạy học thông qua yêu cầu thiết kế các hoạt động học tích cực của HS và thông qua các sản phẩm học tập do HS thực hiện trong các chủ đề, bài học.

Việc tổ chức các hoạt động theo tiến trình sư phạm của phương pháp BTNB đã được thực hiện ở nhiều bài học theo mô hình trường học mới cấp THCS, nhất là đối với môn Khoa học Tự nhiên.

Do phải chuẩn bị công phu và cần có nhiều thời gian dạy học, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn mỗi GV không nên dạy theo phương pháp BTNB ở nhiều bài học mà chỉ cần dạy học từ 1 đến 2 bài học/chủ đề trong năm học. Nhiều GV dạy học bài học/chủ đề khác nhau, qua nhiều năm thì số bài học/chủ đề được dạy theo phương pháp BTNB sẽ tăng lên.

GV phải làm chủ phương pháp

 So với các phương pháp dạy học khác, BTNB không cho phép GV chỉ ngay những sai sót của HS khi các em đang phát biểu. Thế nên, khi GV chốt lại kiến thức chuẩn, nếu không tập trung nghe, HS sẽ không phát hiện những điểm sai của mình để điều chỉnh.

Mở đầu bài học về Bóng tối (Khoa học lớp 4) theo phương pháp BTNB, câu đố của cô giáo Nguyễn Thị Thu Vân, trường Tiểu học Bạch Đằng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã lôi cuốn sự chú ý của các em học sinh: “Nắng ba năm ta không bỏ bạn/ Mưa một ngày bạn đã bỏ ta” là gì?”.

Cô giáo Vân còn cho HS quan sát bức tranh chụp bóng cây vào các thời điểm khác nhau trong ngày để nhận xét, so sánh. Và để trả lời câu hỏi của GV đưa ra, cái bóng xuất hiện ở đâu, khi nào, có hình dạng như thế nào, có thể làm cho bóng của sự vật thay đổi bằng cách nào, các em lớp 4/2 cùng đã cùng làm thí nghiệm.

Sau khi tự làm thí nghiệm, quan sát, HS thảo luận, thắc mắc… theo nhóm, cô giáo Vân có thể gọi bất kỳ một HS nào trong nhóm để trình bày các ý kiến, nếu HS nào trình bày chưa đúng với kiến thức cần cung cấp thì GV gọi thêm những HS khác cho đến khi nào đúng thì thôi.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó GĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, việc áp dụng phương pháp BTNB giúp HS được trải nghiệm nhiều hơn, GV có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của HS, từ đó giúp HS tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Tiết học nhờ vậy tạo được sự hứng thú cho HS vì bản thân các em tự tìm tòi để rút ra được tri thức. Tinh thần làm việc nhóm của HS cũng được phát huy tối đa.

Ở một khía cạnh khác, ông Đoàn Văn Hương – Phó GĐ Sở GD&ĐT Bắc Kạn - cho rằng: Với phương pháp BTNB, việc HS mạnh dạn tự đưa ra ý kiến của mình, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất… sẽ góp phần giúp HS rèn luyện kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, viết, vẽ, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm khoa học của mình, khả năng hợp tác…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh: Để thực hiện được phương pháp BTNB đòi hỏi GV phải có kiến thức, kỹ năng về KHTN vững vàng và có khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong tiết học”.

Từ kinh nghiệm của quá trình triển khai BTNB, đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế nêu quan điểm: “Quan trọng nhất là GV nắm đặc trưng của phương pháp, GV làm chủ phương pháp chứ không chạy theo số lượng các chủ đề/tiết dạy có sử dụng phương pháp. Tinh thần chỉ đạo của Sở là GV nắm chắc các đặc trưng, các bước dạy học theo phương pháp này, để chuẩn bị hành trang tốt cho dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học trong tương lai”.

Nói cách khác, mỗi phương pháp dạy học đều có một hệ thống nguyên tắc đi cùng để HS hiểu đúng bản chất của vấn đề. Điều cốt yếu là GV tránh máy móc trong sử dụng các phương pháp, có thể bỏ “râu ria” để giữ lấy bản chất nhưng đừng bỏ bản chất mà giữ lại "râu ria".

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT): “Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, tập huấn để các phương pháp BTNB và kỹ thuật dạy học tích cực khác được thường xuyên sử dụng một cách thuận lợi, thực chất; thay đổi thói quen dạy học chủ yếu trên lớp theo bài/tiết như hiện nay; tăng cường các hoạt động của HS ở ngoài trường/lớp học bao gồm cả việc tự học kiến thức mới và nhất là vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.Làm cho mỗi GV nắm vững phương pháp BTNB và các phương pháp dạy học tích cực khác; tích cực xây dựng các tài liệu chuyên môn phục vụ dạy học, nắm chắc các điều kiện của trường như CSVC, phương tiện, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo… để có thể khai thác vào dạy học, hướng dẫn HS tự học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.