Phương Dung, Bảo Yến, Chế Thanh nhớ về mẹ ngày 8.3
Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8.3, các ca sĩ tham gia chương trình Sol Vàngcùng chia sẻ những cảm xúc cá nhân về người phụ nữ mà họ kính yêu nhất trong cuộc đời.
Danh ca Phương Dung nói: “Mẹ tôi là người rất cực khổ để nuôi tôi khôn lớn vì từ nhỏ Phương Dung lúc nào cũng đau ốm. Có một câu thơ như thế này: “Ví mà tôi đổi thời gian được. Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”. Tôi làm nghề 60 năm thì có tới phân nửa thời gian đi hát với mẹ. Đối với người con gái Việt Nam hay một người con gái nào đó trên thế giới thì ai cũng sẽ thương mến và quý trọng tình mẫu tử”.
Danh ca Phương Dung
Nữ danh ca Bảo Yến chia sẻ: “Huế là nơi tôi sinh ra. Từ những năm 6 tuổi mẹ hay dắt ra Bến Ngự, chợ Phú Vân Lâu rồi trường Quốc Học Huế, bờ sông Hương… chơi. Mẹ cũng thường dắt đi ăn bánh bèo, ăn cơm hến Âm Phú… Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Huế. Mẹ tôi cũng thường nấu cho các con ăn, bà là người Huế nên có sở trường là nấu ăn rất ngon. Món mà tôi thích mẹ làm nhất là cơm rượu nên cứ đòi mẹ làm cho hoài nhưng bà không dám làm nhiều vì sợ con gái còn bé quá ăn nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe… Bây giờ mỗi khi ăn cơm rượu là tôi lại nhớ đến món ăn mà mẹ làm cho mình ngày bé”.
Ca sĩ Bảo Yến
Ca sĩ Chế Thanh nói: “Tháng 3 có một ngày rất quan trọng là ngày quốc tế phụ nữ. Mỗi năm tới ngày này tôi luôn nhớ đến một người phụ nữ mà mình trọn đời yêu thương đó là mẹ. Từ khi bé đến lúc trưởng thành tôi luôn gắn bó với mẹ. Lúc bà qua đời cho đến bây giờ cứ mỗi dịp 8.3 nhìn thấy các bạn trẻ còn mẹ tôi cảm thấy bùi ngùi cho bản thân nhưng cũng mừng cho họ vì còn người phụ nữ đáng kính nhất ở bên họ. Nhân đây tôi cũng gởi lời chúc đến những người phụ nữ Việt Nam, những bà mẹ, người chị, người em luôn thành công, hạnh phúc bên người thân trong cuộc sống”.
Ca sĩ Chế Thanh
Bảo Yến đồng cảm với Minh Kỳ vì cùng là người gốc Huế
Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh năm 1930 tại Nha Trang nhưng nguồn gốc gia tộc thuộc đất Thần Kinh. Theo gia phả của dòng họ thuộc triều Nguyễn tại Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ là cháu đời thứ năm của Vua Minh Mạng. Ông là tác giả của một loạt bài hát nổi tiếng như: Phận tơ tằm, Năm ngọn núi Ngũ Hành, Chuyện đêm mưa, Chuyến tàu hoàng hôn... Minh Kỳ có tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy). Hiện nay tại thôn Vĩ Dạ vẫn còn là nơi ở, mộ phần và phủ thờ dòng họ bên ông. Tuy có gốc Huế nhưng nhạc sĩ Minh Kỳ là người con duy nhất trong một gia đình hoàng tộc khá giả tại thành phố Nha Trang. Ông sống ở đây cho đến khi lập gia đình vào năm 1952. Nha Trang cũng là nơi để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Minh Kỳ…
Chính vì có nguồn gốc dòng dõi hoàng tộc xứ Huế nên nhạc sĩ Minh Kỳ rất nổi tiếng với những bài hát về cố đô: Thương về xứ Huế, Người em Vĩ Dạ, Mưa trên phố Huế, Mùa đông xứ Huế... từng làm say lòng biết bao thế hệ người nghe. Nhắc đến những nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Huế không thể không nhắc đến Minh Kỳ cũng như khi nói đến những ca sĩ hát "nhạc Huế" hay nhất không thể bỏ qua tiếng hát của nữ danh ca Bảo Yến. Với lối phát âm nặng chất miền Trung, vừa sang lại vừa đẹp, tròn vành rõ chữ, có thể xem Bảo Yến chính là một trong những ca sĩ hát về Huế hay nhất. Chia sẻ về lý do vì sao mình hát nhạc Huế rất thành công, nữ ca sĩ Bảo Yến nói: “Tôi hát rất nhiều nhạc Huế nói chung cũng như các sáng tác của Minh Kỳ nói riêng. Nhạc của ông sâu đậm và mang khí chất Huế mà Bảo Yến lại được sinh ra ở đất thần kinh nên thể hiện ca khúc của Minh Kỳ rất dễ dàng!”. Trong chương trình, nữ danh ca sẽ trình bày hai ca khúc: Mưa trên phố Huế và Chuyến tàu hoàng hôn.