Phun tràn lan có thể gây hại
Để phòng ngừa Covid-19, nhiều người cho rằng nên chăng cứ phun thuốc khử khuẩn ở tất cả các khu dân cư, dù nơi đó có người mắc Covid-19 hay không. Nhiều địa phương cũng đã tiến hành phun khử khuẩn rộng khắp để phòng bệnh. Nhưng thực tế, thuốc khử khuẩn chỉ có tác dụng trong vòng 3 tiếng sau khi phun, và thuốc này tác động không tốt đến sức khỏe, nên không thể phun tràn lan, không kiểm soát. PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tổ chức phun hóa chất diện rộng không những không có tác dụng phòng bệnh, mà còn gây hại cho sức khỏe của người dân ở chính nơi thực hiện phun hóa chất.
Hóa chất dù diệt khuẩn nhưng vẫn có yếu tố gây hại cho con người. Nhiều người bị dị ứng với hóa chất nên có thể gây ra cơ chế phản ứng mà lên cơn co thắt hô hấp dẫn đến cơ thể bị tổn thương, hoặc tử vong. Bên cạnh đó, hóa chất còn gây ra ô nhiễm môi trường, có thể gây ung thư sau này. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thoát ra theo dạng giọt bắn khi người nhiễm ho, nói chuyện, hắt hơi... chứ không tồn tại trong không khí nên việc phun không có tác dụng gì. “Hóa chất diệt khuẩn thường được dùng để sát trùng bề mặt trong diện hẹp như trong bệnh viện, phòng phẫu thuật chứ không ai đem phun tràn lan ra đường phố. Số tiền cho việc phun hóa chất nếu dùng để mua khẩu trang, xà phòng thì có tác dụng phòng chống dịch Covid-19 hơn gấp nhiều lần”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga bày tỏ.
“Thuốc hóa học khử khuẩn chỉ có tác dụng trong vòng 3 tiếng đồng hồ, nếu phun ở những nơi không có dịch bệnh thì có thể ngày hôm sau sẽ lại phun tiếp và cứ thế thì rất tốn kém. Nhiều nơi cũng lợi dụng việc phun thuốc để mời chào các đơn vị doanh nghiệp, nhà dân để phun thuốc rồi thu phí vài trăm nghìn đồng mỗi đợt mà hiệu quả chẳng được là bao còn khiến cho tâm lý của nơi được phun mất cảnh giác...”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
Không tự phun khử khuẩn trong nhà
“Người dân không nên quá hoảng loạn để lùng tìm các chất diệt khuẩn về dùng. Bản chất của virus muốn gây bệnh cũng phải đạt được một số lượng nhất định, gặp được những chủ thể nhất định (có sức đề kháng yếu, có sẵn bệnh nền…) mới có thể gây bệnh. Việc phòng chống nhiễm bệnh bằng các biện pháp đơn giản theo khuyến cáo của Bộ Y tế là đủ để bảo vệ sức khỏe vượt qua mùa dịch bệnh”. PGS.TS Phạm Văn Nho
Trên thị trường, các loại dung dịch khử khuẩn bỗng dưng được “săn tìm” nhiều nhất. Trên các sàn buôn bán trực tuyến (Sendo, Shopee, Lazada, Zalo, đặc biệt là Facebook), sản phẩm Chloramine B được chào bán rất đa dạng. Khách hàng tha hồ lựa chọn dưới những lời quảng cáo hấp dẫn. Chỗ nào cũng hàng tốt 100%, hàng chuẩn từ nhà máy, các nước châu Âu, Nhật Bản... Một câu hỏi đặt ra, cũng cùng là bán mặt hàng Cloramine B, giá bán tại Shopee lại dao động ở mức 99.000 đồng/kg cho đến 600.000 đồng/kg tùy loại. Theo quảng cáo thì loại Cloramine B của Cộng hòa Séc, có giá 600.000 đồng/kg. Loại khác không có nguồn gốc, nhãn mác thì chỉ có giá 79.000 đồng/kg, nhiều loại khác cũng ở nhiều mức giá khác nhau như 87.000 đồng/kg, 125.000 đồng/kg… đều có tính năng diệt khuẩn.
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, Chloramine B được dùng để khử khuẩn trong y tế, người dân tự mua về dùng nên chú ý đến nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tránh nhiễm độc. Tuy nhiên, việc sử dụng Chloramine B phun khử khuẩn trong các hộ gia đình có rất ít tác dụng phòng dịch Covid-19. Chloramine B chỉ dùng để phun khử trùng các khu vực đã có người nhiễm khuẩn, khu vực cộng đồng rộng lớn. Trường hợp gia đình có người mắc nan y dễ lây nhiễm thì cũng có thể dùng để phun khử khuẩn. Còn nếu bình thường, không nằm ở khu vực lây nhiễm, không có người dương tính với Covid-19… thì không nên sử dụng. Bởi Chloramine B chỉ diệt vi khuẩn chứ ít có khả năng diệt virus, trong khi đó việc hít phải Chloramine B lại không có lợi cho sức khỏe.
“Chất lượng của Chloramine B phụ thuộc vào độ tinh khiết. Sản phẩm càng rẻ thì độ tinh khiết càng thấp, tạp chất càng cao. Khi sử dụng sản phẩm trôi nổi, chúng không có khả năng phòng ngừa Covid-19 mà còn rất độc khi tiếp xúc”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Lau nhà sạch là diệt được khuẩn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, thành phần chính của hóa chất phun khử khuẩn là Cloramine B, đây là loại thuốc được ưu tiên hàng đầu trong việc diệt khuẩn. Khi sử dụng loại thuốc này phải đeo găng tay bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với da. Thuốc này có mùi hôi rất khó chịu, làm khô họng người hít phải. Phun khử khuẩn có nguyên tắc là phun ở những nơi không có người, ở nước nào khi sử dụng phun khử khuẩn cũng đều vậy. Đặc biệt, những nơi được xác định là có nguồn vi khuẩn, virus, có nguy cơ cao gây dịch như ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai mới được chỉ định phun khử khuẩn chứ không phải sử dụng vô tội vạ.
PGS.TS Phạm Văn Nho khuyên, thời gian ở nhà chống dịch, nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên bằng dung dịch lau sàn nhà cũng có tác dụng phòng bệnh rất tốt. Dung dịch lau sàn nhà thông thường có thể làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn trú ngụ, tạo ra môi trường sạch sẽ để virus nếu có sẽ không tồn tại được. Để diệt khuẩn, diệt virus có thể dùng cồn etylic (không dùng cồn ethanol) cho vào bình xịt rồi phun vào các vị trí như bàn ghế, tay nắm cửa, tường, sàn nhà… Trường hợp không có thì có thể dùng loại rượu quê tự nấu 40 - 50 độ cũng có thể diệt khuẩn rất tốt và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe. Cồn nhạy cảm với virus hơn Chloramine B do chúng có thể hòa tan lớp bảo vệ của virus làm cho chúng bị chết. Việc rửa tay bằng xà phòng cũng nên được thực hiện thường xuyên bởi xà phòng là một loại hóa chất có tính năng diệt khuẩn khá tốt.