20 tuổi, bạn bè đồng trang lứa đang tung tẩy đi học thì tôi đã lên xe hoa. Đó là kết cục của cô gái thi đại học 3 lần đều “trượt vỏ chuối”. Thôi thì không được công danh cũng được tốt duyên. Tôi chậc lưỡi cho bước ngoặt hạnh phúc của đời mình.
Chồng tôi mới là nhân viên hợp đồng của ngành bảo hiểm xã hội. Lương của lính mới, lại chưa biên chế nên chỉ đủ nuôi thân. Tôi mở quán photocopy ở nhà để kiếm nguồn mưu sinh. Được cái các giấy tờ bên chỗ cơ quan chồng thường chuyển sang chỗ tôi in ấn nên thu nhập của nhà tôi cũng đủ ăn.
Rồi 2 nhóc lần lượt ra đời. Lương của chồng tôi vẫn tăng chậm như rùa. Tính ra anh chẳng đủ tiền để nuôi nổi một con nữa. Túng bấn khiến chồng tôi sinh ra trái tính trở nết. Lâu dần, anh đã mang khuôn miệng của Chí Phèo, có khác là không cần mượn rượu vẫn có thể chửi vợ được.
Tuy tôi chưa từng bị cú đánh nào từ chồng, nhưng những lời đay nghiến của anh cứ khía vào tim tôi. Anh gắn cho vợ với vô số thứ đồ tàn tạ: “Đồ ăn hại, đồ vô tích sự, đồ vô công rồi nghề, đồ ăn bám, đồ mạt hạng…”. Có lúc anh dọa dẫm: “Cô chết chỉ có tấm chiếu quấn thân để vứt trôi sông thôi. Chết vô địa táng”.
Lúc nào chồng tôi cũng có thể chửi vợ được. Sáng đi làm, anh chửi, lúc về nhà, cũng chửi, đến đêm ngủ cũng oang oang làm nhức tai hàng xóm. Nhục nhất là lúc quán photo của tôi đang có khách mà chồng tôi xông ra chửi vợ:
“In được có mấy tờ thế này thì lấy ấy mà đút vào mồm à?”. Mặt tôi tím tái xấu hổ với khách hàng. Cũng vì thế mà nhiều bữa quán tôi chẳng có mống nào đến làm vì muốn tránh lời “anh Chí” ném vào tai.
Có tiền, phụ nữ sẽ thành nữ hoàng trong vương quốc hạnh phúc của mình.
Tôi chỉ tội nhất cho hai đứa nhỏ. Chúng còn quá bé để chịu cảnh bị đọa đầy về tinh thần thế này. Con trai cả của tôi có dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Tôi đã rất cố gắng để giao tiếp với cháu. Song cứ mỗi lần nghe bố chửi mẹ là cháu lại im bặt không muốn nói.
Con gái tôi bị bạn bè trêu vì có ông bố “Chí Phèo”, bà mẹ thấp hèn mà sinh tủi phận. Có lần cháu nhất quyết đòi nghỉ học. Cũng may, cô giáo chủ nhiệm của cháu tốt bụng đã cùng đến nhà động viên rất lâu, cháu mới đến trường trở lại.
Tôi lờ mờ hiểu ta căn nguyên của vấn đề chồng “chém miệng” chỉ do thiếu tiền mới sinh nông nỗi. Gia cảnh hai bên bố mẹ già yếu không đỡ đần được gì. Những người quen thân chẳng đời nào cho vợ chồng tôi vay cả. Bởi họ sợ tới lúc đòi nợ sẽ phải nghe tiếng chửi của anh Chí. Thế nên có muốn mở rộng kinh doanh thêm, vợ chồng tôi cũng không thể xoay nổi vốn.
Rất may thời điểm đó ở chỗ tôi có đợt tuyển người đi lao động nước ngoài. Tôi tức tốc về nhà ngoại mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng lấy tiền xuất ngoại. Anh trai tôi sợ mất nhà nên cản ra mặt. Bố mẹ tôi đành về quê mượn họ hàng mỗi nhà một chỉ vàng cho con gái.
Suốt 3 năm chăm chỉ làm trong một nhà máy nhuộm ở Hàn Quốc đã giúp tôi gửi đủ tiền cho bố mẹ đẻ trả nợ và còn dư khoản tiền dắt thân. Tôi trở về nhà trong sự chào đón của chồng và các con.
Có tiền, tôi xin cho chồng vào công ty đô thị. Công việc nhàn nhã mà mức lương khá ổn. Chồng tôi vui ra mặt vì có vợ làm chủ khiến cuộc sống gia đình no ấm. Bệnh “Chí Phèo” của chồng tôi cũng bị triệt tiêu, tuy không thổ lộ được lời nào có cánh với vợ song cũng không còn những lời xem thường ném vào mặt vợ nữa. Cuộc sống của tôi đã đi vào quỹ đạo bình yên.
Cuộc sống là thế. Kẻ mạnh là kẻ có tiền. Gia đình phải có nền tảng kinh tế mới hạnh phúc được. Còn chỉ với cái lều tranh thì hai trái tim vàng cũng phải đem bán đi mà ăn thôi.
Bằng cách này hay cách khác, người phụ nữ cũng phải kiếm ra tiền, được nhiều hơn chồng thì càng tốt. Có tiền, phụ nữ sẽ thành nữ hoàng trong vương quốc hạnh phúc của mình. Quan điểm của tôi cũng giống các bạn chứ?