Bác Nguyễn Văn Ninh 62, nhà ở tổ 4 phường Yên Nghĩa (Hà Đông) có thâm niên gần hai chục năm đưa con đi thi trải lòng: Trung bình cứ khoảng 5, 6 năm bác lại có dịp đưa con cái đi thi, lần này là cậu con trai út trong số 4 người con. So với 20 năm trước đây việc tổ chức kỳ thi của ngành giáo dục thực sự có nhiều đổi mới: gọn nhẹ giản tiện, đỡ tốn kém rất nhiều cho người dân.
“Tôi nhớ khi đưa con gái đầu đi thi đại học, hai cha con phải khăn gói quả mướp chạy xe máy về tận Thái Bình để dự thi vào trường ĐH Y ở đó. Trời nóng nực, chạy xe tới hơn 4 giờ đồng hồ mới tới nơi, hai cha con đều thấm mệt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nhưng cũng may tìm được chỗ trọ gần trường thi. Vậy mà mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều gia đình khác ở các tỉnh xa hơn, như Nghệ An, Thanh Hóa. Với họ mỗi đợt thi như vậy họ phải vượt hàng trăm km, dành dụm cả tấn thóc, chăn nuôi được gì đều phải bán để đưa con đi ứng thí.
Trong lần đưa con đi thi đó tôi nhớ mãi hình ảnh một cháu học sinh nhà ở Nghệ An lặn lội một thân một mình vào Huế, rồi ra Thái Bình dự thi. Cũng may trong suốt đợt thi, cháu thí sinh đó đều suôn sẻ. Đưa con đi thi xa vừa tốn kém về kinh tế, mất công mất buổi về về thời gian, nhưng lo nhất vẫn là sức khỏe và ăn uống dọc đường của các con. Ngày đó cứ mỗi đợt thi như thế này, bến tàu bến xe chật ních, không ít những câu chuyện thương tâm xảy đến với thí sinh và người nhà thí sinh. Nhiều gia đình phải bán cả trâu bò mới đủ tiền đưa con đi thi.”, bác Ninh đã chia sẻ như vậy.
Phụ huynh chờ đợi con ngoài phòng thi |
Theo bác Ninh, lần này đưa con trai út đi thi cũng cách lần đưa con đi thi trước đó là 10 năm, nhưng bác thấy nhẹ nhàng rất nhiều. Nhà cách 4, 5 km sáng dậy sớm hơn một chút, hai cha con ăn sáng xong đến trường thi rất nhẹ nhàng không chút lo lắng. Trường thi cũng không cách xa mấy trường cháu học hàng ngày nên con cũng không thấy bỡ ngỡ, lo lắng nên tinh thần thi cử rất tốt.
Còn anh Trần Ngọc Nam 52 tuổi nhà ở Phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), Hà Nội có con dự thi tại điểm Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) bày tỏ: Thực sự những đổi mới trong Kỳ thi THPT quốc gia rất phù hợp với lòng dân. Gia đình nào đưa con đi thi cũng thấy thoải mái, đỡ tốn kém, không còn áp lực như trước nữa.
“Nhiều năm trước, cứ mỗi khi tới kỳ thi đại học cảnh kẹt xe tắc đường là thường xuyên. Sự vất vả, cộng thêm áp lực cho thí sinh và người nhà thí sinh khiến các cháu làm bài thi cũng bị ảnh hưởng. So với những năm trước đây, càng ngày Kỳ thi THPT quốc gia càng được cải tiến, giảm tải được gánh nặng cho xã hội đặc biệt cho gia đình và bản thân các cháu học sinh.
Kỳ thi này giúp các cháu lựa chọn con đường đi trong tương lai, tuy nhiên tôi và nhiều phụ huynh khác cũng không quá đặt áp lực cho con. Theo tôi điều quan trọng nhất là con lựa chọn được ngành nghề mà mình yêu thích và phụ hợp với năng lực học tập, anh Trần Ngọc Nam đã tâm sự như vậy.
Bày tỏ quan điểm trước những vấn nạn trong thi cử của kỳ thi trước, anh Nam và nhiều phụ huynh đều mong muốn: Kỷ luật trường thi phải thật nghiêm, đặc biệt là khâu chấm thi và lên điểm để tránh tình trạng gian lận trong thi cử. Có như vậy toàn xã hội mới yên tâm và tin tưởng vào ngành giáo dục, các thi sinh được cạnh tranh lành mạnh trên con đường học vấn của mình.