Đến thời điểm này, nhiều thí sinh được nâng điểm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã bị một số trường đại học buộc thôi học do kết quả chấm thẩm định không đủ điểm đỗ vào trường. Trong đó, hàng chục thí sinh học tại các trường thuộc khối công an, quân đội đã bị trả về địa phương. Ngày 17/4, một số báo đã đăng tải danh sách thông tin về nghề nghiệp, công việc của một số phụ huynh có con được nâng điểm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La. Trong số đó, có những người đang là cán bộ, công tác tại cơ quan Nhà nước, lực lượng công an, quân đội, ngân hàng, doanh nghiệp...
Liên quan đến thắc mắc của nhiều độc giả về trường hợp phụ huynh là cán bộ, đảng viên nếu có liên quan đến việc gian lận thi cử sẽ bị xử lý như thế nào, Luật sư Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Luật K và Cộng sự phân tích: Trường hợp cơ quan chức năng thu thập đủ bằng chứng, căn cứ chứng minh việc cán bộ trong Hội đồng thi nhận tiền hoặc tài sản, vật chất khác có giá trị từ phụ huynh để nâng điểm cho thí sinh thì những phụ huynh này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi dù trực tiếp hay gián tiếp đưa tiền, tài sản hay vật chất khác có giá trị nhằm mua chuộc cán bộ trong Hội đồng thi để họ thực hiện việc sửa điểm thì cũng đều là hành vi đưa hối lộ.
Ngoài ra, đối với trường hợp phụ huynh là đảng viên, cán bộ giữ chức vụ quan trọng tại địa phương mà dùng ảnh hưởng của mình để can thiệp đến việc sửa điểm của con em cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” được quy định tại Điều 366, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 130, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Trên cơ sở quy định của Điều 366 cùng thông tin về danh sách phụ huynh có con được nâng điểm là những người đang giữ chức vụ cao tại tỉnh Sơn La, Luật sư Thắng cho rằng, theo quy định hiện hành thì Sở GD&ĐT chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp từ Tỉnh ủy, UBND chứ không được quản lý trực tiếp theo ngành dọc như các bộ, ban, ngành khác. Do vậy, những phụ huynh là cán bộ thuộc Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất dễ có ảnh hưởng đến Hội đồng thi và các cán bộ của Sở GD&ĐT.
“Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ, những phụ huynh là cán bộ, đảng viên có phải dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất dưới hình thức nào”, Luật sư Thắng bày tỏ quan điểm.