(GD&TĐ) - Nếu tính theo tỷ lệ khảo sát của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (thực hiện tại một số quận nội thành Hà Nội) thì chỉ có khoảng hơn 1, thậm chí chưa tới 1 HS tiểu học trên 10 HS cấp học này được đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe máy. “Lười” đội MBH cho con em là một thói quen không tốt khá phổ biến trong các bậc phụ huynh.
Không thể “lý do” để tự coi thường tính mạng trẻ em
Không đội MBH cho trẻ em ngồi trên xe máy, xe đạp điện. Các bậc phụ huynh có không ít lý do riêng. Một tâm lý khá phổ biến trong các bậc cha mẹ dẫn đến tình trạng rất hạn chế đội MBH cho trẻ em là vì họ cho rằng khi trẻ đi học gần nhà, quãng đường ngồi trên xe máy, xe đạp điện không xa, tai nạn giao thông sẽ không xảy ra , nên đội MBH là không cần thiết. Thêm nữa, có những bậc phụ huynh rất chủ quan còn cho rằng họ lái xe rất giỏi, khó có thể bị tai nạn giao thông, vì vậy cũng không cần đội MBH cho trẻ ngồi trên xe máy, xe đạp điện. Bên cạnh đó, cũng có những phụ huynh cho rằng MBH cho trẻ em còn đắt, rồi chất lượng cũng không biết có đảm bảo? Để lấy lý do không đội MBH cho trẻ có những phụ huynh còn thấy việc đội MBH cho trẻ em rất mất thời gian, bất tiện. Hay cho rằng MBH nặng, đội mũ có thể ảnh hưởng đến vùng đầu, cổ của trẻ em.
Đã bắt buộc từ lâu, nhưng nhiều phụ huynh vẫn đèo con không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy |
Đã đến lúc các phụ huynh cần có cách hiểu đúng về việc đội MBH cho trẻ em khi đi xe máy, xe đạp điện. Cảnh báo của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á đã nhấn mạnh đến các trường hợp bị thương và tử vong bởi tai nạn giao thông do không cho trẻ em đội MBH khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện. Đây là vấn đề đáng báo động với các bậc phụ huynh về sự thiếu cẩn trọng cho an toàn của chính con em mình. Thực tế, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cảc trên quãng đường đi gần. Nếu trẻ không đội MBH khi gặp tai nạn giao thông thì nguy cơ chấn thương sọ não là khó tránh. Cũng cần nhắn nhủ với những ông bố, bà mẹ chủ quan là dù lái xe có giỏi thì vẫn có thể bị tai nạn giao thông do các sự cố đột xuất không kịp phòng tránh. Thêm nữa, chỉ cần khoảng 20 giây để đội MBH cho trẻ, cũng chỉ cần khoảng 150.000đ để mua một chiếc MBH đạt tiêu chuẩn để bảo vệ cho phần đầu của trẻ em. Một mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn dành cho trẻ em chỉ nặng khoảng 300 gram, việc đội MBH theo nghiên cứu khoa học thì cũng không làm tổi hại đến sức khoẻ, đốt sống cổ của trẻ.
Cần tháo gỡ vấn đề tâm lý và cả cái khó cho phụ huynh
Nói lý do không đội MBH cho trẻ khi đưa trẻ đi học, tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện, tại cổng một số trường tiểu học ở Hà Nội nhiều ông bố bà mẹ đã than thở: Cũng muốn đội MBH cho con, nhưng vì nhà trường không có chỗ để trẻ cất MBH nên cho trẻ đội MBH mỗi ngày rất lích kích cho người lớn.
Chị Phạm Thị Lan (Phó trưởng Ban Phụ huynh HS Trường tiểu học Thành Công A, Hà Nội) nói đến một thực tế khiến nhiều ông bố, bà mẹ từ trước đến nay vẫn nói “không” với việc đội MBH cho con em: “Tôi rất hiểu tại sao nhiều bố mẹ vẫn không đội MBH cho con dù biết rằng đội MBH là cần thiết. Là một người mỗi ngày phải đưa đón 2 đứa con đi học, tôi phải cố gắng lắm mới cho 2 đứa đội MBH được. Không được để MBH ở lớp, nên sau khi cho các con vào trường, tôi phải treo vào xe 2 chiếc mũ của bọn trẻ, cộng với mũ tôi đội, vậy là đi đến đâu tôi cũng phải lôi theo 3 chiếc MBH, rất bất tiện và khó chịu. Đấy là lý do tại sao các bố mẹ vẫn không tự giác đội MBH cho con. Để bố mẹ tự giác hơn, cách tốt nhất là nhà trường phải tạo điều kiện để HS có chỗ cất MBH ở trường, có giá cất mũ tiện lợi thì chắc chắn phụ huynh sẽ không còn ngại đội MBH cho con nữa”.
Còn theo trung tá Nguyễn Đức Thịnh (Đội phó Đội Tuyên truyền Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội): Hiện nay HS đi học bằng xe đạp điện này càng nhiều, trong đó cũng có nhiều HS không đội MBH. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phối hợp với các nhà trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc đội MBH của HS đi xe đạp điện. Các nhà trường cần quan tâm đến chỗ để MBH cho HS ở trường làm sao cho sạch sẽ, thuận tiện. Nếu để MBH treo trên xe để ngoài trời gặp mưa nắng bẩn thì HS cũng không muốn đội. Bảo HS đội MBH mà đến trường không biết để MBH ở đâu thì rất bất tiện và khó nâng cao ý thức cho HS được. “Việc để MBH ở đâu khi tới trường, lớp tưởng là việc nhỏ, nhưng thực ra lại là cả một vấn đề ảnh hưởng đến việc bố mẹ cho con đội MBH khi đi xe máy và HS đội MBH đi xe đạp máy đến trường. Nếu không có chỗ để bố trí tủ hay giá đựng MBH cho HS thì các trường nên xem xét vị trí và cách để treo MBH cho HS, có thể bắt lên tường ở góc nào đấy trong lớp để HS treo MBH”- Trung tá Thịnh đề cập.
Quan trọng phải hiểu rõ để... tự giác
“Tại sao hình thức tuyên truyền cho HS đội MBH đến trường cứ phải nặng nề, gây sợ hãi cho cả HS và cha mẹ HS”- Chị Trần Minh Châu Trưởng Ban Phụ huynh của Trường tiểu học Ngọc Khánh) bày tỏ quan điểm- “Hình thức tuyên truyền với trẻ em và các bậc phụ huynh phải phù hợp tâm lý thì mới đem lại hiệu quả”. Thêm nữa chị Châu cũng cho rằng khi sản xuất MBH cho trẻ em cũng cần chú ý đến hình thức của MBH. Tại sao những sản phẩm cặp sách, ba lô, quần áo trang trí hình ảnh hoạt hình ô tô, siêu nhân, búp bê... luôn cuốn hút trẻ em, chính trẻ em luôn là người thích lựa chọn và đòi được mua những sản phẩm có hình ảnh, trang trí bắt mắt phù hợp tâm lý lứa tuổi? Nếu trang trí MBH cũng đẹp như các sản phẩm cặp sách, đồ dùng khác vốn “đắt khách”, hấp dẫn trẻ em, thì chắc chắn chính trẻ cũng đòi được mua MBH để đội. “Lúc đầu khi tôi mới mua MBH về thì con tôi cũng không thích đội, nhưng khi tôi tìm những hình dán bắt mắt mà con tôi thích rồi dán lên MBH thì chúng lại hào hứng khi được đội MBH đẹp” - Chị Châu cũng chia sẻ kinh nghiệm cho con đội MBH từ gia đình chị.
Để HS có ý thức đội MBH khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện, theo chị Phạm Thị Lan thì: “Phải làm cho các con hiểu tại sao cần đội MBH. Riêng việc tuyên tuyền rất quan trọng, nhưng để hiệu quả thì các tổ chức liên quan, các trường, lớp nên để cho trẻ tự xây dựng kịch bản, nội dung các chương trình tuyền thông trong việc kêu gọi đội MBH. Được tham gia như vậy trẻ sẽ rất hồ hởi, có tác động tích cực đến chính những người lớn xung quanh trẻ. Mặt khác, với ngôn ngữ, hình ảnh của chính những đứa trẻ, phù hợp với chúng thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn. Hình thức tuyên truyền cho HS đội MBH cũng nên nhẹ nhàng, hiệu quả với trẻ em và các gia đình, không nên nặng nề, tránh quá căng thẳng hay phản cảm”.
“Từ việc tạo thói quen, ý thức cho trẻ trong việc đội MBH khi đi xe máy, ý thức của trẻ nói chung sẽ tốt hơn qua những việc giáo dục như vậy, trẻ có ý thức thì cũng tác động đến ý thức của chính người lớn (những người thân trong gia đình). Thêm nữa, chính những đứa trẻ được giáo dục ý thức tốt sẽ góp phần khiến xã hội sau này có những lớp người dân ngày càng có ý thức tiến bộ”- Chị Châu nói ở góc độ phụ huynh có con đang độ tuổi đi học.
Về việc tạo thói quen cho người dân (trong đó có HS) đội MBH, để giảm tỷ lệ chấn thương sọ não, giảm nguy cơ tử vong trong tai nạn giao thông, theo ông Khương Kim Tạo (Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia): Phải làm cho người dân hiểu thế nào là MBH đạt chất lượng, đội MBH thế nào thì đúng quy cách, giúp giữ an toàn cho cái đầu người ngồi trên xe máy, xe đạp điện. Phải tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của các bậc phụ huynh về nguy cơ chấn thương do tai nạn giao thông đối với trẻ em khi không được đội MBH hoặc đội MBH kém chất lượng.
Ông Tạo cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm quy định đội MBH cho trẻ em trên 10 quận, 19 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội (tập trung trọng điểm tại 3 quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa).
Giữ an toàn cho con em là giữ an toàn cho hạnh phúc, tương lai của những đứa trẻ và của chính mỗi gia đình”.
Theo khảo sát tỷ lệ đội MBH tại các trường tiểu học ở Hà Nội thì tỷ lệ HS đội mũ bảo hiểm đang ở mức rất thấp. Có 11,4% HS tiểu học ở quận Cầu Giấy đội MBH; tỷ lệ này ở quận Ba Đình là 9%; quận Đống Đa thì chỉ có 7,3% HS tiểu học đội MBH. Tỷ lệ HS đội MBH ở các trường tiểu học thấp hơn hẳn so với các trường THCS và THPT. |
An Nhiên