“Phu ảnh” Hoàng Chí Hùng và pho ảnh vô giá về Trường Sa

GD&TĐ - Với chiếc xe máy cà tàng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để ghi lại những khoảng khắc "vàng " của thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam.

Hoàng Chí Hùng tại Trường Sa
Hoàng Chí Hùng tại Trường Sa

Đặc biệt, những triển lãm ảnh về Trường Sa của anh chính là những tư liệu vô cùng quý giá để nhân dân cả nước và thế giới biết rõ hơn về một Trường Sa nước Việt thân yêu …

Duyên - nghiệp cầm máy...

Ai đã từng tiếp xúc với Hoàng Chí Hùng dù chỉ một lần đều rất ấn tượng bởi vóc dáng cao lớn, mặt vuông chữ điền, râu tóc để tốt trông rất nghệ sĩ và tính cách phóng khoáng Nam Bộ của anh.

Lần cùng anh rong ruổi xe máy tác nghiệp từ Hà Tĩnh ra Hà Nội giữa nắng nóng 41 - 42oC, tôi thực sự khâm phục bởi sức lao động, sáng tạo lớn lao và tình yêu mãnh liệt của anh đối với nghệ thuật nhiếp ảnh. Anh bảo: "Làm nghề gì cũng vậy, phải có niềm đam mê, luôn học hỏi lao động và sáng tạo thì mới có thành công”.

Hùng tâm sự, anh đến với nhiếp ảnh cũng rất tình cờ. Đận đó (năm 1984) anh đang sản xuất vật liệu xây dựng thì bị ốm nằm viện hàng tháng trời.

Lúc ra viện, các bác sĩ bảo anh không còn khả năng lao động được nữa. Điều đó làm anh rất buồn chán. Chị Duyên - Vợ Hùng - đã động viên chống rất nhiều để anh vượt qua bệnh tật để sống.

Chị còn mua cho anh một chiếc máy ảnh Cannon cũ và động viên chồng nên đi đây đi đó chụp ảnh cho khuây khỏa. Thật không ngờ, anh đã chụp được nhiều bức ảnh đẹp, và nghề chụp ảnh đã gắn bó với anh lúc nào không hay biết.

“Nếu không có Duyên chắc tôi không vượt qua được khoảng thời gian khủng khiếp ấy. Chính sự động viên của vợ và niềm đam mê chụp ảnh đã giúp tôi khỏi bệnh" - Hùng tâm sự.

Để chắc tay máy hơn, Hùng đã theo học lớp đào tạo nhiếp ảnh tại TP Hồ Chí Minh. Xong khoá học, anh một mình với chiếc xe máy rong ruổi khắp mọi nơi để chụp ảnh.

Với cách phát hiện đề tài nhanh và tay máy chắc nên những bức ảnh của Hùng đều có nội dung, bố cục đẹp. Đặc biệt là mỗi bức ảnh đều rất có thần .

Năm 2003, Hùng được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TPHCM. Tại môi trường này tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ , Hùng như được gây men và anh lao vào sáng tác.

Ảnh của Hoàng Chí Hùng vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính báo chí cao, nên rất nhiều báo, tạp chí đặt hàng. Hùng đã trở thành phóng viên ảnh nghiệp dư cho rất nhiều tờ báo. Và năm đó anh được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Du lịch TPHCM.

Tại cuộc thi ảnh nghệ thuật nhân Tết Ất Dậu 2005 tại TPHCM, Hoàng Chí Hùng đã ẵm giải nhất với tác phẩm Đường Hoa Xuân.

"Đoạt giải nhất, đó là niềm vui, và là động lực để tôi dấn thân. Tôi đem hoa và tiền giải thưởng tặng vợ. Tôi nói, anh được như bây giờ tất cả đều nhờ em. Em đã tái sinh một Hoàng Chí Hùng mới” - Hùng tâm sự.

Để thỏa sức sáng tác, Hùng đã quyết định làm chuyến xuyên Việt bằng xe máy.Chuyến đi đầu tiên của anh là 162 ngày hành trình xuyên Việt từ mũi Cà Mau đến địa đầu Hà Giang, lặn lộn qua 63 tỉnh thành của đất nước.

Anh đã ghi lại tất cả những vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt đa dạng của người dân cùng những lễ hội dân gian đầy màu sắc của mỗi dân tộc, mỗi địa phương mình đi qua.

Những chuyến xuyên Việt, bằng xe, máy không những chụp ảnh mà anh còn chứng kiến được cuộc sống dân cư của mỗi vùng miền.

Những chuyến đi như vậy anh phải tự bỏ tiền túi và vay mượn bạn bè, nhưng khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, anh lại đem hết tiền để cho họ.

Một lần qua Quảng Trị, thấy ông lão hơn 70 tuổi đang còng lưng cuốc đất, anh đã dừng xe, cởi quần áo cuốc thay cho ông lão hơn 2 tiếng đồng hồ rồi lên xe đi tiếp.

Hùng cũng đã từng nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến những cảnh đời bất hạnh, từng ăn, ở, làm việc cùng với nông dân để tìm hiểu cuộc sống của họ.

Chính vì xâm nhập thực tế, sống hoà đồng, đồng cảm, chia sẻ với nhiều cảnh đời, cộng với tâm hồn đậm tính nhân văn và rung động trái tim của nghệ sĩ đã tạo nên một nhiếp ảnh gia Hoàng Chí Hùng như hôm nay mà nhiều nghệ sĩ đánh giá là "Người chụp ảnh bằng con tim."

Với những chuyến đi như vậy, Hùng đã có ít nhất chục lần bị tai nạn giao thông, bị vỡ rất nhiều máy ảnh. Có lần đi qua Hà Nội bị ngã gãy chân phải bó bột nằm hàng tháng trời, nhưng khi khỏi, Hùng lại tiếp tục cưỡi xe máy rong ruổi tìm cái Đẹp.

"Nhiếp ảnh đã ăn vào máu tôi mất rồi. Đã là đam mê thì không thể bỏ được" - Hùng nói.

Cũng may rằng, anh có người vợ đảm đang và thương chồng hết mực. Anh chị có với nhau 2 người con hiện nay đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đó là điều kiện tốt nhất để anh thực hiện đam mê của mình.

Pho ảnh vô giá về Trường Sa

Sau những chuyến rong ruổi xuyên Việt, Hoàng Chí Hùng, lại khoác máy ảnh, “cưỡi sóng” tác nghiệp ở vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.

Hùng tâm sự: Ước mơ được đi Trường Sa trong tôi có từ lâu nhưng đến năm 2010 mới thực hiện được. Lần đầu đặt chân đến Trường Sa tôi như bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp tuyệt vời của biển đảo quê hương..

Những người lính đang ngày đêm canh giữ cho vùng biển đảo thực sự đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. .. Cảm xúc chủ quyền đất nước trong lòng tôi lúc đó dâng trào.

Bằng tình yêu đất nước và sự thăng hoa của cảm xúc Hoàng Chí Hùng đã “chộp” được những hình ảnh tuyệt đẹp của đất, trời, biển đảo và cuộc sống của những người dân, người lính nơi đầu sóng , ngọn gió này.

Nhưng để có được những hình ảnh như vậy về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã không quản khó khăn vất vả, hiểm nguy để 4 lần cưỡi sóng ra Trường Sa và đặt chân lên hầu hết các hòn đảo lớn nhỏ.

“Thời gian được ở trên đảo không có nhiều, tác nghiệp nơi sóng gió này rất khó khăn, lỡ một chút là sóng đánh chìm người và đánh mất máy ảnh ngay. 

Tôi cũng đã từng bị sóng đánh mất 2 máy ảnh nên trước khi đi phải sắm máy dự phòng, đến đảo là tận dụng từng giây từng phút để tác nghiệp...” - Hùng tâm sự.

Đến nay, Hoàng Chí Hùng đã có hàng chục cuộc triển lãm ảnh về Trường Sa ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Và tháng 9/2013, anh đã cho ra mắt tập Kí sự ảnh về Trường Sa thân yêu được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Những triển lãm ảnh và tập kí sự của anh về Trường Sa chính là những tư liệu vô cùng quý giá để nhân dân cả nước và thế giới biết rõ hơn về một Trường Sa nước Việt thân yêu. Và đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nguyễn Hoài Nam - Học sinh THPT ở Hà Nội  - khi xem những tấm hình về Trường Sa của Hoàng Chí Hùng tại cuộc triễn lãm ở Hoàng Thành Thăng Long đã xúc động thốt lên:

"Tuyệt vời quá. Xem ảnh về Trường Sa đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về một phần máu thịt cuả Tổ quốc . Tinh thần chủ quyền trong chúng em cũng sôi sục…”

Trả lời phóng viên tại các cuộc triển lãm, Hoàng Chí Hùng nói: “Tôi chụp ảnh và triển lãm với mong muốn đóng góp một phần trách nhiệm công dân vào công việc bảo vệ Tổ quốc".

Vâng, nói như một nhà báo đã từng nói về anh: “Những triễn lãm về Trường Sa là những trận đánh binh chủng hợp thành về truyền thông, để nhân dân cả nước biết rõ hơn về một Trường Sa đang hiện đại hơn, chính quy hơn, được quan tâm sẻ chia nhiều hơn… đã, đang và luôn vững vàng hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió”

Với những đóng góp của mình cho Trường Sa, anh đã 3 lần được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyển, biển đảo của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ai cũng yêu mến, tôn trọng anh, xem anh như một như một người lính của Trường Sa.

Và thật hạnh phúc và tự hào khi ông Ngô Mậu Bình - Phó Chủ nhiệm Chính trị hải quân Vùng 4 - từng nắm chặt tay anh tuyên bố: "Anh Hoàng Chí Hùng là người của Hải quân!".

Hoàng Chí Hùng Hùng sinh 1961 tại Trà Vinh, sau đó, theo gia đình lên TPHCM sinh sống. Năm 1978, Hùng nhập ngũ làm lính bộ binh ở biên giới Tây Ninh. 

Sau 3 năm, Hùng xuất ngũ trở về địa phương lấy vợ rồi xin đi làm công nhân xây dựng. Làm công nhân được vài năm, Hùng xin nghỉ việc và tự mình thành lập công ty TNHH chuyên về cơ khí.

Năm 1985 Hùng bị bệnh, mất sức lao động và tình cờ chuyển sang nghề nhiếp ảnh. Hiện nay Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng là chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Du lịch TPHCM - Phóng viên báo Làng Nghề Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ