Phòng trọ "cá mòi"

Phòng trọ "cá mòi"

(GD&TĐ) - Trước thực trạng khan hiếm phòng trọ, sinh viên “cắn răng” thuê phòng với giá cao, ngậm ngùi chịu cảnh “dở khóc, dở cười”, với mong muốn có một chỗ trọ học. Ngập nước, nóng bức, bị chủ nhà đầy đọa là những nỗi cực mà sinh viên và công nhân xa nhà tại Đà Nẵng đang hàng ngày phải nếm trải. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước thì đang “đem con bỏ chợ” mặc họ phải đối mặt với những chủ nhà “máy chém”.

Trước thực trạng khan hiếm phòng trọ, sinh viên “cắn răng” thuê phòng với giá cao, ngậm ngùi chịu cảnh “dở khóc, dở cười”, với mong muốn có một chỗ trọ học.

1.001 kiểu phòng trọ

Nhiều khu nhà trọ sinh viên hiện nay vừa xuống cấp, vừa không đảm bảo an ninh trật tự, nhưng giá thuê lại rất cao
Nhiều khu nhà trọ sinh viên hiện nay vừa xuống cấp, vừa không đảm bảo an ninh trật tự, nhưng giá thuê lại rất cao

Đà Nẵng hiện tập trung khoảng gần 160.000 sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và công nhân kỹ thuật. Trong đó, phần lớn học sinh, sinh viên là con em ngoại tỉnh nên hầu hết đều có nhu cầu về nhà ở. Số lượng phòng ở tại các khu ký túc xá của các trường chỉ đáp ứng khoảng gần 15% nhu cầu. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho HS - SV, hàng loạt các phòng trọ tư nhân mọc lên. Tuy nhiên, chất lượng, giá phòng cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu trọ trong khu dân cư… đang tồn tại  nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết.

Quận Liên Chiểu có lẽ là nơi tập trung số lượng học sinh, sinh viên trọ học đông nhất thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, khu vực này còn  một số lượng lớn công nhân thuộc các công ty, nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp. Vì thế, lượng người có nhu cầu thuê phòng trọ là rất lớn, nhất là vào thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới.

Ông Nguyễn Phi Hùng (tổ 50, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vừa mới cơi nới, chia ngăn ngôi nhà ở lâu ngày của gia đình làm phòng trọ nhưng chưa hoàn thành đã có sinh viên đến đặt phòng. Ông cho biết, là tổ trưởng dân phố nên hiểu khá rõ về tình hình khan hiếm cũng như nhu cầu phòng ở của sinh viên, học sinh các trường trên địa bàn. Tình trạng phòng trọ xuống cấp, cũ kỹ lâu năm không được sửa chữa là không ít. Bởi vì khu vực này thuộc vùng giải tỏa để phục vụ dự án xây dựng khu nhà ga đường sắt nên muốn việc sửa chữa, tôn tạo nhà ở cũng khó huống chi là xây mới nhà trọ. Hiện gia đình đang cải tạo lại khu nhà của mình thành 3 phòng trọ vừa giúp gia đình kiếm thêm thu nhập, vừa giúp các cháu sinh viên có thêm sự lựa chọn về phòng ở.

Tiếp tục “mục sở thị” tại một số khu nhà trọ trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), có thể nhận thấy nhiều khu nhà trọ xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Các khu nhà trọ được gia chủ cơi nới, chắp vá, bưng bít đến ngột ngạt. Thậm tệ hơn là tại nhiều khu nhà trọ, sinh viên sống trong cảnh tù mù, ẩm ướt, thiếu không gian, ánh sáng. 

Nghiến răng mà khổ

Nhiều sinh viên phải chấp nhận sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp hay nóng bức để có một chỗ trọ học
Nhiều sinh viên phải chấp nhận sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp hay nóng bức để có một chỗ trọ học

Bạn Phan Thị Mai Ly, sinh viên năm 4 của một trường đại học trên địa bàn, than thở: “Chuyện lội nước đi học trong mùa mưa, hay phòng trọ ngập nước, giường tủ trở thành nơi kê đồ… là những hình ảnh quen thuộc của nhiều dãy phòng trọ ở khu vực này”. 

Cùng chung cảnh ngộ, bạn Nguyễn Hồng Linh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chia sẻ: “Ban đầu vào nhập học cốt sao tìm được phòng để ở, ổn định để lo học hành. Nhưng đến mùa mưa, nước bao quanh dãy trọ, ngập tràn hết vào các phòng. Sách vở, đồ dùng bị hơi nước ủ lâu ngày thành mục nát. Chưa kể áo quần, đồ sinh hoạt cá nhân… đều chung tình trạng ẩm ướt kéo dài suốt mùa mưa. Sống trong phòng nhiều khi chẳng phân biệt được ngày hay đêm”.

Tình trạng này càng tồi tệ hơn tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng. Trước nhu cầu phòng trọ của học sinh, sinh viên rất lớn, nhiều gia đình tuy có diện tích hạn chế nhưng muốn thêm “đồng vào, đồng ra” nên chia ngăn nhà ở thành những “buồng” cho sinh viên thuê. Ông Bùi Vinh Quý (số nhà K338/H18/05, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) cho hay, nhà ông ở gần Trường CĐ Đông Du nên sinh viên nào cũng đến hỏi thuê phòng trọ. Gia đình quyết định chia gác hai thành 6 phòng trọ. Sinh viên nào vào ở đóng 300 ngàn đồng/tháng, thích ở phòng nào thì ở. 

Bị ép giá

Trên thực tế, hiện chưa có cơ quan chức năng nào quản lý về chất lượng, diện tích, quy cách phòng trọ. Vì vậy, trong quá trình xây dựng, các chủ phòng trọ chẳng mấy ai quan tâm đến chất lượng công trình. Sau khi thuê nhà, người thuê trọ mới cảm thấy lo lắng khi nhận chất lượng công trình thấp, không gian, điều kiện sinh hoạt bức bí.

Bạn Phan Minh Đạt (quê Quảng Bình) sinh viên Trường CĐ Đông Du nói: “Năm học mới chưa bắt đầu nhưng em vào lại sớm tranh thủ đi kiếm phòng trọ, bởi phòng trọ em đang thuê chật chội, nóng bức quá. Với diện tích sàn nhà chưa đầy 50 mét vuông nhưng gia chủ ngăn thành 6 phòng, mỗi phòng cho 4 người ở. Trần nhà được lợp tôn cao chưa đầy 3 mét, mùa nắng thì như một cái lò, còn mùa mưa thì tiếng ồn không thể chịu nổi”. 

Nhiều bạn sinh viên tỏ ra bức xúc trước một số “chiêu” nhằm móc tiền người thuê phòng trọ của chủ trọ. Bạn Phạm Tiến Dũng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi có những sự cố như phòng bị thấm dột, sửa chữa nhỏ hay cải tạo lại phòng ở, cũng chỉ làm cho có để lấy cớ… tăng giá phòng”. Một số SV thuê trọ ở khu vực quanh Trường ĐH Bách khoa cũng tâm sự: “Năm ngoái, giá thuê nhà trọ chỉ xấp xỉ 500.000 – 550.000 đồng. Năm nay đều đồng loạt tăng lên 600.000 – 700.000 đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước đều phải trả theo kiểu “dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Nói là dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu thế thôi, chứ các chủ trọ đều tự ý nâng giá điện sinh hoạt lên vượt mức quy định của ngành Điện”.

Trước “nghịch lý” xung quanh những vấn đề về nhà trọ hiện nay cơ quan chức năng quản lý về mặt chất lượng công trình xây dựng cần có biện pháp cứng rắn để vừa ổn định trong quy hoạch xây dựng, tạo nét đẹp trong cấu trúc quy hoạch đô thị chung.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.