Phong trào HSSV miền Nam trước giải phóng: “Từ trong lòng đồng bào, ta lớn dậy…”

GD&TĐ - Có những giai đoạn, như năm 1966 - 1967 và 1970 - 1972, phong trào đấu tranh ở đô thị Đà Nẵng đã làm rối lọan TP và cả miền Trung, có lúc dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Cùng với phong trào xuống đường bãi khóa, đình công, biểu tình, dùng bom xăng tự chế tấn công xe Mỹ ngụy, đốt thùng phiếu… lực lượng giáo chức và HSSV còn tham gia viết báo, làm tập san phản đối, tố cáo tội ác của chính quyền tay sai.

HS Đà Nẵng xuống đường biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử độc diễn của chính quyền bù nhìn Ngụy, ngày 3/10/1971.Ảnh: Tư liệu
HS Đà Nẵng xuống đường biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử độc diễn của chính quyền bù nhìn Ngụy, ngày 3/10/1971.Ảnh: Tư liệu

Những khởi đầu từ tuổi trẻ…

Trong ký ức của nhiều người tham gia phong trào Thanh niên – sinh viên – học sinh (TNSVHS) Đà Nẵng thời bấy giờ, ngày 17/7/1971 trở thành một mốc son cho tinh thần trỗi dậy và thế đứng mới của phong trào đấu tranh yêu nước của tuổi trẻ học đường Đà Nẵng. Tại Tịnh xá Ngọc Cơ (đường Hoàng Diệu), 37 HS đại diện cho hơn một vạn HS cả các trường trung học Phan Châu Trinh, Nữ trung học Hồng Đức, Bồ Đề, Bán công Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản, Sao Mai, Quảng Đức… họp thông qua chương trình hành động và bầu BCH Tổng đoàn HS Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Ngọc Lan (cựu HS Trường Bồ Đề) vẫn nhớ những ngày tuyệt thực dưới danh nghĩa “chống tăng học phí trường tư – chống thu học phí trường công”, “chống lớp học cá mòi”. “Lúc đầu chỉ có khoảng hai chục HS nòng cốt tham gia, sau đó thu hút hàng trăm HS và bãi khóa toàn trường. Chúng tôi “nâng” dần nội dung khẩu hiệu đấu tranh đòi trả tự do các SVHS bị bắt, đòi tự do “sinh hoạt dân chủ học đường”, bà Lan kể.

Cao trào của phong trào TNSVHS Đà Nẵng là những cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chống Tổng thống Thiệu trong trò hề độc diễn bầu cử vào ngày 3/10/1971. Đội hành động và các tổ xung kích của Tổng đoàn HS Đà Nẵng đã tiến công, đốt cháy Nhà thông tin - trung tâm tuyên truyền bỏ phiếu, đốt thùng phiếu, tháo gỡ khẩu hiệu độc diễn, đốt cờ ba que, đập nát loa phóng thanh... Báo Tia sáng số ra ngày 4/10/1971 viết: “Đà Nẵng bị tê liệt trong sáng 3/10, bạo động dữ dội nhất nước đang diễn ra”. Trong đấu tranh giáp lá cà với cảnh sát dã chiến ngụy, hai HS trường Bồ Đề là Nguyễn Bá Tần và Nguyễn Tam Vàng đã hy sinh trong ngày biểu tình.

Đám tang của hai HS được tổ chức vào sáng ngày 9/10/1971 trở thành cuộc biểu tình thu hút hàng vạn đồng bào và TNSVHS Đà Nẵng tham gia. Luật sư Đỗ Pháp - nguyên Phó Chủ tịch Nội vụ Tổng đoàn HS Đà Nẵng giai đoạn 1970 - 1972 nhớ lại: “Lễ đưa tang kéo dài cả gần cây số trong vòng vây của quân Mỹ - ngụy Sài Gòn”. Điếu văn của Tổng đoàn HS Đà Nẵng tại lễ tang đã thổi bùng lên ngọn lửa của lòng yêu nước, chống ngoại xâm của đồng bào.

Một buổi gặp mặt của anh chị em Tổng đoàn HS Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: TG
  • Một buổi gặp mặt của anh chị em Tổng đoàn HS Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: TG

Đi theo ánh lửa từ trái tim…

Sự ra đời của Tổng đoàn HS Đà Nẵng với những hoạt động gây tiếng vang mạnh mẽ ở tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội… được đánh giá là “lực lượng xung kích, là ngòi pháo trong đấu tranh chính trị - vũ trang chống Mỹ - ngụy ngay trong sào huyệt của chúng, góp phần giành thắng lợi Đại thắng Mùa xuân 1975”.

Trước sức mạnh của phong trào TNSVHS Đà Nẵng, năm 1972, cùng với “chiến dịch Phượng Hoàng”, ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện chiến dịch càn quét “Sao chổi 1” và “Sao chổi 2” truy lùng, bắt bớ, đàn áp các lực lượng các mạng. Ngày 15/5/1972, hầu hết các anh, em cốt cán trong Tổng đoàn HS Đà Nẵng bị địch bắt và đưa đi khắp các nhà tù miền Nam.

Nhớ về những ngày tháng tham gia phong trào HSSV trước giải phóng, ông Huỳnh Văn Hoa – nguyên GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng tâm sự, không thể nào quên được những gương mặt tù nhân - HS dự kỳ thi tú tài phần thứ nhất vào đầu tháng 8/1972. Kỳ thi năm đó, mỗi buổi thi, trước cổng Hội đồng thi ban C đặt tại Trường Trung – Tiểu học Sao Mai đều có xe của cảnh sát dã chiến chở tù nhân – HS đi thi.

“Ngày ấy, chỉ sót lại vài ba người thoát ly ra vùng giải phóng hoặc lánh đi nơi khác, không bị bắt, còn lại, toàn bộ đều bị bắt tại nhà hoặc trên các đường phố. Trong số đó, có nhiều anh chị em đang học phổ thông, có người chuẩn bị cho kỳ thi tú tài bán phần, toàn phần. Trong các nhà giam, gia đình đề nghị chuyển sách vở, tài liệu vào cho con em mình. Quản giáo Ty Cảnh sát Gia Long vẫn chấp thuận. Vì thế, trong tù, ngoài những ngày ra tòa án Mặt trận quân sự vùng 1, anh chị em vẫn tranh thủ ôn bài, trao đổi với bạn bè, các thầy cô giáo hay với các SV sư phạm chuẩn bị tốt nghiệp, ra trường đi dạy”.

Ông Hoa kể, những ngày ấy, ông lánh vào chùa Đạo Nguyên (Tam Kỳ, Quảng Nam), ngủ ở lầu chuông hoặc lầu trống, chỉ lo ôn bài. “Mọi tin tức, thông qua thầy Thích Thiện Hội, tôi biết anh em ở các nhà lao Đà Nẵng vẫn bình thường, nhắn ra rằng cố gắng học thi, lấy bằng tú tài của Nguyễn Văn Thiệu để có cơ hội hoạt động, không nên để địch bắt. Dù được động viên nhưng tâm trí không thể bình yên để học. Hàng chục môn phải ôn, trong lúc bạn bè bị giam cầm, chiến sự gay gắt, tôi cũng tự dặn mình hãy cố!”.

Từ đây, một trang sử khác lại bắt đầu. Trong tù, anh chị em kiên cường chiến đấu chống chế độ lao tù hà khắc Mỹ - ngụy. Như sự kiện ngày 30/9/1974, ngay tại giữa pháp đình của ngụy quyền, tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật Sài Gòn, hành động rạch bụng, rạch tay, phản đối phiên tòa của 3 HS Đà Nẵng Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Hòe phản đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ rõ sức mạnh của niềm tin, của chân lý.

Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam lúc bấy giờ dẫn lời các PV nước ngoài chứng kiến phiên tòa “Thọ - Cam - Hòe”, gọi đây là “phiên tòa thế kỷ” từng gây xúc động cho công chúng trong và ngoài nước suốt thời gian dài. Một số thoát ly lên chiến khu tiếp tục chiến đấu, hy sinh. Số còn lại chuyển sang hoạt động bí mật, tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức các hoạt động mới cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng, 29/3/1975.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ