Phòng ngừa tốt để ngăn chặn đỉnh dịch

GD&TĐ - Đỉnh dịch được dự báo có thể xảy ra vào khoảng giữa tháng 8. Tuy nhiên, chuyên gia y tế nhận định, nếu thực hiện phòng ngừa tốt, dịch có thể sẽ chững lại.

Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế.
Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế.

Số ca mắc Covid-19 có thể còn tăng

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng. Theo thứ trưởng Sơn, đỉnh dịch có thể xảy ra trong khoảng ngày 15/8. “Chúng ta không thể chủ quan dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt”, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh. 

Trong giai đoạn 2 này, dịch khởi phát từ bệnh viện và nhiều bệnh nhân. Điều này khiến người nhà và những nhân viên y tế tiếp xúc cũng nhiễm Covid-19. Trong khi đó, nhiều ca mắc nặng do nhiều bệnh lý nền. Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, việc truy vết trong cộng đồng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Do đó, bên cạnh sử dụng nhân lực tại Đà Nẵng, sự chi viện từ Trung ương là vô cùng cần thiết. 

Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng như xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly và truy vết trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng. Trả lời về việc truy vết F0, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, đó không phải là mục tiêu chủ yếu của Bộ Y tế tại thời điểm này.

“Hiện tại, mục tiêu là sử dụng xét nghiệm kháng thể để phát hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, phát hiện những trường hợp dương tính kháng thể (nhiễm Covid-19 lâu rồi) và truy vết những người tiếp xúc với các trường hợp đó để tìm ra trường hợp bị lây nhiễm gần”, ông Sơn cho hay.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 1 cũng xảy ra dịch tại Bệnh viên Bạch Mai, nhưng chỉ một số nhân viên Công ty Trường Sinh và điều dưỡng mắc Covid-19. Giai đoạn 2 khởi phát tại bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân cũng như người và nhân viên y tế tại 3 bệnh viện. Trong đó, nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền nặng với nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được, một số nơi ghi nhận sự xuất hiện của bệnh nhân không liên quan đến các bệnh viện. Do vậy, Thứ trưởng Sơn cho rằng, công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1.

Ngăn ngừa đỉnh dịch

Bác sĩ Trần Văn Phúc thuộc Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nhận định: “Theo dự đoán của tôi, dịch sẽ lên đỉnh vào dịp Đông – Xuân tới, kéo dài đến cuối hè sang năm 2021. Vì vậy, Việt Nam buộc phải uyển chuyển trong việc mở cửa kinh tế với thế giới. Các hoạt động kinh tế trong nước phải diễn ra bình thường ở trạng thái bình thường mới”.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy và là người từng trực tiếp điều trị cho Bệnh nhân 91, được giao nhiệm vụ thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng tại Đà Nẵng.

“Trong cuộc chiến này, chưa biết đến thời điểm nào mới có thể khống chế hoàn toàn dịch tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã dự đoán, thời gian tới có thể sẽ là đỉnh dịch. Khi lên đường, ít ai trong chúng tôi đặt ra mốc thời gian trở về, mà chỉ tâm niệm hai điều: Gia đình và nhất định sẽ trở về”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Bác sĩ Linh bày tỏ niềm tin rằng, bằng sự nỗ lực hết mình của đội ngũ thầy thuốc tại Đà Nẵng, chắc chắn sẽ có một ngày, dịch Covid-19 bị chế ngự.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM nhận định, nếu thực hiện tốt các biện pháp, dịch sẽ chững lại. Ngược lại, nếu lơ là, chắc chắn đỉnh dịch sẽ xảy ra. 

“Nếu 100 người trong cộng đồng nhiễm bệnh chưa được tìm ra, nhưng 1.000 người tiếp xúc gần với đều rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... thì sẽ không bị lây. Trái lại, nếu không có những biện pháp phòng ngừa Covid-19, số ca mắc sẽ tăng và đạt đỉnh dịch”, bác sĩ Khanh phân tích. 

Do đó, bác sĩ Khanh khuyến cáo, trong giai đoạn này, ngành y tế cần quyết liệt thực hiện đồng loạt các giải pháp như truy vết, xét nghiệm, cách ly những người nhiễm. Song song đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, tránh tụ tập đông người để hạn chế nguy cơ.

“Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người đó cần được coi như đang mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là, mọi người tiếp xúc với người đó cần giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay”, chuyên gia nhấn mạnh.

Qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong thời gian tới, người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những biện pháp phòng bệnh. Bên cạnh đó việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ