Phòng khám nam khoa: Nơi nam giới giải tỏa điều khó nói

GD&TĐ -Thuật ngữ nam khoa được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1951 nhưng đến năm 1990 mới xuất hiện tại Việt Nam. Từ đó đến nay, nam khoa phát triển thành một chuyên ngành trong y học, tiếp cận đa lĩnh vực liên quan đến sức khỏe sinh sản cũng như tình dục của nam giới.

Phòng khám nam khoa: Nơi nam giới giải tỏa điều khó nói

Có thể nói, sự ra đời của chuyên ngành nam khoa đã giúp phái mạnh giải tỏa được điều khó nói, qua đó nâng cao chất lượng đời sống, chức năng sinh sản.

Bệnh khó nói

Một nghiên cứu về đời sống chăn gối vợ chồng người Việt Nam gần đây chỉ ra thực trạng giật mình về sức khỏe sinh sản của nam giới. Có tới gần 40% đàn ông Việt gặp các vấn đề về bệnh nam khoa, đặc biệt là xuất tinh sớm.

Điều này đồng nghĩa với việc cứ 3 đàn ông thì có 1 người lo ngại về thời gian lâm trận của mình nên không thỏa mãn được bạn tình. Cụ thể, tại TP HCM có tới 56% người tự nhận mình bị xuất tinh sớm, tỷ lệ trên tại Hà Nội là 23%.

Bên cạnh dó, còn rất nhiều đàn ông bị dị tật bộ phận sinh dục nhưng không biết. Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Việt - Đức là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp hình hài là nam nhưng bộ phận sinh dục của nữ hoặc bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ.

Với trường hợp trên, bác sĩ phải dựa trên xét nghiệm nội tiết, di truyền cũng như nguyện vọng của người bệnh để xác định lại giới tính…
Đời sống tình dục không như ý, nhiều đàn ông Việt còn đối mặt với nguy cơ hiếm muộn. Với 30% nguyên nhân hiếm muộn xuất phát từ nam giới cho thấy đàn ông không phải lúc nào cũng mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm nam học và hiếm muộn Hà Nội Lê Vương Văn Vệ, số cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn ngày một tăng. Nếu như trước kia, nguyên nhân hiếm muộn chủ yếu do nữ giới vì liên quan đến việc sinh đẻ thì ngày nay với sự phát triển của y học, đặc biệt việc ra đời của phòng khám nam khoa đã xác định tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ ngang nhau (30%).

Vô sinh ở nam chủ yếu do bất thường về chất và số lượng tinh trùng, thiếu hụt nội tiết, xuất tinh sớm hoặc ngược dòng, nghiện thuốc lá, béo phì, tiểu đường…

Lấy lại bản lĩnh

Nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Hữu Anh, Trung tâm nghiên cứu - đào tạo HIV/AIDS (Trường ĐH Y Hà Nội) cho thấy rối loạn chức năng tình dục  khá đa dạng và phổ biến ở nhiều lứa tuổi với khoảng 15,7% nam giới tại cộng đồng mắc bệnh. 
Tuy nhiên, từ xa xưa tới nay, nam giới luôn gắn liền với hình ảnh của phái mạnh.

Mà đã là phái mạnh tức là ít ốm đau bệnh tật, bệnh về sức khỏe sinh sản lại càng không được phép mắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng cố gắng chịu đựng bệnh tật. Một phần vì xấu hổ, nói ra  ảnh hưởng đến “bản lĩnh đàn ông”, phần khác không biết phải đi khám ở đâu.

Cũng theo bác sĩ Vệ, nếu như phụ nữ có bệnh thường sớm tìm đến bác sĩ thì nam giới chỉ đi bệnh viện khi chuyện “chăn gối” thực sự nghiêm trọng, thậm chí có người vợ phải dọa tự tử mới chịu đi khám.

Vì vậy, phần lớn bệnh nhân là nam giới đều trải qua thời gian dài sống chung với bệnh tật. Khảo sát của khoa Nam học (Bệnh viện Bình Dân TP HCM) cho thấy thời gian sống chung với bệnh trung bình là 24 tháng, thậm chí có bệnh nhân tìm đến bác sĩ sau 30 năm mắc bệnh. 
Có thể nói, sự ra đời của phòng khám nam khoa đã tạo ra một không gian riêng cho những nam giới gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục được chữa trị.

Chính không gian này đã góp phần giảm bớt sự kỳ thị của xã hội với bệnh nhân. Dưới góc độ gia đình, y học về nam khoa phát triển không chỉ giúp đàn ông lấy lại phong độ mà giải oan được phụ nữ khi nguyên nhân vô sinh được xác định do người chồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ