Để cuộc chiến chống thuốc lá nơi đây thành công, vai trò của già làng trưởng bản rất quan trọng.
Làng bản không khói thuốc
Trước đây ở bản Cu Pua (huyện Đakrông, Quảng Trị) người dân coi thuốc lá, rượu như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Đàn ông ở bản hầu như ai cũng hút thuốc, uống rượu, còn cánh chị em phụ nữ cũng không kém cạnh. Cứ 10 người phụ nữ trong bản thì có đến 9 người hút thuốc.
Thế nhưng, đã 10 năm nay, người dân trong bản Cu Pua thay đổi rất nhiều. Không còn ai hút thuốc và uống rượu nữa, người nào cũng hiểu được tác hại đối với sức khỏe và kinh tế của việc uống rượu và hút thuốc. Ban đầu, những người già như ông Hồ Ốt, bà Giả Trức... là người đi đầu bỏ hút thuốc lá, rồi đến những người trẻ khác.
Từ tấm gương của những người đầu tiên đoạn tuyệt được với thuốc lá, men rượu trên, đến nay gần như 100% dân bản Cu Pua đã nói không với thuốc lá.
Có được kết quả làng bản không khói thuốc này, phải nói đến công lao của “già làng” Hồ Ê Nốt rất lớn. Ê Nốt là một cán bộ văn hóa thôn, là người rất gương mẫu, vận động từng hộ gia đình làm theo.
Cũng là một tấm gương điển hình để làng bản noi theo trong cuộc chiến nói không với thuốc lá có già làng Sùng A Giáo, ở bản Nà Ón (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa). Bản làng này suốt 20 năm qua không có người say rượu, không ai hút thuốc lào, cũng chẳng đối tượng nào nghiện ma túy.
Công lao của già làng Sùng A Giáo thật nhiều. Già cho biết: Gần 20 năm rồi Nà Ón không còn ai hút thuốc lào cả. Hút thuốc lào không vi phạm pháp luật nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tôi đã vận động dân bản bỏ hết rồi. Già làng Sùng A Giáo thực sự là người tự tạo uy tín của mình đối với người dân trong dòng họ, chòm xóm rất tốt.
Không chỉ sống gương mẫu, ông còn có tài chữa bệnh gãy xương, nên được bà con nhờ cậy nhiều. Ông sẵn sàng giúp đỡ nhưng lại không đòi hỏi thù lao.
Ông đã từng được tham dự Hội nghị Biểu dương già làng, trưởng bản có uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc anh em do Công an tỉnh tổ chức.
Cần đề cao vai trò già làng, trưởng bản
Tại Hội nghị tập huấn về Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại Vị Thanh (Hậu Giang) cuối tháng 10 vừa qua có một thông tin đáng lưu ý: Tỷ lệ thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số hút thuốc rất cao.
Ông Triệu Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Dân tộc) - cho biết: Trong những năm gần đây, công tác PCTH của thuốc lá đã được tăng cường triển khai, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đồng bào sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, phong tục tập quán của địa phương và nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tuyên truyền còn gặp nhiều trở ngại, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò người có uy tín trong cộng đồng trong việc đưa Luật PCTH thuốc lá đi vào cuộc sống.
Là chuyên gia nghiên cứu xã hội học ở khu vực Tây Nguyên nước ta, tiến sĩ Đào Huy Khuê cho biết: Già làng không nhất thiết phải là người già nhất trong làng, trong bản. Già làng là một chức danh dân gian được cộng đồng tin yêu, kính trọng và nể phục mà tôn vinh và cũng được coi như người do thần linh ủy thác.
Già làng có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động tinh thần và điều hòa các mối quan hệ, xử phạt các hành vi vi phạm luật tục, đại diện cho nhân dân tổ chức cúng lễ thần linh.
Già làng chính là người tiếp xúc với thần linh và truyền đạt nguyện vọng của nhân dân tới thần linh, chứng kiến các lễ kết nghĩa anh em trong buôn làng hoặc với các dân tộc khác…
Là thành phần tiến bộ nên mọi ý kiến của già làng đều được bà con trong buôn trong bản nhất nhất nghe theo. Từ nhiều năm nay, những cuộc vận động xây dựng làng buôn văn hóa… đều được sự hưởng ứng của các già làng, nhờ đó mà môi trường nhiều làng bản có biến chuyển tốt đẹp.