Anh Fumio Sasaki không cần nhiều thời gian để lau dọn nhà cửa |
Tiền nong không phải là vấn đề. Biên tập viên 36 tuổi Fumio Sasaki đã có một lối sống có lựa chọn rất ý thức mà ngày càng nhiều người Nhật áp dụng, đó là: bớt tức là thêm.
Bị ảnh hưởng bởi lối sống Thiền trong đạo Phật, những người thích sự tối giản đang tạo ra một chuẩn mực mới trong xã hội ưa hưởng thụ bằng cách loại bỏ đáng kể tài sản của mình.
Sasaki một thời rất thích sưu tập sách, các loại đĩa CD, DVD nhưng đã quá mệt mỏi với việc này từ 2 năm trước đây. “Tôi cứ nghĩ mãi về những gì mà tôi không sở hữu, những gì đã mất đi” – anh nói. Anh đã dành năm tiếp theo để đem những thứ này đi bán hoặc tặng bạn bè.
“Dành ít thời gian cho việc dọn dẹp hoặc mua sắm có nghĩa là tôi có thêm thời gian với bạn bè, đi ra ngoài, đi du lịch trong những ngày nghỉ. Tôi trở nên năng động hơn nhiều” – Sasaki cho hay.
Những người khác cũng thích cơ hội chỉ sở hữu những thứ họ thực sự thích. Đây là một triết lý sống đang được một nhà tư vấn tên là Mari Kondo áp dụng.
“Vấn đề không phải là tôi có nhiều thứ hơn những người bình thường, mà là tôi thích những thứ mà tôi có hay không” – Katsuya Toyda - một biên tập viên trực tuyến cho biết. Katsuya Toyda chỉ có một chiếc bàn và chiếc ghế đệm trong căn hộ 22 mét vuông của mình. “Tôi trở thành người tối giản nên tôi có thể để những thứ mình thực sự thích xuất hiện trong cuộc sống” – Katsuya Toyda nói.
Nguồn cảm hứng cho những người ưa tối giản ở Nhật có thể đến từ nước Mỹ mà trong số những người từng áp dụng có Steve Jobs.
Định nghĩa về lối sống này có khác nhau bởi vì mục đích không chỉ là loại bỏ những thứ không cần thiết mà còn đánh giá lại ý nghĩa của việc sở hữu nhằm đạt được một mục đích khác, trong trường hợp của Sasaki là thời gian để đi du lịch.
Số lượng người thích lối sống tối giản chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng Sasaki và những người khác cho rằng có hàng ngàn người đã thực hiện nghiêm túc và có thể hàng ngàn người khác cũng quan tâm.
Một số người cho rằng lối sống tối giản không phải từ nước ngoài mà là kết quả tự nhiên của lối sống thiền Phật giáo.
Việc sở hữu ít đồ đạc cũng có thể xuất phát từ thực tế Nhật Bản vốn hay phải chịu các trận động đất. Năm 2011, trận động đất mạnh 9,0 độ richter kèm sóng thần đã làm chết 20.000 người, thiên tai này khiến nhiều người phải đánh giá lại tài sản của mình.
“30-50% những thương tích do động đất xảy ra là do những vật thể rơi xuống. Nhưng với những căn phòng tối giản, bạn không phải lo nhiều về điều đó” – Một tay bút tự do 41 tuổi, tên là Naoki Numahata cho biết.