Phơi nhiễm bụi PM 2.5 có nguy cơ tử vong

GD&TĐ - Ô nhiễm không khí, cụ thể là tiếp xúc thường xuyên với bụi PM 2.5 có thể làm gia tăng tỉ lệ tử vong, đặc biệt ở những thành phố lớn.

Ô nhiễm không khí ngày càng báo động ở Hà Nội và TPHCM.
Ô nhiễm không khí ngày càng báo động ở Hà Nội và TPHCM.

Đáng nói là tình trạng ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hơn 50.000 ca tử vong mỗi năm.

Hà Nội và TPHCM là tâm điểm ô nhiễm không khí

Báo cáo “Hiện trạng bụi PM 2.5 và Tác động Sức khỏe tại Việt Nam năm 2021” được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH) phối hợp với nhóm Khoa học Công dân - Môi trường tại Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) vừa được công bố.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh - thành viên nhóm nghiên cứu, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên quy mô toàn quốc, nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2021 ở các tỉnh có sự giảm so với năm 2019 và tăng nhẹ so với năm 2020.

Khu vực có nồng độ PM 2.5 cao chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận). Trong năm 2021, chỉ có 6 trên 63 tỉnh thành vượt chuẩn về ô nhiễm PM 2.5 của quốc gia (25 µg/m3), tuy nhiên mức độ phơi nhiễm PM 2.5 của người dân tại các tỉnh thành vẫn còn cao hơn so với nồng độ trung bình năm.

Điều đáng nói là nồng độ trung bình năm của tất cả các tỉnh, thành phố năm 2021 cũng cao hơn so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 (5 µg/m3). Phân bố mức độ ô nhiễm PM 2.5 tại các vùng miền có sự khác nhau với 76% số tỉnh thuộc miền Bắc dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia quốc gia.

Con số này với các tỉnh miền Trung và Nam là 100%. Các giá trị trung bình năm của các quận huyện ở miền Bắc dao động từ 13,1 µg/m3 đến 43 µg/m3, đối với với miền Trung các giá trị này dao động từ 11,0 µg/m3 đến 23,1 µg/m3 và 11,4 µg/m3 đến 21,3 µg/m3 đối với miền Nam.

Hai đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TPHCM đều là những khu vực phát triển mạnh về kinh tế và cũng là những nơi tập trung đông dân ở Việt Nam, cùng với đó các thành phố này cũng là những tâm điểm về ô nhiễm không khí ở hai miền Nam và Bắc.

Đối với Hà Nội, nồng độ PM 2.5 trung bình năm của 100% các quận huyện ở đây đều vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia, với tỉ lệ số ngày có chất lượng không khí tốt đạt khoảng 42,2% và chất lượng trung bình chiếm khoảng 39,7%.

Đối với TPHCM, mặc dù 100% quận huyện đều dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia về nồng độ PM 2.5 trung bình năm, tuy nhiên các giá trị này vẫn lớn hơn so với mức khuyến nghị của WHO 2021. Chất lượng không khí theo ngày của thành phố hầu hết đạt mức tốt với 87,1% số ngày trong năm, mức trung bình chỉ đạt 11,9%.

Ngoài Hà Nội và TPHCM, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra con số thực trạng của một số tỉnh thành khác bao gồm Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An. 100% số quận huyện của tỉnh Bắc Ninh đều vượt chuẩn quốc gia về ô nhiễm bụi PM 2.5 trung bình năm với số ngày có chất lượngkhông khí tốt chỉ đạt 49,7%; trong khi đó số quận huyện dưới ngưỡng quy chuẩn quốc gia của tỉnh Thái Bình là 62,5% và số ngày đạt chất lượng không khí tốt của tỉnh là 69,3%.

Hơn 50 nghìn ca tử vong/năm do phơi nhiễm PM 2.5

PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh cho biết, dựa vào kết quả nghiên cứu phân bố PM 2.5 cho năm 2019 và dữ liệu thu thập đươc từ các cơ sở khám chữa bệnh và dữ liệu về dân số, nhóm nghiên cứu ước tính được có khoảng 56,8 nghìn ca, đồng nghĩa 9,9% số ca tử vong sớm do các nguyên nhân tự nhiên tại Việt Nam trong năm 2019 có liên quan đến phơi nhiễm với nồng độ PM 2.5.

Các khu vực có số ca tử vong sớm ước tính cao bao gồm vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung. Xét về các tỉnh thành phố, Hà Nội và Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương có số ca tử vong sớm do phơi nhiễm PM 2.5 cao nhất cả nước trong năm 2019, với lần lượt 6.250 và 4.130 ca. Các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An lần lượt có số ca tử vong do PM 2.5 năm 2019 là 1.047, 1.697 và 1.930 ca

Nhóm nghiên cứu tính toán, việc sử dụng các biện pháp kiểm soát phát thải sẽ làm giảm 6,7% số ca tử vong sớm do phơi nhiễm PM 2.5 trong năm 2019 ở Việt Nam. Cụ thể, các thành phố Hà Nội có tỉ lệ giảm số ca tử vong theo quận huyện dao động từ 5,6 - 6,8%, còn TPHCM sẽ có thể giảm được 6,9% số ca tử vong theo toàn thành phố.

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, ngoài các biện pháp kiểm soát khí thải, nhóm khuyến nghị việc sử dụng các bản đồ phân bố bụi PM 2.5 từ mô hình và trong tương lai có thể mở rộng sang các chất ô nhiễm khác để có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng chất lượng không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và các tỉnh thành hằng năm.

Ngoài ra, cần có sự rà soát và cập nhật định kỳ quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, do hiện tại đang có sự chênh lệch lớn quy chuẩn quốc gia và khuyến nghị của WHO về mức độ PM 2.5. Bên cạnh quy chuẩn quốc gia, Việt Nam cũng cần có quy chuẩn về ô nhiễm không khí trong nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.