Phim Việt và cú giơ tay “cứu hộ” của đạo diễn Việt kiều

Cuộc trở về của những đạo diễn Việt kiều khiến điện ảnh Việt hiện đại mang hơi thở, màu sắc tươi tắn hơn.

Phim Việt và cú giơ tay “cứu hộ” của đạo diễn Việt kiều
Dustin-1-6f69e
Đạo diễn Dustin Nguyễn

Cuộc trở về của những đạo diễn Việt kiều khiến điện ảnh Việt hiện đại mang hơi thở, màu sắc tươi tắn hơn. Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, trong 10 năm tới, điện ảnh Việt sẽ có những bước phát triển rất mới, sẽ có nhiều Việt kiều và người nước ngoài làm phim.

Những con số “khủng”

Cú chào sân ấn tượng với Dòng máu anh hùng (năm 2006) của đạo diễn Charlie Nguyễn được coi là dấu mốc đánh dấu sự phát triển dòng phim của các đạo diễn Việt kiều. Doanh thu 10 tỷ của bộ phim không phải cao nhưng đã giúp anh giành giải Bông Sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 15 và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Thừa thắng xông lên, đạo diễn này tiếp tục gây ấn tượng với loạt phim bom tấn có doanh thu khủng như: Tèo em (80 tỷ), Long ruồi (42 tỷ), Cưới ngay kẻo lỡ (34 tỷ)… Trong đó, Để mai tính 2 đã đạt doanh thu phòng vé kỷ lục (trên 100 tỷ) mà tới nay vẫn chưa có phim nào vượt qua được.

“Lúc đầu việc về Việt Nam làm phim không nằm trong kế hoạch của tôi, nhưng khi Johnny Trí Nguyễn giới thiệu bối cảnh Việt Nam rất đẹp thì tôi cũng muốn về để ghi lại những cảnh đẹp cho bộ phim của mình”, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết.

Với khán giả Việt Nam, cái tên Victor Vũ có một sức hút kỳ lạ bởi những bộ phim được đầu tư nghiêm túc, mang đậm hơi thở Việt nhưng lại có những cái nhìn rất riêng của một người con từng xa xứ như phim Scandal; Chuyện tình xa xứ; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...

Victor Vũ cũng được mệnh danh là “đạo diễn triệu đô” khi sở hữu nhiều bộ phim có doanh thu gần trăm tỷ đồng với những tên phim: Quả tim máu (85 tỷ), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (80 tỷ)… Đạo diễn Victor Vũ bảo, anh lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, thường xuyên được nhắc nhở về cội nguồn Việt Nam nên tất cả những sản phẩm anh làm đều lấy chủ đề Việt Nam. “Quyết định làm phim tại Việt Nam là tôi đi theo sự mách bảo của trái tim và trí óc, muốn trở lại quê hương”, Victor Vũ cho biết.

Những đạo diễn Việt kiều như Cường Ngô, Hàm Trần, Dustin Nguyễn… cũng đang từng bước khẳng định dấu ấn của mình trở thành những thương hiệu rất riêng trong làng điện ảnh Việt.

Các đạo diễn Việt kiều đã mang tới hơi thở mới mẻ và đa sắc cho điện ảnh Việt, đồng thời là lực lượng bổ sung mạnh mẽ cho việc “thiếu và yếu” của các đạo diễn nước nhà cùng trang lứa.

Nhìn lại năm 2015, có tới 40 phim điện ảnh Việt ra đời, nhưng số phim thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu hết đều của các đạo diễn Việt kiều như Ngày nảy ngày nay (đạo diễn Cường Ngô), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn)… với những con số doanh thu ngất ngưởng từ 40 - 80 tỷ.Trong khi đó, nhiều phim của các đạo diễn nổi tiếng trong nước như Vũ Ngọc Đãng (phim Con ma nhà họ Vương), Châu Thổ (phim Trót yêu), Phan Quang Bình (phim Quyên) hay Lưu Huỳnh (phim Hy sinh đời trai)… lại thua “đau đớn” trên chính sân nhà. Dù không có công bố doanh thu chính thức của các bộ phim nhưng việc bị bật ra khỏi phòng chiếu chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng đã cho thấy độ thảm hại của các phim này.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Trong nửa đầu năm 2016 này, có ít nhất 6 phim của các đạo diễn Việt kiều sẽ “ra lò” là: Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Cô hầu gái (đạo diễn Derek Nguyễn), Truy sát (đạo diễn Cường Ngô), Status (đạo diễn Victor Vũ), Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn) và Nữ đại gia của đạo diễn Lê Văn Kiệt.

Số lượng phim gia tăng cũng là cơ hội phát triển cho nền điện ảnh Việt, nhưng cũng là thách thức không nhỏ của chính những vị đạo diễn này.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay, làm phim ở Việt Nam có rất nhiều thuận lợi nên nhiều người muốn về để tìm kiếm cơ hội và thị trường phát triển. Tuy nhiên, những thuận lợi này đều phải trả giá.

Anh nói: “Ở Việt Nam, nhà sản xuất có thể cho ê-kíp làm việc qua 12 tiếng mà không phải trả thêm chi phí cho diễn viên, điều này khác biệt hoàn toàn với bên nước ngoài. Làm việc nhiều giờ dễ bị đuối sức, sức khỏe không tốt thì năng suất, hiệu quả công việc cũng kéo theo, ảnh hưởng tới chất lượng phim. Bên cạnh đó, vì không đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao nên không có sự ràng buộc về chất lượng phim, khiến nền điện ảnh cứ mãi yếu kém”.

Charlie Nguyễn cho biết thêm: “Khi nói chuyện với các đồng nghiệp, tôi mới biết mọi người đều có chung khó khăn khi nhiều đạo diễn Việt kiều về nước. Sức cạnh tranh cao sẽ làm chất lượng phim tăng lên, đồng nghĩa với việc đạo diễn sẽ gặp nhiều áp lực hơn.

Ê-kíp ở Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, nếu đạo diễn muốn làm bộ phim đúng với những gì mình mong muốn thì bản thân sẽ phải ôm rất nhiều việc như đạo diễn, sản xuất, biên kịch, thiết kế, phục trang, ánh sáng...

Để làm một bộ phim hay ở Việt Nam cực kỳ khó khăn vì quá nhiều yếu tố chi phối. Đổi lại, doanh thu cao thì họ có thể đòi hỏi nhà sản xuất trả công cao hơn và tìm kiếm đoàn làm phim chuyên nghiệp hơn”.

Còn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, một đạo diễn nổi tiếng tại bản địa cũng khẳng định, đạo diễn từ hải ngoại về sẽ khiến thị trường điện ảnh Việt phong phú và đa dạng hơn.

Anh cho biết: “Thị trường phát triển sẽ tạo cơ hội cho các đạo diễn hải ngoại về nước làm việc dễ dàng hơn. Nhiều người giỏi thì sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy thị trường phát triển chuyên nghiệp, cơ hội làm việc sẽ cao hơn. Chúng ta chỉ cần tập trung để cạnh tranh với các phim điện ảnh nước ngoài thôi”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn phản hồi về việc nhiều người bảo, đạo diễn trong nước bị lu mờ khi đạo diễn Việt kiều trở về. Anh khẳng định, họ cũng là đồng nghiệp của mình. Theo anh, đạo diễn Việt kiều gặp nhiều khó khăn hơn các đạo diễn trong nước vì họ phải làm quen với văn hóa Việt Nam.

Và cũng chính vị đạo diễn của Mỹ nhân kế cho hay, đạo diễn trong nước phải học hỏi và nâng tầm hơn nữa mới làm ra sản phẩm tốt đủ sức cạnh tranh. Như vậy, cũng là bớt đi cái tiếng họ “thua trên sân nhà”, cộng thêm nền điện ảnh Việt sẽ eo xèo, buồn thỉu nếu như thiếu đi hơi thở mới của làn sóng đạo diễn Việt kiều. Bởi nhiều năm gần đây, phim Việt vẫn phải sống nhờ vào “chiếc phao cứu hộ” của làn sóng này.

Theo Báo Giao thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ