Phim “Phượng Khấu”: Mong được “góp hương” cho văn hóa Việt

Phim “Phượng Khấu”: Mong được “góp hương” cho văn hóa Việt

Với ê-kíp sáng tạo, ngoài những yếu tố giải trí khai thác từ chốn hậu cung triều Nguyễn thì điều mong hơn cả là được “góp hương” cho văn hóa Việt. 

Lao xao... giới trẻ

Lâu nay, hễ nhắc đến chuyện phim Việt khai thác đề tài lịch sử, dã sử thường vấp phải những lo ngại: Khán giả ngó lơ vì tiền nhiều mà chất lượng chẳng bao nhiêu! Vậy mà bộ phim TV series “Phượng Khấu” kể về chốn cung đình năm xưa vẫn đủ sức kéo hàng triệu khán giả cùng ngóng chờ vào mỗi tối thứ 5 hàng tuần trên ứng dụng POPs trong suốt hơn tháng qua. Theo thống kê từ nhà sản xuất, lượt xem “Phượng Khấu” (6/11 tập phần I) tăng đều 20 - 30% so với tập trước. Đã thế, trong hàng triệu lượt xem (1,5 – 2,5 triệu), chiếm số đông là khán giả trẻ (độ tuổi 15 - 25).

Thật thú vị, sau mỗi tập phim, khán giả hăng hái tranh cãi rồi khóc cười cùng nhân vật (qua ký họa, thơ, chế ảnh...) trên fanpage “Phượng Khấu”. Khen có, góp ý có, thậm chí chê cũng nhiều, để cuối cùng mỗi người tự chiêm nghiệm cho riêng mình những giá trị văn hóa riêng từ lịch sử. Nhất là, “Phượng Khấu” luôn âm thầm dẫn dắt, khơi nguồn cho khán giả tìm về sử Việt bằng cách khiến khán giả say sưa kiếm tìm chuyện trong sử sách để đối chiếu, so sánh, thắc mắc hoặc lý giải cụ thể những chi tiết chỉ được gợi ra trong phim theo góc nhìn cá nhân.

Nào là vì sao bà Trắc Cơ (Phương Nhậm) lại nhất quyết tranh giành với Nguyên Cơ (Hiệu Nguyệt). Hay khi Hồng Bảo xuất hiện liền có câu chuyện về cuộc đời ông hoàng cả. Nhất là chuyện về bà Phi Hiền (Nhất giai hiền phi Ngô Thị Chính) được vua Minh Mạng sủng ái ra sao và vì sao sau bao kiêu hãnh chỉ khi nhìn thấy hai thỏi vàng tiên đế ban, bà lại sớm chấp nhận ra đi... Hay mới đây, chi tiết hoa lan được Nguyên Cơ dâng lên Đức Bà (Thái hoàng thái hậu) cũng được “mổ xẻ” nguồn cơn: “Thân phận luôn kém chính cung Hoàng hậu (bà Tống Thị Lan - PV), chỉ khi con trai lên ngôi mới được phong làm Hoàng thái hậu. Một thời gian con trai của mình bị đem làm con người khác. Đến chết lại không được táng bên cạnh chồng. Đó có thể là nguyên nhân mà Đức Bà oán hận bà Tống Thị Lan trong phim” – khán giả Nguyễn Đình Khoan luận bàn.

Mong được “góp hương”

Sau khi phần I khép lại vào tháng 5, dự kiến phim “Phượng Khấu” sẽ còn phần 2, phần 3 với khoảng hơn 20 tập phim. Với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, nếu gọi “Phượng Khấu” là một phim cung đấu theo trào lưu cũng đúng nhưng điều anh và ê-kíp sáng tạo hướng đến còn là phim phải mang đến cho khán giả niềm tự hào văn hóa Việt cũng như từ chuyện xưa mà ngẫm chuyện nay. Thế nên, không dám nhận “Phượng Khấu” là khuôn vàng thước ngọc nhưng phim là giọng nói gợi lên một tình yêu, một sắc màu để tận tình góp hương thoang thoảng cho văn hóa Việt qua cung cách ăn nói, ứng xử, cách ăn mặc, đi đứng... của người xưa. Cũng bởi thế mà những thước phim luôn được trau chuốt từ hình ảnh, âm thanh, diễn xuất cho đến lời thoại với phong cách chậm rãi, chi tiết, cận cảnh, sắc nét...

Tuy nhiên, phong cách ấy xem ra có phần vênh khi “Phượng Khấu” được gọi là phim cung đấu. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi không ít khán giả chê phim cung đấu này thiếu nhiệt, toàn đưa đẩy theo lời thoại, nhấn nhá như kịch, nương nhiều vào trang phục, âm nhạc... Thế nhưng, nếu sống chậm hơn để thưởng thức “Phượng Khấu” chậm hơn thì có lẽ nhiều người sẽ nhận ra yếu tố cung đấu có thể chỉ là cách quảng bá ban đầu – kiểu như “tiểu xảo” đánh vào thị hiếu khán giả của nhà sản xuất. Khi đã khiến khán giả tò mò dõi theo phim thì việc tinh tế nhận ra “tảng băng chìm” của phim đến độ nào còn tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng, lúc đã nhận ra, hẳn rằng, không ít người bỗng mê cùng những giọt đàn lay động, những bộ phục trang tinh xảo, những động tác đi đứng, cử chỉ thưởng trà, chuyện trò, xưng hô... nền nã, đầu cuối... Nhất là các câu thoại không phải chỉ dành cho chuyện xưa, người xưa: “Người ta muốn làm mình bất an, thì mình càng không bất an, sống là cần có cái tâm” – lời nói của nàng Hiệu Nguyệt để ngẫm về “tâm an”; “Con sâu, hay con bọ ngựa, hay hoàng tước kiêu hãnh bay lượn trên cao, tất cả tùy con lựa chọn” – lời nói của Thái hoàng Thái hậu để ngẫm về trách nhiệm lựa chọn của mỗi cá nhân.

Không phải là “Phượng Khấu” (phần 1) đã hoàn hảo khi vẫn còn đó những nuối tiếc. Như chính đạo diễn cũng thừa nhận, nếu được làm lại, chắc chắn sẽ là một “Phượng Khấu” chỉn chu hơn, kỹ lưỡng hơn, hạn chế tối đa những vấn đề phát sinh. Từ nội dung đến hình ảnh đều cần được đầu tư nhiều hơn nữa về công sức, thời gian. “Vẫn còn nhiều kinh nghiệm phải rút tỉa và hoàn thiện, nhưng điều tâm đắc nhất chính là hành trình “Phượng Khấu” đã đi đến đích, và tình yêu của mọi người trong ê-kíp dành cho “Phượng Khấu” chưa hề vơi đi. Từ đây, giới trẻ yêu phim sẽ được tiếp cận với những sản phẩm văn hóa giải trí đậm chất Việt Nam, cái tình các bạn dành cho phim, cũng chính là cái tình các bạn dành cho lịch sử nước nhà. Truyền đi được thông điệp đó và có người bắt được thông điệp đó, là điều mà tôi tự hào vô cùng” – đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.

Điều gợn nhất đối với “Phượng Khấu” là dàn diễn viên kém xuân sắc của các phi tần khi phần lớn do những nghệ sĩ đã có tuổi như NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hồng Đào, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Ngọc Hiệp... đảm nhận. Trao đổi về điều này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đưa ra cái lý của riêng mình: “Chúng tôi hoàn toàn hài lòng với quyết định giao dàn vai chính cho diễn viên gạo cội, đơn giản đó chính là bảo chứng cho khả năng diễn xuất trong phim. Sự tương tác giữa họ là một bệ đỡ rất vững cho những tuyến vai trẻ trong phim nương theo diễn. Càng về sau, bộ phim càng lên cao trào, những diễn viên trẻ sẽ có thêm nhiều đất để thể hiện, và việc đứng chung khung hình với các tiền bối, chính là một cách nâng cao năng lực diễn xuất mà ê-kíp dành cho họ. Hãy chờ xem đến trọn vẹn hồi kết, thì tôi tin các bạn sẽ đồng ý với việc phân vai của hiện tại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ