Người thầy đặc biệt
Không chỉ truyền đạt “kiến thức” là kỹ năng chuyên môn, những thầy, cô giáo trong thể thao còn có sự gắn bó đặc biệt với các học trò của mình. Ngoài thời gian tập luyện, các HLV còn ăn, ở cùng các VĐV và quãng thời gian này luôn chiếm vị trí quan trọng trong hành trình đến vinh quang.
Đa số các thầy, cô trước khi đảm nhận công tác huấn luyện đều trưởng thành từ VĐV. Hơn ai hết, họ hiểu, đồng cảm và sẻ chia khó khăn, nắm bắt những điều khó nói từ các VĐV.
Vậy nên, không chỉ là nhà sư phạm trên lĩnh vực thể thao, những người thầy còn đóng vai trò là chuyên gia tâm lý. Bên cạnh việc giúp các học trò giải quyết những vấn đề, tâm tư của cuộc sống, họ còn phải biết khơi dậy ý chí thi đấu quật cường, khát vọng chiến thắng luôn tiềm ẩn trong các học trò.
Không chỉ chia sẻ những khó khăn, biết lùi lại một bước sau chiến thắng của học trò, các HLV – người thầy, người cô còn chấp nhận sự hy sinh cá nhân để học trò tỏa sáng, bước đến thành công.
Để thể thao Việt Nam tiến lên hàng đầu khu vực, đồng thời hướng tới những giải đấu tầm châu lục và thế giới, rất nhiều VĐV được cử đi tập huấn tại các trung tâm thể thao ở nước ngoài từ khi các em còn rất nhỏ.
Do vậy, ngoài nhiệm vụ là người thầy, các HLV còn đảm nhận vai trò như những người cha, người mẹ uốn nắn, dạy bảo từ chuyện nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hàng ngày, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, những khi ốm đau và cả lúc nhớ nhà.
Những chuyến tập huấn, thi đấu xa nhà liên tục trong năm khiến cho những “bà đỡ” đôi khi xao nhãng việc gia đình. Nhiều người luôn có cảm giác day dứt bởi chưa làm tròn trách nhiệm của người vợ, người chồng trong gia đình cũng như vai trò người mẹ, người cha trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cái.
Sự hy sinh thầm lặng
15 tuổi, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã cùng HLV Đặng Anh Tuấn bước vào con đường gian khổ của tháng ngày tập luyện và thi đấu triền miên. Với HLV Đặng Anh Tuấn, áp lực chỉ số, thành tích thi đấu của Ánh Viên luôn ám ảnh ông.
Nhiều năm trời, như ông chia sẻ, có những ngày ông chỉ ngủ 2 giờ đồng hồ. HLV Đặng Anh Tuấn cho biết thêm, Ánh Viên nếu hy sinh một về chuyện tình cảm, thì ông hy sinh gấp đôi.
Không phải chuyên gia Mỹ hay Đức, người đứng sau thành công ấn tượng của điền kinh Việt Nam, nổi bật là hai ngôi sao Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan là một ông giáo già đặc biệt vẫn tự nhận mình “người nhà quê” – Vũ Ngọc Lợi.
Cũng bởi quá lao tâm khổ tứ với nghiệp điền kinh mà ông phải trả giá bằng những trận ốm nặng, gánh đủ thứ bệnh trong người. Đến giờ, ông trải qua 10 lần bước lên bàn mổ, lần gần nhất là ca mổ tim giữa lằn ranh sinh tử và luôn phải mang thuốc đặc dụng bên người.
Thế nhưng, người thầy Vũ Ngọc Lợi vẫn luôn “xung phong” nhận nhiệm vụ gian khó. Trước thềm SEA Games 28, Nguyễn Thị Huyền lỡ chuyến xuất ngoại tập huấn quan trọng và không có chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Ông tình nguyện nhận dẫn dắt Huyền và cam kết sẽ có vàng.
Và SEA Games 28 trên đất Singapore trở thành sân khấu riêng vinh danh người thầy với trái tim trở chứng mà trước đó không mấy ai biết đến. Nguyễn Thị Huyền đoạt tới 3 HCV kèm 2 kỷ lục, 2 chuẩn Olympic. Đến SEA Games 29, ông thầy 58 tuổi tiếp tục dẫn dắt Huyền thi đấu thành công rực sáng, đoạt 3 HCV.
Năm ngoái, khó khăn tiếp tục đến với HLV Vũ Ngọc Lợi khi người thay thế, gánh trên vai trọng trách giành huy chương Quách Thị Lan không có được thành tích tốt trong suốt thời gian dài. Với kinh nghiệm dày dặn, ông nhanh chóng giúp tài năng họ Quách rèn điểm mạnh, vượt điểm yếu.
Để rồi, bên ông thầy mới, Lan bùng nổ khó tin, với một màn trình diễn siêu hạng trên đường chạy 400m rào Asiad 2018, để giành tấm HCB. Mới đây, niềm vui của thầy trò ông Lợi càng trọn vẹn hơn vì Lan đã được đôn lên nhận HCV do đối thủ dính doping. Hiện tại, thầy Lợi cùng dàn học trò đang bước vào độ chín của mình, nổi bật là Quách Thị Lan, đang có sự chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng chinh phục 4 - 5 HCV SEA Games 30.
Tại Asiad 2018, rowing Việt Nam lập kỳ tích với 1 HCV, 1 HCB của các nữ tuyển thủ. Đứng sau thành quả đặc biệt ấy, chính là ông thầy có dáng vẻ chân chất và khắc khổ Lê Văn Quang. Sau hơn hai thập kỷ gắn bó trọn vẹn, ông đã đào luyện hàng chục học trò giành quyền dự tranh Olympic, đoạt huy chương châu Á.
Nhìn vào lực lượng hùng hậu bộ môn rowing ngày nay, chẳng ai biết, trước đó, năm 1997, người thầy Lê Văn Quang bắt đầu nhận nhiệm vụ gây dựng lực lượng cho môn rowing từ con số 0, với vài chiếc thuyền cũ, tại nhà tập tạm giữa mênh mông sóng nước Hồ Tây. Ông thầy sinh năm 1969 cùng các đồng nghiệp lặn lội khắp nơi để tuyển quân một cách đầy gian nan.
50 tuổi, HLV Lê Văn Quang có 22 năm gắn bó trọn vẹn với nghiệp rowing. Ông đã góp công lớn đưa môn của những “phu hồ trên sóng nước” không những luôn giữ vững, nâng cao vị thế hàng đầu khu vực mà còn đạt tới trình độ châu Á, nhất là các nội dung của nữ.
Thế nên, ông Quang vui hơn ai hết khi ĐTQG có một địa điểm tập luyện mới tốt hơn hẳn tại Trung tâm đua thuyền sông Giá (Hải Phòng) thay vì ở CLB đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội). Suốt 4 năm nay, ông đã quen với cảnh phải xa nhà biền biệt để theo các học trò xuống Hải Phòng. Với người khác, đây có thể là một sự hy sinh, thua thiệt còn ông Quang không nề hà gì, bởi với ông, rowing là nghiệp đời, là niềm đam mê lớn nhất.