Phí ATM: Không phải cứ muốn là tăng

GD&TĐ - Các ngân hàng hiện nay đang có đề xuất tăng phí rút tiền qua ATM. Trong khi đó, không ít khách hàng lại đang có những phản ứng trái chiều trước ý kiến này. Dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có nên tăng phí dịch vụ này? Nếu tăng thì nên tăng thế nào để người dân không cảm thấy bức xúc?

Hãy để công nghệ phục vụ người dân hơn là dùng công nghệ để thu tiền
Hãy để công nghệ phục vụ người dân hơn là dùng công nghệ để thu tiền

Cá nhân tôi đồng ý rằng đã dùng dịch vụ thì phải có trả phí, đó là về phía khách hàng. Còn các mức phí đề ra có hợp lý không, có đáp ứng được sự hài lòng của khách hàng hay không, điều đó nằm ở phía cung ứng dịch vụ, cụ thể ở đây là các ngân hàng. Mọi cái phải rõ ràng và minh bạch. Phản ứng của dư luận trước các thông tin ngân hàng rậm rịch đòi tăng thêm phí ATM, chính là sự không minh bạch này, dẫn đến mang tiếng tận thu.

Vấn đề ở chỗ hiện nay, cách tính phí rút tiền ở ATM của các ngân hàng cũng khiến người tiêu dùng thắc mắc. Dù có nêu rõ là mức rút tiền trong hệ thống nội mạng ngân hàng là bao nhiêu, ngoài hệ thống ATM của ngân hàng là bao nhiêu, nhưng không nói rõ đó là mức phí cho một lần rút tiền hay cho từng đợt rút tiền.

Chưa kể, khi làm thẻ, khách hàng phải có một khoản tối thiểu bỏ vào, thường là 50.000 đồng. Tiếng là tiền của mình, nhưng bạn có rút được số tiền cuối cùng trong tài khoản ấy không? Đó đã có thể ngầm hiểu là một mức phí. Rồi tiền để trong tài khoản, dù để bao nhiêu và bao lâu chăng nữa, chỉ thấy trừ đi các loại phí chứ đâu có đồng lãi nào như với tiền gửi ngân hàng. Nhưng có lẽ chuyện này hơi đi quá xa với vấn đề chúng ta đang đề cập nên để vào dịp trao đổi khác.

Thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, có thể thấy các chuyên gia cũng thống nhất rằng, trong thời điểm này các ngân hàng thương mại chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM mà có thể bù đắp chi phí qua các kênh khác như bán thêm sản phẩm dịch vụ, khuyến khích chủ thẻ thanh toán qua máy cà thẻ (POS) khi đi mua sắm hàng hóa, dịch vụ...

Trao đổi với báo chí thời gian qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết hiện nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa sử dụng hết lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM trong Thông tư 35 nên chưa đề cập đến việc điều chỉnh lộ trình tăng phí vào lúc này.

Thống kế của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện có khoảng 13 ngân hàng áp dụng thu phí rút tiền nội mạng từ 500 - 3.000 đồng/lần giao dịch, các ngân hàng áp dụng nhiều mức phí khác nhau và chưa sử dụng hết trần cho phép nên Ngân hàng Nhà nước chưa nghiên cứu lộ trình tăng phí tiếp theo.

Thiết nghĩ, cách tốt nhất các ngân hàng nên ngồi lại, đàm phán với nhau, để có thể ấn định mức phí hợp lý nhất, trên cơ sở tính toán hết các khoản chi phí và vì lợi ích của người tiêu dùng. Còn chưa có sự thống nhất như hiện nay, sẽ còn tranh cãi nhiều, trong khi tâm lý người dân luôn là không muốn mất thêm tiền cho những khoản thu mà họ không tin tưởng. Tâm lý ai cũng như vậy.

Cho nên, như đã nói ở trên, trước hết hãy minh bạch và thống nhất hệ thống dịch vụ đã, rồi hãy tính đến việc chuyển trách nhiệm trả tiền sử dụng dịch vụ cho người dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ