Phí âm thầm “bủa vây” người dùng thẻ ATM

GD&TĐ - Thẻ ngân hàng (ATM) đang ngày càng được người dân sử dụng nhiều hơn trong đời sống do sự tiện lợi và hữu ích khi thanh toán. Tuy nhiên, nhiều chủ thẻ đang phải “gồng mình” gánh những chi phí vô lý khi phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) tranh thủ “tận thu”, đưa ra nhiều loại chi phí dịch vụ xung quanh thẻ ATM...

Phí âm thầm “bủa vây” người dùng thẻ ATM

Phí “bủa vây” người dùng thẻ ATM

Hầu hết NHTM hiện nay đều áp dụng các loại phí dịch vụ ATM. Chẳng hạn như phí rút tiền mặt, nếu rút 5 triệu đồng/lần, cùng hệ thống NH thì mức phí là 1.100 đồng/lần, nếu rút tiền ở máy khác hệ thống NH, mức phí vào khoảng 3.300 đồng/lần. Tuy đây là mức phí phổ biến nhưng không phải người tiêu dùng (NTD) nào cũng nắm được, bởi theo họ, từ khi cầm thẻ ATM đến khi sử dụng, họ phải chịu quá nhiều chi phí nên không thể nhớ hết. Vì thế, họ đành “mặc kệ” NH muốn thu như thế nào thì thu.

Anh Nông Thanh Tùng ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội cho biết, lương của anh được trả qua thẻ ATM của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngoài phí phát hành lần đầu 50.000 đồng, anh phải trả thêm phí thường niên gần 70.000 đồng/năm, 8.800 đồng/tháng phí tin nhắn, trả phí rút tiền mặt 1.100 đồng/lần, trả phí yêu cầu in sao kê tài khoản 500 đồng/lần, phí chuyển tiền cùng hệ thống là 0,02% số tiền giao dịch tối thiểu là 2.000 đồng và tối đa là 15.000 đồng…

Không những thế, nhiều loại phí còn được NH “tận thu” như phí khiếu nại, phí yêu cầu kiểm tra giao dịch, phí kích hoạt lại thẻ… với mức thu từ 50.000 - 200.000 đồng trong trường hợp xác định lỗi do chủ thẻ trong giao dịch; thậm chí, có NH thu 9.900 đồng/tháng nếu số dư duy trì tài khoản bình quân tháng nhỏ hơn 200.000 đồng…

Mới đây, theo Thông tư 20/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2012/TT-NHNN về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của các máy giao dịch tự động (ATM), NHTM phải mặc định hạn mức rút tiền ATM nội mạng 5 triệu đồng/lượt, ngoại mạng 3 triệu đồng/lượt từ ngày 1/7/2016, thay vì hạn mức chung là 2 triệu đồng/lượt như trước đây.

Như vậy, quy định mới nâng hạn mức rút tiền đã giúp NTD đỡ tốn chi phí và thời gian rút tiền hơn so với trước. Nhưng với những người có mức giao dịch trên 5 triệu đồng, họ vẫn phải mất trên 2 lần rút tiền, trả trên 2 lần chi phí cho NH để rút được tiền. Thậm chí, nhiều người còn phản ánh, có những cây ATM không chịu “nhả” ngay số tiền lớn như trên mà yêu cầu khách hàng phải rút tiền ít hơn để chia thành nhiều lần. Do đó, không ít chủ thẻ chấp nhận mất công đến tận trụ sở giao dịch để rút tiền.

Cần minh bạch các khoản thu

Nhiều chủ thẻ cho rằng, điều bức xúc nhất là một số NH không thông báo về việc trừ các khoản tiền trên qua tin nhắn hay qua thư điện tử (email), khiến họ chỉ còn biết cách tự tính đếm từ số tiền đã rút và số tiền còn dư trong tài khoản hoặc thông qua sao kê tài khoản trên internet banking.

Chị Đặng Thu Thủy ở Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội bức xúc, ngoại trừ phí thường niên, phí tin nhắn SMS hay dịch vụ internet banking là NH gửi tin nhắn báo trừ tiền, thu phí cho khách hàng, còn lại tất cả đều không hề có thông báo gì mà NH tự động trừ luôn vào tài khoản nên khách hàng biết mất tiền nhưng không biết mình mất bao nhiêu, NH trừ như thế nào.

Đây cũng là bức xúc chung của nhiều người khi sử dụng dịch vụ liên quan đến thẻ ATM. Tuy bức xúc là vậy nhưng để có những khiếu kiện hay khiếu nại về dịch vụ NH thì nhiều người tỏ ra “e ngại”, vì cho rằng đây chỉ là mấy đồng “tiền lẻ”, không đáng để mất công sức thắc mắc với NH.

Dù vậy, thực tế là những đồng “tiền lẻ” thu được từ khách hàng đã và đang mang lại một khoản tiền không hề nhỏ cho các NH. Theo thống kê từ Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến hết quý II/2016, cả nước có khoảng 50 tổ chức phát hành thẻ với trên 106 triệu thẻ. Như vậy, với phí giao dịch cho một lần rút tiền nội mạng khoảng 1.100 đồng/lần, hệ thống NH đã thu được hơn 100 tỷ đồng… Nếu tính đến hàng loạt các phí nêu trên nữa thì NH đang thu được một khoản tiền vô cùng lớn.

Tuy nhiên, theo lý giải từ các chuyên gia và một số NH, chi phí để các NH bỏ ra mua sắm trang thiết bị, hoạt động, vận hành một máy ATM khá lớn, nên nếu không thu phí thì NH sẽ không có lãi khi cung cấp dịch vụ ATM. Hơn nữa, trên thực tế, mỗi NH lại có một chính sách thu riêng, có khoản thu theo quy định, có khoản lại thu thấp hơn, thậm chí miễn phí cho khách hàng. Do vậy, khách hàng như bị lâm vào “ma trận” của biểu phí ATM.

NH thu phí dịch vụ thẻ ATM là chuyện nên làm, tuy nhiên, các khoản thu phí cần rạch ròi, thông báo rõ ràng đến khách hàng. Ngoài ra, khách hàng nộp phí dịch vụ cho NH thì NH phải đáp ứng được chất lượng dịch vụ, bởi hiện nay tình trạng máy ATM hỏng, máy ATM hết tiền vào những dịp cao điểm vẫn thường xuyên xảy ra khiến người dùng cảm thấy những khoản tiền phí mà họ phải nộp chưa xứng đáng.

Thống kê từ một số biểu phí NH hiện nay, nhiều người không khỏi giật mình với con số chi phí mà chủ thẻ phải “gánh” khi sử dụng một thẻ ATM là quá lớn. Ước tính, mỗi thẻ ATM đang phải chịu khoảng 20 loại phí, trong đó có phí mở thẻ, phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí tin nhắn SMS, phí sử dụng NH điện tử (internet banking), phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư, phí in hóa đơn, phí bảo dưỡng… Nếu tổng chung lại trong cả năm thì khách hàng đang mất một khoản phí lên tới hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu đồng cho một chiếc thẻ ATM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mật ong

Mật ong

GD&TĐ - Mẹ hối sớm về quê, chẳng phải vì mẹ nhớ nhung gì nó đâu mà là chú mới gửi từ Điện Biên về chai mật ong rừng.
Lần đầu tiên, cuốn 'Ký họa trong chiến hào' được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Kim Đồng.

Bộ sách kể chuyện Điện Biên Phủ

GD&TĐ - 17 tác phẩm kể chuyện Điện Biên Phủ vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).