Phẫu thuật thẩm mĩ: “Món quà” gây hại cho con trẻ - Mua vạ vào thân

GD&TĐ - Ngày càng nhiều thiếu niên mong muốn có ngoại hình đẹp hơn nhờ phẫu thuật thẩm mĩ. Không ít ông bố, bà mẹ “lung lay” và tỏ ra tán đồng với con.

Trẻ phẫu thuật thẩm mĩ quá sớm có thể ảnh hưởng sức khỏe sau này. Ảnh minh họa.
Trẻ phẫu thuật thẩm mĩ quá sớm có thể ảnh hưởng sức khỏe sau này. Ảnh minh họa.

Thậm chí, phẫu thuật còn trở thành món quà khi trẻ đạt được thành công nào đó.

Trẻ có thể phẫu thuật thẩm mỹ theo chỉ định của bác sĩ nếu bị một số dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, thừa ngón… hay tai nạn không mong muốn. Tuy nhiên, những người bình thường chỉ nên thực hiện phẫu thuật khi đủ 18 tuổi trở lên.

“Tiền mất, tật mang”

Là một cô gái yêu cái đẹp và mơ ước có được chiếc mũi cao thanh tú, nhưng Phương Bình (18 tuổi, TPHCM) không may mắn bị biến dạng sau phẫu thuật.

“Có lần chỉ sau 1 tháng phẫu thuật, em lại đi khắp nơi để tìm cách sửa chiếc mũi bị hỏng của mình”, nữ sinh 18 tuổi chia sẻ.

Bình quyết định sửa mũi lần đầu tiên khi thị trường “rộ” lên phương pháp nâng mũi Hàn Quốc. Cũng yêu thích dáng mũi thanh tú như những cô gái xứ Hàn, nên Phương Bình đã quyết định lựa chọn phương pháp nâng mũi này. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm phẫu thuật, Bình gặp biến chứng mỏng da đầu mũi và lộ sóng do lạm dụng sụn nhân tạo nâng mũi quá cao.

Bình phải chạy khắp nơi tìm một địa chỉ phẫu thuật thẩm mĩ mới. Không may, nữ sinh này tiếp tục gặp biến chứng lệch trụ do cơ sở phẫu thuật thẩm mĩ không uy tín, tư vấn nâng mũi cấu trúc nhưng lại chỉ sửa cho Bình bằng phương pháp bọc sụn thông thường.

Sau một tháng tốn nhiều chi phí vào sửa mũi, Bình tiếp tục đi khắp nơi để sửa chiếc mũi hỏng. Và, lần thứ 3 sửa mũi của Bình cũng không thành công. Trái lại, tình trạng của Bình còn nghiêm trọng hơn trước. Nữ sinh này tâm sự, việc sửa mũi đến 4 lần vẫn hỏng khiến cô rơi vào trầm cảm. Mọi thứ xung quanh cô gái 18 tuổi gần như sụp đổ hoàn toàn. Thậm chí, cô không dám ra đường gặp bạn bè.

Việc biến chứng sau phẫu thuật thẩm mĩ không hề xa lạ. Tuy nhiên, biến chứng ở trẻ thành niên là điều đáng báo động. Ngày 21/10/2019, nghe theo lời bạn rủ, một cô bé 13 tuổi đã đi làm đẹp bằng cách tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Sau khi tiêm 30 phút, bé gái xuất hiện các triệu chứng như: Đau mắt bên phải, thị lực suy giảm, đau đầu và buồn nôn...

Sau đó, nữ sinh 13 tuổi này nhập viện tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ, Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng biến chứng nặng. Em mất hoàn toàn thị lực mắt phải, xuất huyết kết mạc mắt bên phải, hoại tử da ở các vùng như trán, gốc mũi. Nguyên nhân là do người thẩm mĩ cho bé đã tiêm đúng vào mạch máu.

Dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ bùng phát nhờ nhu cầu thái quá của con người. Ảnh minh họa.
Dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ bùng phát nhờ nhu cầu thái quá của con người. Ảnh minh họa.

Tuổi thẩm mĩ “trẻ hóa”

Theo thống kê trong năm 2016, có hơn 66 nghìn thiếu niên Mỹ đã thực hiện phẫu thuật thẩm mĩ, bao gồm các ca sửa mũi và thay đổi kích cỡ ngực. Trong đó, một số trường hợp cần phẫu thuật do không thể thở tốt bằng mũi, hoặc gặp vấn đề ở lưng do ngực quá to.

Theo số liệu của Hiệp hội Thẩm mĩ Hoa Kỳ, từ năm 2003, trên toàn thế giới, có hơn 223 nghìn người dưới 18 tuổi thực hiện các thủ thuật thẩm mĩ. Trong đó, gần 39 nghìn ca chỉnh hình mũi, nâng ngực, hút mỡ và chỉnh da bụng…

Phần lớn thanh thiếu niên mong đợi sẽ tự tin hơn sau khi cải thiện vẻ ngoài nhờ phẫu thuật thẩm mĩ. Tuy nhiên, liệu thực tế có đúng như vậy? Một nghiên cứu được thực hiện bởi Bệnh viện Los Angeles (Mỹ) năm 2001 cho thấy, sự hài lòng về hình ảnh cơ thể được cải thiện sau khi mọi người phẫu thuật thẩm mĩ. Tuy nhiên, sự hài lòng của những người không phẫu thuật thẩm mĩ cũng tăng theo thời gian. Bởi, tự tin được cải thiện theo sự trưởng thành, bất kể người đó có trải qua phẫu thuật thẩm mĩ hay không.

Nghiên cứu theo dõi thanh thiếu niên từ 11 - 18 tuổi cho thấy, tỷ lệ hài lòng về hình ảnh cơ thể cao nhất ở tuổi 18 đối với cả hai giới. Điều này chỉ ra rằng, nhiều thanh thiếu niên từng không hài lòng với ngoại hình bản thân sẽ cảm thấy tự tin hơn một vài năm sau đó.

Điều đáng báo động là, trong một nghiên cứu của Bệnh viện Los Angeles (Mỹ), bệnh nhân nâng ngực có khả năng tự tử cao gấp 4 lần so với các bệnh nhân phẫu thuật thẩm mĩ khác. Con số này khiến không ít người đặt ra câu hỏi về sức khỏe tâm thần của những phụ nữ chọn phẫu thuật thẩm mĩ cấy ghép ngực.

Trong khi đó, hút mỡ cũng là mối quan tâm đặc biệt của các bệnh nhân liên quan đến rối loạn ăn uống.

Bé gái 13 tuổi biến chứng sau tiêm filler.
Bé gái 13 tuổi biến chứng sau tiêm filler. 

Không khuyến khích

Trên các diễn đàn dành cho giới trẻ, những bài viết về chủ đề làm đẹp, phẫu thuật thẩm mĩ thu hút không ít sự quan tâm. Đồng thời, các chủ đề này luôn có sức hút và được đông đảo thiếu niên quan tâm. Hầu hết các bạn trẻ đều cho rằng, bản thân sẽ xinh lên nhiều sau khi thực hiện tiểu phẫu như nâng mí mắt, sửa mũi, độn cằm... Thậm chí, họ cho rằng, mình gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc sống, thay đổi... số mệnh.

Chị Nguyễn Thị Trang (25 tuổi, An Dương, Hà Nội) là một trong những ví dụ điển hình. Chị Trang chia sẻ từng ấp ủ ý định phẫu thuật thẩm mĩ khi còn là nữ sinh cấp 3.

“Mặc dù, tôi có gương mặt ưa nhìn, nhưng sống mũi bị gồ. Do đó, bạn bè tôi khuyên nên phẫu thuật thẩm mĩ vì liên quan tới tướng số. Nếu không phẫu thuật, vận mệnh của tôi về sau có thể sẽ rất vất vả”, chị Trang kể.

Làm mũi, nâng mí mắt, độn cằm, xăm môi, xăm mắt... hiện là phương pháp làm đẹp được khá nhiều bạn trẻ yêu thích vì thủ thuật được thực hiên nhanh gọn, giá cả không quá cao.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Phương - Viện Thẩm mỹ Dr Phương Trần (TPHCM), không nên nâng mũi khi chưa đủ 18 tuổi. Lý do là bởi, dưới 18 tuổi, sự phát triển của cấu trúc mũi vẫn chưa hoàn thiện. Nếu nâng mũi ở độ tuổi này sẽ có nhiều khả năng dáng mũi bị thay đổi, hoặc mũi bị biến dạng trong những năm tiếp theo. “Thông thường, đối với nam giới, thời gian mũi định hình và phát triển là từ 10 - 19 tuổi. Đối với nữ giới, giai đoạn này là từ 10 – 17”, chuyên gia này giải thích.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương, một số trường hợp cơ thể phát triển đầy đủ trước 18 tuổi thì vẫn có thể tiến hành nâng mũi. Đối với trường hợp này, cần lựa chọn địa chỉ uy tín, bác sĩ có tay nghề cao để thăm khám, kiểm tra chi tiết, cẩn thận. Nhờ đó, tránh gặp rủi ro không mong muốn.

“Đối với những người bình thường, quy trình nâng mũi phải có sự hoàn hảo trong mọi khâu để đảm bảo an toàn. Đối với người dưới 18 tuổi, thì những quy trình càng phải đảm bảo tuyệt đối nghiêm ngặt”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cảnh báo, tai biến, biến chứng trong phẫu thuật có thể luôn xảy ra. Trong đó, phản vệ là một trong những phản ứng nội khoa khá nặng. Nếu bác sĩ không phát hiện, phòng ngừa và xử trí kịp thời, tính mạng người bệnh có thể bị ảnh hưởng.

“Để hạn chế tối thiểu những tai biến nặng như vậy, đặc biệt là sốc phản vệ, người bệnh khi đi đến cơ sở khám bệnh phải khai tiền sử của bản thân có dị ứng với dịch thuốc hoặc thức ăn. Trước đó đã có những bệnh lý như hen suyễn hoặc cơ địa dễ bị dị ứng thì phải khai kỹ cho bác sĩ”, chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng thời, đối với bác sĩ gây mê, khi khám tiền mê phải đánh giá người bệnh một cách tỉ mỉ, khám lâm sàng và làm tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng. Nhờ đó, kịp thời phát hiện những bệnh lý kèm theo để tối ưu hóa cho người bệnh và phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Nếu đã tìm được các dị nguyên, bác sĩ phải xử trí nhanh chóng để giữ an toàn cho người bệnh trong cuộc mổ.

Đặc biệt, những bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thuốc hay thức ăn nên đến cơ sở như Bệnh viện Da liễu để làm những tầm soát dị nguyên, tránh nguy hiểm cho bản thân.

“Bộ Y tế đã ra những quy định, đặc biệt là Thông tư 51 về hướng dẫn phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị sốc phản vệ cho người bệnh. Nếu một cơ sở nào thực hiện theo đúng hướng dẫn thì cũng sẽ hạn chế được những biến chứng cũng như tai biến cho người bệnh. Vì thế, nếu bệnh nhân biết mình có phản ứng phản vệ với một dị nguyên nào đó thì nên đi tầm soát để tìm hết dị nguyên có thể phản ứng, báo cho bác sĩ biết để không sử dụng lại những dị nguyên đó cho người bệnh”, chuyên gia khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.