(GD&TĐ) - Chiều 11/4, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Hệ thống năng lực chung cốt lõi của học sinh cho chương trình GD phổ thông Việt Nam”, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì. Tham dự còn có đại diện các vụ, Cục chức năng, Viện KHGD Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành về GD-ĐT. Mục đích Hội thảo này nhằm xác định những năng lực quan trọng mà HS cần đạt, là một trong 7 chuyên đề phục vụ Đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015.
Trong hệ thống GD quốc dân, GD phổ thông có vị trí nền tảng, góp phần chuẩn bị cho người học những năng lực cần thiết trong cuộc sống xã hội và lao động nghề nghiệp sau này. Trong đó, chương trình GD phổ thông là khung pháp lý cho việc quản lý, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động GD ở nhà trường phổ thông. Phát triển năng lực người học là định hướng quan trọng, được khẳng định trong Đề án Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Theo định hướng này, GD không chỉ trang bị cho HS kiến thức, kỹ năng các môn học mà còn chú ý tới những năng lực chung cần thiết cho nhiều lĩnh vực hoạt động, nhiều bối cảnh như hợp tác, giao tiếp…vv, chú trọng phát triển khả năng hành động, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến xoay quanh việc xác định những năng lực quan trọng mà HS cần đạt để làm cơ sở xây dựng chương trình, SGK. TS.Nguyễn Hồng Thuận- Viện KHGD Việt Nam cho rằng GD-ĐT phải có những thay đổi căn bản, toàn diện từ triết lý, mục tiêu đến nội dung, phương pháp…nhằm phát triển cho người học hệ thống năng lực cần thiết. Phát triển năng lực cho mỗi người phải được bắt đầu từ giai đoạn GD cơ sở. Vì vậy, phát triển chương trình GD phổ thông dựa trên tiếp cận năng lực là một lựa chọn tất yếu. TS. Thuận đã đề xuất 4 nhóm năng lực bao gồm: Năng lực nhận thức, năng lực xã hội, năng lực thực hành và năng lực tự thân.
PGS. Đỗ Ngọc Thống lại chỉ ra rằng chương trình sắp tới nếu chúng ta xây dựng theo cách tiếp cận năng lực cần phải hiểu nội hàm năng lực là gì, khái niệm năng lực, chương trình sắp tới cần lựa chọn năng lực gì và tại sao phải lựa chọn, nó chi phối hệ thống nội dung và phương pháp như thế nào…vv. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD phổ thông nhấn mạnh: Có lẽ cần làm rõ bằng thống kê bảng năng lực nào phổ biến quốc tế, cái gì là đặc sản của Việt Nam. Việc chuyển từ năng lực vào các cấp học, môn học cụ thể bằng con đường nào?...
Sau khi ngheo các đại biểu đóng góp ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận: Cần xác định hệ thống năng lực chung. Ở Việt Nam hiện nay, năng lực nào khi xây dựng chương trình, SGK cần đặc biệt chú ý, ví dụ năng lực vùng miền. Ở mỗi cấp học năng lực nào được ưu tiên hơn. Mỗi năng lực được diễn đạt ở mức độ nào cho phù hợp đối tượng HS? Tuy nhiên, cũng cần đánh giá, phân tích những ưu nhược điểm của chương trình hiện nay với chương trình, SGK tiếp cận từ năng lực…vv.
Việt Hoa