Phát triển dược liệu: Những bước đi... chậm chạp

GD&TĐ - Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như diếp cá (5.000 tấn), cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)... 

Phát triển dược liệu:  Những bước đi... chậm chạp

Tuy nhiên, ngành sản xuất dược trong nước vẫn chưa tận dụng và phát triển.

Tiềm năng… “bỏ ngỏ”

Tại hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 - 80.000 tấn/năm. Khối lượng dược liệu xuất khẩu theo thống kê đạt gần 5.000 tấn, đem lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm. Giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5 - 10 lần trồng lúa).

Thí dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/ha/năm; cây Atiso thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 - 40 triệu đồng/ha/năm. Theo Bộ trưởng Tiến, mặc dù có tiềm năng thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng có một nghịch lý là hiện nay nước ta mới chủ động được 25% nhu cầu, còn 75% còn lại là phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Trong quá trình điều tra về tri thức bản địa của các nhà nghiên cứu về dược liệu đã tổng hợp được danh lục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Hiện nay, số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Bộ trưởng Kim Tiến nhấn mạnh, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng… Nhưng thực sự ngành sản xuất dược phẩm trong nước chưa tận dụng được nguồn dược liệu quý hiếm. Việt Nam chưa biến được các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và để sử dụng rộng rãi.

Chẳng hạn, trên thế giới, Pháp và Mỹ đã chiết xuất hoạt chất taxon từ cây thông đỏ để sản xuất thuốc ung thư và đưa ra thị trường từ năm 1994, đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa sản xuất được loại thuốc này trong khi cây thông đỏ Lâm Đồng (Đà Lạt) là loại cây đặc biệt quý hiếm với hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao bậc nhất thế giới.

Cần có chính sách phát triển dược liệu

Y học cổ truyền là một kho báu và ngành dược liệu Việt Nam có tiềm năng phát triển rất to lớn. Đặc biệt trong lịch sử, đã có nhiều thầy thuốc như Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã biên tập những bộ sách quý, những chỉ dạy hết sức cụ thể để áp dụng y học cổ truyền trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nói vậy để thấy rằng, chúng ta có nhiều cơ hội phát triển ở các địa phương nhưng chưa quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị của cây dược liệu. Vì vậy, ngành Y tế cần có chính sách thu hút phát triển mà hiện nay còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, không có đầu ra bền vững. Bởi vì, thực tế hiện nay, khai thác, chế biến còn nhiều bất cập. Nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Vấn đề nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa bắt kịp với nhiều nước trong khu vực cũng như còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu.

Với điều kiện tự nhiên của Việt Nam hiện nay có trên 5.000 loài cây thuốc để làm dược liệu, thuốc chữa bệnh. Đây là thế mạnh của tất cả các địa phương, kể cả Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM, An Giang… có thể phát triển dược liệu và vùng dược liệu ở mọi miền của Tổ quốc với giá trị gia tăng lớn, trước hết là phục vụ người dân trong nước và có thể xuất khẩu. Vì vậy, các địa phương cần quy hoạch, đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những vùng trồng dược liệu. Hãy coi dược liệu là loại sản phẩm quốc gia hoặc chọn một số dược liệu là sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế, chính sách như sản phẩm quốc gia…

Trước kia, một số dược liệu có thể khai thác hàng chục ngàn tấn mỗi năm như ba kích, đẳng sâm, hoàng tinh... thì thực tế hiện nay, nhiều cây thuốc đã được đưa vào Sách Đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cây hoàng liên trước kia là đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn nay chỉ tìm thấy dạng dấu tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ