Tuy nhiên, số lượng đảng viên là học sinh được kết nạp chưa tương xứng. Ngoài nguyên nhân khách quan, không thể không nhắc đến sự thờ ơ của cấp ủy, nhạt nhòa trong tổ chức hoạt động, phát hiện và bồi dưỡng của đoàn trường.
6 học sinh được kết nạp trong 5 năm
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác này, nhất là phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn Thủ đô. Nhờ đó, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng giáo viên, sinh viên đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, số lượng đảng viên mới kết nạp chưa tương xứng với vị thế khi Hà Nội là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng hàng đầu của cả nước. Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ngành Giáo dục thành phố hiện có trên 2,2 triệu học sinh với hàng nghìn trường học. Trong khi đó, 5 năm qua, toàn Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó, có 6 học sinh ở các trường THPT.
Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm trên 10% trong tổng số cơ cấu kết nạp đảng viên của thành phố. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là giáo viên trong khối các trường (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, dạy nghề...) chỉ đạt 3,56%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ đảng viên là giáo viên trong khối trường mới đạt 46,59%.
Nói về những vướng mắc trong công tác phát triển đảng với học sinh, cô Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Từ nhiều năm nay, việc xác định chỉ tiêu kết nạp đảng viên là học sinh THPT trong nghị quyết năm là có nhưng chưa thực hiện được. Kết quả cao nhất là cử các em có tố chất đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Với các trường THPT khác tại Hà Nội cho thấy, tuy số lượng học sinh được kết nạp Đảng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, trong khi dư địa và tiềm năng rất lớn. Số lượng học sinh THPT được kết nạp vào Đảng trong những năm qua ở Hà Nội còn khiêm tốn do vướng nhiều rào cản, lớn nhất chính là độ tuổi.
Để được kết nạp Đảng thì tại thời điểm chi bộ xem xét, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) trở lên. Vì vậy, các học sinh có tháng sinh từ tháng 6 trở đi sẽ thiệt thòi hơn trong việc xét kết nạp Đảng so với học sinh sinh từ tháng 1 đến cuối tháng 5. Bên cạnh đó, những cá nhân được chọn kết nạp Đảng phải có thành tích toàn diện trong học tập, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động Đoàn tại trường, địa phương. Thực tế, số lượng học sinh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên chưa nhiều nên số lượng kết nạp còn ít.
Học sinh Nguyễn Đình Minh tại lễ kết nạp Đảng, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Ảnh: Vân Anh |
Nhạt nhòa vai trò “bệ đỡ”
Nhìn từ cơ sở, cô Phan Hồng Anh - Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng: Hầu hết học sinh tại trường đều có thành tích học tập xuất sắc, nhiều em tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội. Tuy nhiên cũng có trò vì bận học nên chưa tham gia các phong trào. Ở đâu đó, phong trào đoàn trong trường phổ thông chưa “chạm” tới học sinh. Vai trò của Đoàn thanh niên trong việc giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng chưa được quan tâm.
Để nâng cao hiệu quả của công tác phát triển đảng trong học sinh thời gian tới, cô Phan Hồng Anh nhìn nhận, tổ chức Đoàn cần tạo sân chơi phù hợp để học trò có cơ hội tham gia. Qua đó, phát hiện, xác định các đoàn viên tiêu biểu để lựa chọn, bồi dưỡng, tạo nguồn và nâng cao chất lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong đó, chú trọng giới thiệu đoàn viên ưu tú có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn.
Với vai trò của mình, tổ chức Đoàn tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, đẩy mạnh học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp đoàn viên thanh niên hiểu rõ, củng cố niềm tin với Đảng, tránh hiện tượng “nhạt Đảng, khô đoàn”... Từ đó, đoàn viên nhận thức rõ việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng là để trưởng thành và cống hiến.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên rất quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành GD-ĐT. Đó là giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục về chính trị.
Để triển khai nhiệm vụ này, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, không chỉ ngành Giáo dục, các trường phổ thông, mà phải từ Đảng ủy các cấp, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội... Trong đó, các đồng chí Bí thư cấp ủy, hiệu trưởng nhà trường cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.
Trong quá trình triển khai, cần song hành 2 mục tiêu về số lượng đảng viên kết nạp mới và tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Phát triển đảng viên mới trong trường phổ thông, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn song cần linh động, tạo cơ hội cho các em có điều kiện và mong muốn được tham gia. Trên cơ sở đó, nhà trường lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp những học sinh xứng đáng, có sức hút, lan tỏa.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy mỗi năm mở ít nhất 2 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh theo yêu cầu của các trường THPT. Chương trình bồi dưỡng phải cấu trúc lại để phù hợp lứa tuổi, tâm lý.
Nhà trường cần có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh, có nghị quyết kết nạp đảng viên là học sinh rõ ràng; Chi bộ cấp trên đánh giá, xếp loại cũng như giám sát việc đưa ra giải pháp và thực hiện của Chi bộ trực thuộc hằng năm. Có như vậy, phát triển đảng trong trường phổ thông mới toàn diện, song hành cả số lượng và chất lượng.
Từ năm 2015 - 2020, Đà Nẵng có 6 học sinh THPT được kết nạp vào Đảng. Trong khi đó, chỉ trong năm học 2021 - 2022, Quảng Nam kết nạp 32 đảng viên mới khi đang là học sinh THPT. Chỉ tính riêng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) đã có 18 học sinh được vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.