Những năm gần đây, số lượng người Việt Nam học tập ở nước ngoài (lưu học sinh) ngày càng tăng. Đa số lưu học sinh có ý thức chính trị tốt, tuy nhiên một số bị các tổ chức và cá nhân xấu lôi kéo tham gia các hoạt động xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Nguyên nhân là do công tác quản lý lưu học sinh còn bất cập; sự chỉ đạo và phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ. Ở một số nơi, vai trò của tổ chức Đảng và Đoàn Thanh niên trong quản lý lưu học sinh còn mờ nhạt. Vì vậy, việc tăng cường bồi dưỡng lý luận chính trị, phát triển Đảng trong đội ngũ lưu học sinh đang đặt ra hết sức cấp thiết, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ sớm, từ xa.
Gần 190.000 lưu học sinh Việt Nam và âm mưu của thế lực chống phá
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, có khoảng 190.000 lưu học sinh Việt Nam đi học tập tại nước ngoài và có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.
Theo đánh giá thống kê trước đó của UNESCO cho thấy Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh năm học 2021-2022.
Việt Nam là nước có số lượng học sinh, sinh viên ra nước ngoài đông nhất ở Đông Nam Á.
Hai điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam là Nhật Bản (hơn 44.100 người) và Hàn Quốc (gần 25.000). Tại nước Mỹ, du học sinh Việt Nam cũng dẫn dầu Đông Nam Á, với hơn 23.100 người. Xếp tiếp theo người Việt Nam du học nhiều là ở Australia (hơn 14.100) và Canada (gần 9.000).
Theo đánh giá của Tạp chí Khoa học Chính trị thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, “có một thực tế không thể phủ nhận, trình độ nhận thức lý luận chính trị của lưu học sinh Việt Nam còn hạn chế. Do tiếp xúc với một số quan điểm, tư tưởng, lối sống không phù hợp, cùng với sự thiếu hiểu biết chính trị tư tưởng, một số lưu học sinh đã bị các tổ chức, cá nhân lôi kéo tham gia các hoạt động xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam”.
Thực tế cũng chỉ ra các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện các hoạt động chống phá về tư tưởng chính trị nhằm vào lưu học sinh Việt Nam.
Theo tổng kết tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các hoạt động chống phá nổi bật như tạo ra các diễn đàn trên mạng xã hội, đăng tải các thông tin suy diễn, không đúng bản chất về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong nước, các thông tin sai sự thật về đời tư cá nhân cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, cổ vũ đội ngũ lưu học sinh tham gia chia sẻ và bình luận theo hướng tiêu cực, nhằm tạo ra sự hoài nghi, mơ hồ, mất phương hướng chính trị của đội ngũ này.
Đặc biệt, các thế lực thường tìm cách hỗ trợ học bổng, hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ, xây dựng niềm tin, dễ dàng truyền bá “giá trị” của xã hội tư bản, nhằm nuôi dưỡng đội ngũ này với âm mưu thay đổi chế độ trong tương lai của Việt Nam.
Bên cạnh đó, âm mưu quen thuộc nhất của các thế lực là xuyên tạc, làm dao động niềm tin của lưu học sinh về con đường đi lên XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hoạt động xuyên tạc được cụ thể hóa bằng hoạt động phủ nhận vai trò của Đảng, đánh tráo khái niệm, lôi kéo lưu học sinh tham gia các hoạt động biểu tình từ đó xuyên tạc về tự do, dân chủ, nhân quyền…
Từ thực tiễn trên, việc tăng cường bồi dưỡng tư tưởng chính trị, phát triển Đảng trong đội ngũ lưu học sinh trở nên hết sức cấp thiết.
Những chuyển biến mạnh mẽ từ các chi bộ lưu học sinh
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác chính trị tư tưởng với đảng viên, quần chúng ở nước ngoài, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Cần tăng cường nắm bắt tình hình dư luận, điều chỉnh linh hoạt và đổi mới phương thức giáo dục tư tưởng chính trị cho cộng đồng người Việt Nam ở các địa bàn khác nhau, tùy trình độ phát triển, đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia”.
Từ lý luận đó, thực tiễn trong 2 - 3 năm gần đây, công tác phát triển Đảng của các tổ chức Đảng ở nước ngoài, đã thay đổi hết sức mạnh mẽ.
Đại sứ Đặng Minh Khôi, Bí thư Đảng ủy tại Liên bang Nga lấy ví dụ đối với chi bộ lưu học sinh, sinh viên sẽ gắn với chủ đề sinh hoạt của thanh niên, khởi nghiệp và hướng về Tổ quốc hoặc tổ chức những buổi trao đổi, thảo luận trong sinh viên. Các tổ chức đảng trong cơ quan đại diện gắn chặt với nhiệm vụ, hoạt động chính trị, kinh tế của cơ quan đại diện. Hình thức sinh hoạt này là hết sức thiết thực.
“Vừa qua, trong nước cũng thay đổi rất mạnh công tác sinh hoạt Đảng; các tài liệu phong phú hơn, hình thức sinh hoạt trực tuyến cũng đa dạng hơn. Nội dung sinh hoạt được cải tiến, gắn chặt với tình hình trong nước, chủ trương của Đảng, nhưng có đổi mới và có sức thu hút đối với đảng viên trẻ” – Ông Đặng Minh Khôi nói.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Đảng trong lưu học sinh, ông Hà Quang Tùng, Bí thư Chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Lào cho biết: “Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của đoàn thanh niên, Chi bộ đã bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên từ những đoàn viên ưu tú có thành tích học tập xuất sắc, năng nổ trong hoạt động phong trào của Chi đoàn cũng như của phân hội.
Trong những năm qua, Chi bộ đã hoàn thiện thủ tục kết nạp vào Đảng cho những đoàn viên ưu tú từ Chi đoàn Lưu học sinh Việt Nam. Các đoàn viên được kết nạp đều là những đảng viên trẻ đầy nhiệt huyết, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn mà Chi bộ giao. Nhiều đồng chí sau đó đã trở thành những hạt nhân chủ chốt trong các phong trào của đoàn, hội”.
Về giải pháp bồi dưỡng chính trị trong lưu học sinh trong thời gian tới, ThS Nguyễn Đức Cường (Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Thứ nhất cần nâng cao nhận thức lý luận chính trị, đặc biệt nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng của Đảng.
Thứ hai, tự trang bị kĩ năng tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao nhận thức lý luận chính trị, kỹ năng tiếp nhận xử lý thông tin trên không gian mạng cho đội ngũ lưu học sinh. Thứ ba, phát huy vai trò của Đoàn TNCS HCM trong việc tập hợp, vận động lưu học sinh tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thư tư, đẩy mạnh phát triển Đảng viên trong đội ngũ lưu học sinh”.
Cụ thể hơn về việc phát triển Đảng viên trong đội ngũ lưu học sinh, ThS Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh vai trò các chi bộ phải tăng cường chỉ đạo đoàn thanh niên phát động nhiều phong trào quần chúng để phát hiện những nhân tố tích cực, chủ động bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề có tính thời sự để thu hút đoàn viên, lưu học sinh tham gia, tạo cơ hội tiếp xúc, lan tỏa lý tưởng cách mạng góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.