Chưa nhận hồ sơ hỗ trợ với 4 nhóm đối tượng
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 1/10 là ngày đầu tiên chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116 chính thức có hiệu lực. Do đó các đơn vị phải khẩn trương, quyết liệt triển khai ngay các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố.
Đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực hiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…
Sau một tuần triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ từ gói 38 nghìn tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH. Nội dung công văn về đề nghị hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ người lao động.
Công văn nêu, tại Khoản 1 Quyết định số 28 quy định một trong các điều kiện để xác định đối tượng hỗ trợ là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021. Đối tượng này có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Khi xác định đối tượng thực hiện, đối chiếu với quy định tại Điều 11 Nghị định số 28 năm 2015 của Chính phủ, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa có căn cứ rõ ràng để áp dụng đối với các đối tượng.
Đó là người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động. Người lao động nghỉ việc không hưởng lương. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái quy định pháp luật (tự ý bỏ việc).
Theo lý giải của bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm 30/9/2021, những trường hợp nêu trên không đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng chưa phải đã ra khỏi “danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp” của đơn vị sử dụng lao động.
Thực chất là có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm. Có nghĩa là tương đồng với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 28.
Cũng theo nội dung công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong hồ sơ của các cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền chưa đề cập rõ các tình huống bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nêu trên. Vì vậy, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định chi tiết về nội dung này.
Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm nghiên cứu, hướng dẫn nhóm đối tượng có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thực chất là được bảo lưu trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 nhưng không có tên trong danh sách đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021. Căn cứ vào đó để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở thực hiện triển khai gói hỗ trợ.
Cũng trong công văn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết vẫn tiếp tục nhận hồ sơ, giải quyết chi trả tiền hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất đối với những đối tượng đã quy định cụ thể. Đồng thời chưa tiếp nhận hồ sơ của nhóm đối tượng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi “danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp” cho đến khi có hướng dẫn.
Nhận hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ theo nhiều cách
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, về nguyên tắc đóng - hưởng, gói hỗ trợ chỉ áp dụng với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Lao động có thời gian tham gia dài hơn thì mức hỗ trợ cao hơn.
Về tính chia sẻ của gói hỗ trợ được thể hiện qua việc: Nếu như quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là phải có trên mới 12 tháng tham gia mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nhưng riêng với gói hỗ trợ này người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và con số này sẽ lên tới hàng triệu người. Lao động trong cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… cũng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng không hưởng gói hỗ trợ này.
Để thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, sẽ nhận hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ theo nhiều cách.
Có thể trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội, qua bưu điện, hoặc gửi hồ sơ trực tuyến. Với hình thức trực tuyến, đối tượng có thể gửi hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại lý thu, hoặc ứng dụng VssID,…
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những ngày qua cơ quan này đã thực hiện chuyển khoản tiền hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng qua tài khoản cá nhân. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng, ngành bảo hiểm xã hội chủ trương thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức giao dịch hồ sơ theo sự lựa chọn của người thụ hưởng. Điều này giúp người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, đối tượng lao động thuộc doanh nghiệp quản lý, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm trong việc xác định đối tượng nhận hỗ trợ. Sau đó gửi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương để làm cơ sở giải quyết. Trường hợp người lao động bị bỏ sót thì cá nhân người đó sẽ gửi xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định.