Phát minh đem lại ánh sáng cho hàng triệu người

Phát minh đem lại ánh sáng cho hàng triệu người
(GD&TĐ) - Tại Brazil năm 2002, trong một ngày mà căn nhà của kỹ sư cơ khí Ifredo Moser trở nên tối tăm do bị cắt điện, một ý tưởng bất chợt hiện lên trong đầu ông và ngay sau đó, căn nhà của ông đã tràn ngập ánh sáng.
Moser và chiếc đèn chai mà ông đã phát minh
Moser và chiếc đèn chai mà ông đã phát minh

Sử dụng nguyên vật liệu đơn giản
Chỉ với một chai nhựa đựng nước sạch và một ít thuốc tẩy, những chiếc “bóng đèn” của Moser có thể chiếu sáng mà không cần điện.
Vậy nguyên lý hoạt động của nó là thế nào? Chỉ đơn giản là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời, Moser giải thích trong lúc ông đổ đầy nước vào cái chai nhựa dung tích 2 lít. “Chỉ cần cho thêm 2 nắp đầy thuốc tẩy để nước trong chai không bị chuyển sang màu xanh. Chai càng sạch càng tốt,” ông cho biết thêm.
Sau khi đã đậy nắp chai cẩn thận, công việc tiếp theo là tạo một lỗ hổng trên mái nhà có kích thước vừa đủ để đút vừa cái chai vào và cuối cùng là cố định nó bằng nhựa polyester. “Bạn cố định cái chai bằng nhựa polyester. Ngay cả khi trời mưa, mái nhà sẽ không bị dột – không một giọt nào.”
“Một kỹ sư đã tới và đo cường độ ánh sáng,” -  Moser cho biết - “phụ thuộc vào nguồn ánh sáng mặt trời, cái chai có khả năng chiếu sáng tương đương với bóng đèn 40 hoặc 60 watt.”
Nguồn cảm hứng cho sự ra đời của “đèn Moser” bắt đầu từ việc nơi ông sinh sống thường xuyên bị cắt điện trong năm 2002. “Chỉ có những nhà máy mới được cung cấp điện còn nhà dân thì không”, Moser nói về thành phố Uberaba, nằm ở miền nam Brazil.
Moser và những người bạn của mình bắt đầu tự hỏi rằng làm thế nào họ có thể phát đi tín hiệu báo động cho mọi người trong những tình huống khẩn cấp khi mà không có điện. Khi đó ông chủ của Moser đã gợi ý rằng có thể sử dụng một chai nhựa đựng đầy nước như một thấu kính hội tụ ánh sáng mặt trời trên đám cỏ khô.
Theo cách này, người ta có thể tạo ra một đám cháy để phát đi tín hiệu cho lực lượng cứu hộ. Ý tưởng này sau đó đã ám ảnh Moser, ông bắt đầu nghiên cứu và tạo ra những quầng sáng khúc xạ.
 

Hàng triệu người được hưởng lợi

Moser đã lắp đặt loại đèn của mình cho hàng xóm và cho cả các siêu thị trong địa phương. Mặc dù công việc này không mang lại nhiều tiền nhưng nó đem đến cho ông một cảm giác tự hào đến khó tả.
“Có một người đàn ông đã sử dụng những chiếc đèn chai này và trong vòng một tháng, ông ấy đã tiết kiệm được một khoản đủ để chi trả cho những thứ cần thiết cho đứa con sắp chào đời của mình. Bạn có thể tượng tượng được điều này?”, Morse nói.
Carmelinda, người vợ đã gắn bó với Moser 35 năm cho biết, ông luôn làm ra những đồ vật có chất lượng cho ngôi nhà của mình trong đó có những chiếc giường bằng gỗ hay những chiếc bàn.
Tuy nhiên, Camelinda không phải là người duy nhất ngưỡng mộ phát minh bóng đèn của Moser. IIIac Angelo Diaz - Giám đốc điều hành Quỹ MyShelter ở Philippines cũng là một người như vậy.
Quỹ MySheter chuyên về xây dựng thay thế, tạo ra những ngôi nhà bằng vật liệu bền vững hoặc tái chế như tre, lốp xe và giấy.
“Chúng tôi đã có một lượng lớn những chiếc chai được quyên góp” - IIIac Angelo Diaz cho biết - “vì vậy một số chai chúng tôi đổ đầy bùn để làm thành các bức tường, một số chai chúng tôi đổ đầy nước để làm thành những chiếc cửa sổ. Khi chúng tôi đang cố gắng để thêm nhiều hơn thì có ai đó đã nói rằng: Này, đã có người làm được điều đó ở Brazil. Alfredo Moser đã đặt chúng lên trên mái nhà.”
Dựa theo phương pháp của Moser, Quỹ MyShelter ở Philippines đã bắt đầu làm ra những chiếc đèn vào tháng 6 năm 2011. Hiện tại, Quỹ Myshelter đang hướng dẫn mọi người cách chế tạo và lắp đặt những cái chai để họ có thể kiếm được một khoản thu nhập nhỏ. Đã có khoảng 140.000 hộ gia đình ở Philippines sử dụng loại đèn này.
Loại đèn của Moser sáng chế đang ngày càng trở nên phổ biến tại hơn 15 quốc gia trên toàn thế giới, từ Ấn độ, Bangladesh cho đến Tazania, Argentina và Fiji.
Khúc xạ là hiện tượng ánh sáng đổi hướng khi đi qua mặt phân cách giữa hai môi trường trong suốt có chiết suất khác nhau.
Trong trường hợp của “đèn Moser”, chai nước đã làm đổi hướng ánh sáng mặt trời và tỏa ra khắp căn phòng.
Phương Hà (Theo BBC)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ