(GD&TĐ) – Chiều 19/12, Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng các sở, ban ngành liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trẻ khuyết tật.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì cuộc họp về công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. |
Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 337.845 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 16.896 trẻ thuộc gia đình nghèo. Do sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình văn hóa không lành mạnh và sự gia tăng các tệ nạn xã hội nên từ năm 2010 đến nay, có 462 em chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật, 172 trẻ bị bỏ rơi, 430 trẻ làm việc xa gia đình, 445 trẻ đang lao động trong điều kiện nặng nhọc…
Tại buổi làm việc với Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương, các đại biểu đại diện các sở, ban ngành đã báo cáo về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2010- 2012. Những vướng mắc trong sự phối hợp liên ngành của công tác giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, trẻ mắc các bệnh thiểu năng về trí tuệ và những khó khăn trong chế độ trợ cấp cho các bảo mẫu, giáo viên chăm sóc, giảng dạy trẻ khuyết tật, tình hình trẻ địa phương vào các tình phía Nam lao động theo mùa, trẻ bị đuối nước vào mùa lũ, trẻ bị xâm hại tình dục… cũng được các đại biểu báo cáo với Đoàn Kiểm tra liên ngành.
Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương của Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Thừa Thiên- Huế. |
Trước những vấn đề do các đại biểu báo cáo, Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương yêu cầu tỉnh Thừa Thiên- Huế thời gian tới cần triển khai tốt hơn nữa các công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục cho trẻ, kết hợp đồng bộ giữa văn hóa với công tác giáo dục như thư viện nhà trường, đưa internet vào trường học… Tăng cường xây dựng các điểm vui chơi văn hóa dành cho trẻ ở các xã, phường, nhất là các xã vùng sâu vùng xa.
Đoàn Kiểm tra liên ngành cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục phát huy các mô hình về quyền trẻ em như “CLB Phóng viên nhỏ”, xem xét đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, các cấp cơ sở… để có chế độ ưu đãi hợp lý đồng thời yêu cầu tỉnh nên đưa mục tiêu hành động vì trẻ em địa phương vào mục tiêu hành động hàng năm.
Bà Hà Thị Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT còn đưa ra kiến nghị: Trước sự xâm hại tình dục đang gia tăng ở trẻ em, tỉnh Thừa Thiên- Huế nên đưa ra biện pháp cụ thể để khắc phục vấn đề này, nhất là các biện pháp liên quan đến trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đuối nước, trẻ lao động xa nhà, trẻ lao động nặng nhọc…
Nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong công tác giáo dục như: 62 xã, phường đạt chuẩn phổ cập GMN cho trẻ 5 tuổi, 100% trẻ được theo dõi biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kì, 98% trẻ tham gia học chương trình giáo dục mầm non, số trẻ đi nhà trẻ chiếm 25%, mẫu giáo chiếm 82,4% và đặc biệt có 571 trẻ khuyết tật được học hòa nhập.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã đánh giá cao công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em của tỉnh Thừa Thiên- Huế, đặc biệt là những điểm sáng về công tác giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật cũng như nêu cao tình yêu thương học trò của các thầy cô giáo ở các trường dạy trẻ khuyết tật như trường tiểu học Vĩnh Ninh, trường THCS Hùng Vương mà Đoàn Kiểm tra liên ngành đã đi thực tế vào chiều 18/12.
Trước những khúc mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, Thứ trưởng nhấn mạnh: TP. Huế là thành phố du lịch nên số trẻ lang thang, trẻ lao động nặng nhọc thường có nhiều tiềm ẩn, vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành của tỉnh. Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế cũng nên tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức cho những người chăm trẻ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên- Huế quân tâm đến trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị xâm hại, quản lý các quán internet để bảo vệ trẻ khỏi sự độc hại của văn hóa không lành mạnh và đồng thời có những biện pháp để ngăn chặn trẻ lao động nặng nhọc.
Kết thúc buổi làm việc, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xin được tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đồng thời hứa sẽ nhìn lại, đánh giá công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, rà soát lại các kế hoạch, các vấn đề phòng chống tệ nạn xã hội với trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương thăm và làm việc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên- Huế vào sáng 19/12. |
Cũng trong sáng 19/12, Đoàn Kiểm tra liên ngành Trung ương đã đến thăm và tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó đã làm việc với UBND huyện Quảng Điền về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trên địa bàn toàn huyện. Đoàn Kiểm tra liên ngành đánh giá cao khi huyện Quảng Điền thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, tổ chức các CLB, mô hình như “Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em” ở xã Quảng Phú, cấp thẻ bảo hiểm Y tế cho 7.925 trẻ, kêu gọi các CTV tham gia tuyên truyền về giáo dục, chăm sóc sức khỏe trẻ ở 54/103 thôn.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH tặng quà cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên- Huế. |
Anh Khoa