Ngăn cấm dễ tác dụng ngược
Chuyên gia tâm lý cho biết, khi phát hiện con mình có tình cảm với người khác giới, lập tức bố mẹ sẽ tìm các biện pháp ngăn cản, giảng giải đủ bài về tác hại của việc yêu sớm, vừa đánh vừa xoa, mềm có, rắn có.
Một số cha mẹ lại cho rằng phải đồng hành cùng con nhưng “đồng hành tức là phải biết hết”, vì thế, ngay lập tức lục tung mọi thông tin. Cha mẹ lén xem trộm nhật kí, tin nhắn điện thoại, thư từ và hình ảnh của con rồi truy vấn: “Đó là ai, con nhà nào, học hành ra sao, tại sao lại thích,…”.
Những hành vi này vốn không được xem là sự thấu hiểu mà ngược lại, tạo ra cho trẻ rất nhiều bất an. Bởi lẽ, cha mẹ đã vi phạm quyền riêng tư của trẻ. Trong khi độ tuổi này, trẻ rất coi trọng sự riêng tư như một vũ khí để khẳng định rằng mình đã lớn. Bị xem nhật ký hoặc những thông tin cá nhân, trẻ có thể từ phản ứng của cha mẹ mà cho rằng “mình không được ủng hộ về việc này”. Từ đó sẽ bắt đầu xây dựng “hàng rào bảo vệ” và không có thiện chí chia sẻ nữa.
Do đó, điều cần làm chỉ là tiếp tục làm bạn với con. Khi ở vai trò người bạn, hãy quan sát, trò chuyện một cách thường xuyên, bình thản, chân thành. Với sự nhạy cảm của người làm cha mẹ, những thông tin về đối tượng trẻ thích hay thích trẻ sẽ dần sáng tỏ.
Việc quen nhau qua mạng xã hội hiện nay cũng khá phổ biến. Bên cạnh những mặt tích cực, thực tiễn cho thấy các mối quan hệ từ mạng xã hội khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hậu quả khó lường, nhất là với các mối quan hệ yêu đương của trẻ chưa thành niên.
Nhiều chuyên gia tâm lý cũng đồng ý rằng, việc ngăn cấm sẽ có tác dụng ngược. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) nhìn nhận: “Không ít phụ huynh đánh mất con chỉ vì không có cách ứng xử khéo léo khi phát hiện con yêu sớm. 13, 14 là lứa tuổi đang muốn chứng tỏ mình đã lớn, thích làm ngược lời cha mẹ, dễ nghe lời bạn bè. Vì thế, chỉ cần ngăn cấm, đánh mắng, con sẽ lập tức phản kháng bằng những hành động bồng bột, nông nổi, nhẹ thì cãi lại, nặng hơn thì bỏ nhà đi, rất nguy hiểm”.
Cô Hiền khuyên các bậc cha mẹ hãy gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với những tâm tư “tuổi mới lớn” để khéo léo động viên, khích lệ con làm điều đúng đắn và rời xa những điều không phù hợp. Hãy giúp con biến tình yêu trong sáng tuổi học trò thành động lực học tập, để con và người yêu của con trở thành đôi bạn cùng tiến. Đồng thời, cha mẹ cần nói cho con biết những “nguy cơ” của việc đi quá giới hạn trong tình yêu để giúp con biết tự bảo vệ mình, tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.
Ảnh minh họa Internet. |
Chú trọng giáo dục giới tính
ThS Trần Phương Lan, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, khi đối mặt với tình huống này, trước hết bố mẹ phải hết sức bình tĩnh. Nếu người lớn càng rối, càng bộc lộ sự thất vọng, cáu giận, con càng giấu chuyện tình cảm.
Theo ThS Trần Phương Lan, trong những trường hợp có con yêu sớm, bố mẹ hãy tỏ ra hòa nhập, nhẹ nhàng chấp nhận tình cảm đó. Đừng vội cuống lên và thực hiện việc cấm đoán. Người lớn sẽ phải chấp nhận tình cảm của con như một phần thiết yếu trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Hãy nhớ lại thời chính mình còn non nớt như các con bây giờ, chắc chắn cũng rất nhiều người có cảm xúc rung động thời đi học. Như vậy, có thể thấy tình cảm học trò không phải là điều gì xấu xa. Và nó lại càng không phải là biểu hiện của sự hư hỏng và nổi loạn. Hãy khéo léo tìm hiểu về tình cảm đó đang ở mức độ nào, sau đó chọn thời cơ thích hợp để giúp con hiểu rõ vấn đề.
Cha mẹ và con nếu muốn thân thiết thì hãy luôn duy trì mối tương tác hai chiều tốt đẹp. Phụ huynh có thể tâm sự với con về chính những mối tình thời trẻ của mình. Bằng hành động đó, bạn sẽ giúp con bỏ đi nỗi lo bị phản đối, cảm thấy an tâm hơn khi cha mẹ mình cũng mở lòng với những chuyện này. Và ngược lại, hãy quan tâm và lắng nghe con khi con chia sẻ về chuyện tình yêu của mình. Điều này khiến chúng thấy rằng phụ huynh thật sự quan tâm và nghiêm túc với nỗi lòng của con. Có vậy, con cái mới dễ dàng tin tưởng những lời khuyên của bạn khi chúng cần.
Không ít những câu chuyện tuổi học trò bền vững cho đến lúc trưởng thành và có một kết quả đẹp. Cha mẹ nên tỏ ý sẵn sàng gặp gỡ và thái độ trân trọng với người bạn của trẻ. Hãy động viên chúng trở thành người đồng hành tốt và cùng phấn đấu với con của mình. Trong trường hợp, nếu thấy con chọn một người không phù hợp khiến chúng đi xuống, cha mẹ cũng nên nói cho con hiểu về giá trị của những người đến với cuộc sống của mình và định hướng con cách nhìn nhận về một người đồng hành tốt hơn.
Việc giáo dục giới tính luôn là quan trọng và cần được bắt đầu từ rất sớm. Khi biết con đã có những rung động, điều cha mẹ lo lắng nhất chính lũ trẻ sẽ có những hành động vượt quá giới hạn. Bởi vậy, cha mẹ cần dạy con những vấn đề về giới tính để trẻ hiểu và có ý thức chủ động bảo vệ mình. Từ đó giúp con tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Ngoài ra, khi con bước vào độ tuổi dậy thì, cha mẹ cũng cần tăng hiểu biết của con về pháp luật. Có kiến thức và sự chuẩn bị mới là sức mạnh thay thế cho sự ngăn cản, can thiệp hay kè kè bên cạnh để quản lý, cấm đoán.
“Cha mẹ nên cho trẻ biết những quy định của pháp luật và hậu quả nếu con làm điều gì dại dột. Chẳng hạn như độ tuổi nào là hợp pháp để bắt đầu quan hệ tình dục, những hình phạt khi giao phối với trẻ vị thành niên, độ tuổi kết hôn hợp pháp,… Như vậy để con làm gì cũng nhớ và ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề và không thể có những quyết định bồng bột làm hủy hoại tương lai mình”, cô Lan nhấn mạnh.