Phát hiện loài chuột cổ đại to như bò mộng

Các nhà khoa học khẳng định loài chuột lớn nhất từng sống trên địa cầu có khối lượng lên tới một tấn. Những răng cửa với độ dài tới 30 cm giúp chúng tự vệ và đào đất.

Hình minh họa chuột Josephoartigasia monesi. Ảnh: BBC
Hình minh họa chuột Josephoartigasia monesi. Ảnh: BBC

Một nhóm chuyên gia từ Anh và Uruguay phát hiện hộp sọ hóa thạch của một loài chuột Nam Mỹ từng sống ở Uruguay từ khoảng 2 triệu năm trước, BBC đưa tin.

Kết quả chụp cắt lớp và phân tích trên mô hình máy tính cho thấy hộp sọ thuộc về một loài chuột khổng lồ với khối lượng cơ thể tối đa có thể lên tới 1.000 kg. 4 răng cửa của chúng khá lớn, với chiều dài lên tới 30 cm. Chiều dài thân tối đa của chúng vào khoảng 3 m, còn chiều cao là 1,5 m.

Josephoartigasia monesi, tên khoa học của loài chuột khổng lồ đã tuyệt chủng, sống trong khoảng thời gian mà khí hậu khá ấm áp - điều kiện lý tưởng để những con vật có kích thước lớn sinh trưởng. Những con voi ma mút đầu tiên cũng xuất hiện trong giai đoạn ấy.

Mô hình máy tính cho thấy lực cắn của chuột Josephoartigasia monesi khá mạnh và tương đương với lực cắn của hổ. Vì thế nhóm nghiên cứu nhận định chúng không cần 4 răng cửa để nhai hay cắn.

"Hai răng cửa lớn giúp chúng tự vệ khi gặp những động vật săn mồi và đào đất để tìm thức ăn, giống như cách loài voi ngày nay sử dụng cặp ngà", tiến sĩ Philip Cox, một chuyên gia giải phẫu của Đại học York tại Anh, lập luận.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ