Kể từ khi có người thông báo nhìn thấy vào thế kỷ thứ 6 cho mãi tới tận ngày nay, quái vật hồ Loch Ness vẫn là một ẩn số, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận thế giới suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, đây dường như không phải là con quái vật duy nhất ẩn náu trong vùng nước Scotland, sau khi các nhà khoa học tuyên bố đã khám phá ra một sinh vật họ hàng, thất lạc từ lâu của nó.
Con quái vật mới phát hiện sống cách đây 170 triệu năm, không phải trong hồ Loch Ness mà ở một vùng biển nông, ấm quanh khu vực hiện giờ là hòn đảo Skye. Nó được nhận diện là một loài ngư long mới - một loài bò sát biển giống cá heo khổng lồ, có thể phát triển tới chiều dài hơn 4,2 mét từ mõm tới đuôi.
Một nhóm chuyên gia cổ sinh vật học do Đại học Edinburgh (Anh) đẫn đầu đã nghiên cứu các mảnh hóa thạch hộp sọ, răng, đốt sống và xương cánh tay phía trên ở Skye trong 50 năm qua.
Rất nhiều hóa thạch thuộc về các ngư long, kể cả một loài chưa từng được biết đến trước đây có tên là Dearcmhara shawcrossi. Trong đó, "Dearcmhara" trong tiếng Scotland là từ chỉ thằn lằn biển, còn "shawcrossi" được chọn làm tên nhằm vinh danh "thợ săn" hóa thạch nghiệp dư Brian Shawcross, người từng phát hiện phần còn lại của sinh vật trên vịnh Bearreraig của đảo Skye năm 1959.
Suốt kỷ Jura, phần lớn đảo Skye ngập trong nước. Vào thời điểm đó, nó dính liền với phần còn lại của Anh và là một phần của hòn đảo lớn tọa lạc giữa các đại lục tách rời nhau, về sau trở thành châu Âu và Bắc Mỹ.
Tiến sĩ Steve Brusatte, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Trong thời đại của khủng long, các vùng nước của Scotland là nơi lai vãng của các bò sát đồ sộ, có kích thước tương đương xuồng máy. Hóa thạch của chúng rất hiếm và chỉ mãi tới hiện tại, lần đầu tiên chúng tôi mới phát hiện một loài mới chỉ duy có ở Scotland".
Skye hiện là một trong số ít nơi trên thế giới được phát hiện còn chứa đựng các hóa thạch từ giữa kỷ Jura. Các nhà khoa học tin rằng, các khám phá này có thể cung cấp những thông tin hữu ích về cách các bò sát biển này tiến hóa như thế nào.