Từ 1/11, thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Từ 1/11, thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

(GD&TĐ) - Ngày mai (1-11-2011), theo quy định của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP "Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc" sẽ chính thức bắt đầu có hiệu lực. Tiêm thuốc độc sẽ thay cho xử bắn đối với các phạm nhân bị tuyên án tử hình.

Theo đó, Bộ Công an đã đề nghị với Chính phủ cho phép xây dựng 5 nhà thi hành án tử hình đầu tiên trên cả nước tại các tỉnh, thành là Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Đắk Lắk và Sơn La. Và đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng triển khai.

Tuy nhiên, có một vấn đề không phải ai cũng biết, tại sao ở nước ta lại chuyển hình thức tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc vào thời điểm này? 

Theo tìm hiểu chúng tôi, trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận hàng loạt phương thức tử hình như xử bắn, đóng đinh đến chết, thiêu đốt, bỏ vào nước đun sôi, ném vào vạc dầu sôi, chặt đầu, chôn sống, làm ngạt thở, ghế điện, ném đá đến chết, phanh thây, đưa vào phòng hơi ngạt, tiêm thuốc độc…

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam thì xử bắn là hình thức thi hành án tử hình duy nhất được thực hiện ở nước ta trong suốt thời gian qua. 

Thực hiện quy định này, trong 15 năm (tính từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/12/2008) đã có nhiều phạm nhân phạm tội bị kết án tử hình và đã bị thi hành hình phạt bằng hình thức xử bắn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hoạt động này cũng đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần giải quyết.

Do vậy, Bộ Công an đã đề xuất thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, và đề xuất này được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII với 419 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 84.99%).

Phạm tội- nỗi đau từ hai phía
Phạm nhân trong trại cải tạo

Như vậy, đây là quy định pháp lý mới nhất về thi hành án tử hình ở Việt Nam hiện nay. Sở dĩ phải thay đổi hình thức tử hình sang tiêm thuốc độc là do thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn, xác người bị bắn thường bị dập nát, chảy nhiều máu gây ô nhiễm môi trường và khó khăn, vất vả cho lực lượng làm nhiệm vụ giám định. Đội vũ trang thi hành án đặc biệt là người thực hiện động tác trói người bị kết án; đội trưởng bắn phát súng nhân đạo bị tác động tâm lý nặng nề.

Bên cạnh đó, thi hành án tử hình bằng xử bắn còn nảy sinh vấn đề khó khăn từ pháp trường. Việc liên hệ, tìm kiếm pháp trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do ảnh hưởng tâm lý mà các địa phương thường không muốn cho xây dựng hay đặt pháp trường ở địa phương mình.

Thống kê trước đây cả nước mới có 7/63 công an địa phương có pháp trường cố định; 18/63 địa phương do bắn nhiều lần ở một địa điểm mà tự hình thành pháp trường; 36 địa phương chưa có pháp trường; có địa phương pháp trường lại ở quá xa so với trại tạm giam nên khó khăn cho việc áp giải người bị thi hành án ra pháp trường và việc đảm bảo an ninh trật tự cho việc thi hành án.

Chính từ những khó khăn đó mà số người bị kết án tử hình có hiệu lực thi hành chưa đưa ra thi hành án hiện nay còn lớn, hàng trăm đối tượng; thời gian giam giữ chờ thi hành án kéo dài, cá biệt có trường hợp tới 7-10 năm, gây khó khăn cho công tác quản lý hoặc do khó khăn về pháp trường mà ở một số địa phương đã gộp nhiều đối tượng để đưa ra thi hành cùng một lúc như ở tỉnh Nam Định đã từng đưa 10 người bị kết án tử hình ra thi hành cùng một lúc, gây tâm lý nặng nề cho người thừa hành.

Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm và đặt ra yêu cầu nhanh chóng thay đổi. Sau khi nghiên cứu, tham khảo các hình thức thi hành án tử hình ở các nước trên thế giới, Quốc hội đã đồng ý thông qua hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Quang cảnh buông giam lạnh lẽo
Buồng giam

Bởi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ giúp người bị thi hành án “chết nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn”, cơ thể được nguyên vẹn; việc thi hành được thực hiện đơn giản, dễ dàng hơn và tiết kiệm hơn (Hội đồng thi hành án cần sử dụng ít người hơn).

Thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ khắc phục được vấn đề khó khăn về  pháp trường hiện nay và do đó việc kéo dài thời gian giam giữ người bị kết án tử hình để đưa ra thi hành án cũng sẽ được khắc phục.

Qua khảo sát các nước áp dụng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc, thì việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc dễ thực hiện, tiết kiệm hơn so với hình thức xử bắn và khắc phục được những khó khăn, hạn chế từ chính hình thức thi hành án bằng xử bắn.

Chính vì vậy, việc Quốc hội khoá XII thông qua Luật Thi hành hành án hình sự (trong đó có quy định về việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho hình thức xử bắn trước đây) được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành hình sự nói chung, công tác thi hành án tử hình nói riêng.

Tuy nhiên, Theo Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, trong thời gian tới để áp dụng hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc trên phạm vi toàn quốc vẫn còn khó khăn nhất định như: Cán bộ thực hiện tiêm thuốc độc cần phải được đào tạo, bồi dưỡng và biên chế như thế nào cho hợp lý?  Bởi tính trung bình mỗi năm cơ quan chức năng chỉ thi hành trên dưới 100 bị án. Có những địa phương trong vài ba năm không thi hành bị án nào hoặc chỉ thi hành 1, 2 bị án. Vậy phương án đào tạo, biên chế như thế nào cho hợp lý cũng là bài toán nan giải?

Bên cạnh đó, việc xây dựng phòng tiêm thuốc độc, tuy đã có hướng bố trí xây dựng ở các trại tạm giam nhưng cũng không dễ thực hiện đồng loạt trên toàn quốc trong một sớm một chiều. 

Nguyên Huân

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.