Quảng Trị: Chợ gần 4 tỷ “để hoang”, tiểu thương bán hàng trong lều tạm

GD&TĐ - Ngôi chợ mới ở Mai Xá khang trang, thoáng đãng nằm cạnh trục đường Xuyên Á được đầu tư gần 4 tỷ đồng đang để hoang gần 2 năm nay.

Nhiều người dân ở gần cạnh đã tận dụng khoảng sân rộng rãi trong chợ mới để phơi lúa, thậm chí còn để nhốt trâu bò.
Nhiều người dân ở gần cạnh đã tận dụng khoảng sân rộng rãi trong chợ mới để phơi lúa, thậm chí còn để nhốt trâu bò.

Chợ mới thành sân phơi lúa

Chợ Mai Xá tọa lạc tại vị trí đắc địa của thôn Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nằm ngay mặt tiền đường Xuyên Á. Nó được đầu tư xây dựng theo dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Công trình được khởi công vào năm 2018, do UBND xã Gio Mai làm chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV Lưu Nguyễn (trụ sở tại thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) thi công.

Công trình có kinh phí đầu tư 3,9 tỷ đồng. Trong đó từ ngân sách tỉnh 2 tỷ đồng, ngân sách huyện 500 triệu đồng. Vốn từ nguồn NTM của xã 500 triệu đồng. Còn lại là nguồn vốn từ đấu giá lô quầy và người dân đóng góp. Dự án có tổng diện tích hơn 200m2, gồm một dãy nhà 1 tầng. Dự kiến bố trí cho 60 hộ kinh doanh.

Hiện, công trình còn đang nợ đơn vị thi công 500 triệu đồng. Một số hạng mục phụ trợ của chợ như hệ thống nước sạch, phòng cháy chữa cháy, phòng bảo vệ, mái che một số vị trí trong chợ, bãi đổ xe… chưa có kinh phí để thực hiện.

Chợ mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ, với phần nền được tôn cao bằng mặt đường Xuyên Á nên chấm dứt cảnh ngập lụt vào mùa mưa như chợ cũ trước đây. Thế nhưng, từ sau khi hoàn thành vào cuối năm 2019 đến nay, chợ Mai Xá vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Để “tận dụng” công trình bị để hoang, nhiều hộ dân sống lân cận đã chở lúa đến phơi, hay đưa trâu bò vào trú ngụ. Cùng với đó, công tác bảo quản chưa được quan tâm, chú trọng nên hiện có một số hạng mục đã phủ rêu, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Trong khi đó, nằm cách chợ mới khoảng 100m, hàng chục tiểu thương phải chen chúc họp chợ trong khoảng đất eo hẹp, chỉ chừng 60m2 trước khuôn viên Trung tâm học tập cộng đồng thôn Mai Xá.

Các quầy hàng chỉ được dựng ghép bằng vài ba mảnh ván và căng thêm tấm bạt nilon che nắng mưa tạm bợ, nên trông lụp xụp, rất mất mỹ quan. Đặc biệt, những lúc trời mưa, nước ứ đọng giữa nền đất rất bẩn.

Bên cạnh đó, vấn nạn mọi người dừng đỗ xe ngay trên trục đường bê tông liên thôn để vào chợ khiến đoạn đường này mỗi sáng luôn đông đúc, nhộn nhịp gây khó khăn cho người đi đường mỗi khi qua đây.

Lý giải về việc chợ mới “để hoang”, bà Trương Thị Hòa – Ban quản lý chợ Mai Xá - cho hay: Chợ quê, lượng hàng hóa tiêu thụ không nhiều. Cả chợ có khoảng 30 tiểu thương buôn bán các mặt hàng nhỏ lẻ. Việc bán buôn chỉ diễn ra khoảng 3 tiếng đồng hồ trong buổi sáng (từ 6 - 9 giờ hàng ngày) với số tiền lời lãi mỗi buổi chợ chỉ tầm vài chục nghìn đồng.

“Bà con chấp nhận nộp tiền thuê lô quầy, nhưng với điều kiện khi mới vào chợ đóng nửa số tiền thuê và 5 năm sau đóng nốt phần tiền còn lại. Chứ quy định tiểu thương phải đóng tiền thuê lô quầy 10 năm trong vòng thời hạn 1 năm kể từ lúc trúng đấu giá là không hợp lý.

Trong lúc điều kiện của bà con tiểu thương ở đây còn khó khăn, lại ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài. Điều này, khiến mọi người chấp nhận kinh doanh tại khu chợ tạm ọp ẹp, ẩm thấp”, bà Hòa nói. 

Chờ tổ chức đấu giá lần 4

Khu chợ tạm lụp xụp và khá đông người mua kẻ bán vào khung giờ họp chợ.
Khu chợ tạm lụp xụp và khá đông người mua kẻ bán vào khung giờ họp chợ.

Ông Hoàng Thanh Lương - Chủ tịch UBND xã Gio Mai - cho hay, chủ trương xây dựng chợ mới trước đó cũng được người dân đồng thuận cao. Tuy nhiên, khi chợ hoàn thành, chính quyền địa phương tổ chức đấu giá lô quầy để đưa vào sử dụng thì người dân lại không tham gia vì cho rằng mức giá thuê lô quầy cao, lại phải nộp tiền một lần vượt quá thu nhập của đa số bà con tiểu thương. Vì thế, sau 3 lần chính quyền tổ chức đấu giá, hiện chỉ có 4/60 lô quầy được đấu giá hoàn thành.

Trước thực cảnh này, địa phương đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân nhiều lần, lắng nghe đề xuất của bà con.

Với ý kiến cho rằng, mức giá thuê lô quầy từ 14 - 20 triệu đồng/10 năm là quá cao so với điều kiện của người dân, xã cũng đã kiến nghị UBND huyện Gio Linh phương án điều chỉnh giảm 45% mức giá khởi điểm ban đầu (hiện giá thuê cho từng lô quầy dao động còn từ 6 - 11 triệu đồng/10 năm); đồng thời cho tiểu thương nộp tiền đấu giá lô quầy 2 lần để đỡ áp lực (lần 1 nộp sau khi trúng đấu giá, lần 2 sau 1 năm kể từ ngày nộp tiền lần 1).

“Với phương án này, số tiền người dân tham gia đấu giá được thu vào khoảng 475 triệu đồng, gần đủ để trả nợ cho nhà thầu thi công, còn những hạng mục phụ trợ của chợ chưa thực hiện được thì khi hộ tiểu thương đi vào hoạt động, địa phương sẽ tiếp tục vận động thực hiện sau”, ông Lương nói.

Cũng theo ông Lương, sau nhiều lần tổ chức xem xét, họp bàn, phía UBND huyện Gio Linh đã thống nhất với phương án đề xuất trên của xã. Tuy nhiên, đến nay, phương án này vẫn không được bà con tiểu thương đồng ý.

“Chúng tôi cũng đã tiếp thu ý kiến của bà con, mang tâm tư, nguyện vọng của bà con trình bày lên huyện và phía huyện cũng đã chấp thuận giảm giá xuống còn 45% mức giá khởi điểm.

Chính quyền xã cũng đã làm hết trách nhiệm rồi, ưu tiên cho bà con trong địa phương đấu giá, nếu lần đấu giá thứ tư này vẫn không bảo đảm sẽ cho phép người ngoài địa bàn đến đấu giá trên cơ sở phát triển chung của huyện và tỉnh nhà” – ông Lương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.