Những sai phạm khiến ông Tất Thành Cang bị khai trừ Đảng

GD&TĐ - Dính nhiều sai phạm trong thời gian giữ chức Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, ông Tất Thành Cang vừa bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng.

Ông Tất Thành Cang.
Ông Tất Thành Cang.

Vi phạm rất nghiêm trọng

Ban Bí thư khẳng định vi phạm của ông Tất Thành Cang rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Theo đó, ngày 7/4, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, nguyên Thành uỷ viên, Phó trưởng Ban Biên soạn lịch sử Đảng bộ TPHCM và ông Lê Văn Phước, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chánh án TAND tỉnh Phú Yên.

Tại cuộc họp, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang và ông Lê Văn Phước.

Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy ông Tất Thành Cang trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Cang đã gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước, bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước đó, trong các ngày 18, 19 và 22/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp kỳ thứ hai dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương).  Xem xét các Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang.

Ông Tất Thành Cang được xác định trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Theo diễn tiến vụ việc, ngày 16/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TPHCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang để điều tra hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 5, 10, 11 (TPHCM) báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9 của Quốc hội do Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 phụ trách (ngày 22/6/2020), nhiều cử tri đề cập đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại IPC, đồng thời đề nghị xem xét, xử lý hình sự ông Tất Thành Cang vì đã “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại SADECO.

Một diễn tiến khác, tháng 11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TPHCM. Ngày 7/12/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Cang. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020.

Làm mất quyền kiểm soát của Nhà nước

Tòa nhà trụ sở IPC ở Q.7, TPHCM, liên quan đến vụ án.

Tòa nhà trụ sở IPC ở Q.7, TPHCM, liên quan đến vụ án.

Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, đề án tái cơ cấu, công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TPHCM) với tỷ lệ sở hữu vốn tại SADECO là 44%, nên không cần giảm tỷ lệ sở hữu vốn. Đặc biệt là trong bối cảnh SADECO hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.

Tuy nhiên, IPC đã trình UBND TPHCM phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại SADECO từ 44% xuống 28,8%. IPC cũng nêu "Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.

Đồng thời, liên quan đến "phi vụ" trên, Thanh tra TPHCM xác định IPC thực hiện việc này theo Văn bản số 495 ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM (giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM vào thời điểm này là ông Tất Thành Cang).

Theo đó, với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại SADECO từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Kết luận của Thanh tra TPHCM cho rằng việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của SADECO lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”. Liên quan sai phạm ngày, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC.

Một diễn tiến khác, ông Tất Thành Cang còn liên quan đến việc mất quyền kiểm soát của Nhà nước tại Khu công nghiệp (KCN) Cát Lái. Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái. IPD có 100% vốn nhà nước, là công ty con của IPC.

Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt và quyết định của UBND TPHCM, IPD phải cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thời điểm đó, IPD đang được TPHCM cho thuê hơn 69ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái. Thế nhưng, Thanh tra TPHCM cho rằng việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ là "không có cơ sở và không phù hợp với quy định".

Theo đó, khi thực hiện cổ phần hóa, IPD đề xuất 2 phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, khi trình lên UBND TPHCM, IPC lại trình 2 phương án tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65% và 75% để IPC có quyền chi phối. Đồng thời, IPC đề nghị sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng cổ đông nhà nước sẽ không tham gia mua cổ phần. Kết luận của Thanh tra TPHCM cho rằng: "Khi đó Nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại IPD, đồng nghĩa việc quản lý, khai thác cảng biển Cát Lái không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ...".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ