Ngày về mừng tủi của người phụ nữ sau 24 năm bị bán sang Trung Quốc

GD&TĐ - Sau hơn 24 năm lưu lạc vì bị bán sang Trung Quốc, chị Lê Thị Lan tìm được thấy người thân qua…Facebook. Ngày trở về quê hương, chị ngỡ ngàng trước khung cảnh vừa quen, vừa lạ. Chị nhận ra và ôm chầm lấy mẹ òa khóc, một đứa trẻ trải qua cơn ác mộng dài.

Chị Lê Thị Lan (áo xanh) ôm chầm lấy mẹ trong ngày trở về sau 24 năm lưu lạc ở Trung Quốc
Chị Lê Thị Lan (áo xanh) ôm chầm lấy mẹ trong ngày trở về sau 24 năm lưu lạc ở Trung Quốc

Ngày về như một giấc mơ

Chiều 18/7, căn nhà cấp bốn của gia đình bà Nguyễn Thị Liên (xóm 12, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chật kín bà con, chòm xóm.

Tất cả mọi người chờ đợi chị Lê Thị Lan, con gái bà Liên đã mất tích kỳ lạ 24 năm về trước. Không hề có bất cứ thông tin liên lạc gì trong suốt quãng thời gian ấy, gia đình tắt hết mọi hi vọng, coi như đã mất con. 

Chị Lê Thị Lan mừng tủi trong ngày trùng phùng
 Chị Lê Thị Lan mừng tủi trong ngày trùng phùng

Chiếc ô tô dừng lại chầm chậm ở đầu ngõ, có một người phụ nữ trung tuổi bước xuống, đưa mắt nhìn tìm kiếm. Bà Liên vội vã chạy ra, như không tin vào mắt mình, ngã khuỵu xuống trong tay các con.

Rồi chợt hồi tỉnh, bà đưa tay ra ôm chầm lấy người phụ nữ nửa quen nửa lạ ấy: “Lan phải không con? Đúng là con thật rồi! Mẹ tưởng là không bao giờ còn được gặp con nữa”. Người con gái cũng ôm chầm lấy mẹ, các chị em, khóc òa như đứa trẻ.

19 tuổi lưu lạc sang làm vợ xứ người

Chị Lê Thị Lan là con gái đầu trong 5 người con của bà Liên. Cách đây 24 năm, lúc đó chị Lan mới 19 tuổi thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên theo người trong làng đi làm thuê ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Sau đó không may bị lừa bán sang làm vợ một người đàn ông ở Quảng Tây (Trung Quốc) với giá 3.000 nhân dân tệ. Nhiều lần tìm cách bỏ trốn về nước nhưng bất thành, không biết tiếng, không biết đường, không có tiền, chị nhắm mắt cam chịu.

 

Chị còn bị bán qua tay nhiều người đàn ông khác, đến nay đã có 4 người con. Người đàn ông cuối cùng mà chị Lan được bán về làm vợ 6 năm trước là người tốt, đối xử tử tế, không đánh đập nên chị dần dần nhớ lại quê nhà của mình.

“Hai năm trước nhớ lại được quê, tôi xin chồng cho tiền để để tìm đường về nước. Nhưng ra đến khu vực biên giới thì bị kẻ xấu lừa lấy hết tiền nên đành phải quay lại”, chị Lan kể lại.

Tìm được gia đình qua... Facebook

Đầu tháng 7/2019, chị Lê Thị Lan tình cờ quen một người phụ nữ Việt Nam đang làm việc ở tỉnh Quảng Tây. Người này nghe chị kể chuyện thấy thương cảm, đã giúp chị quay một đoạn clip chia sẻ lên mạng xã hội với hy vọng có thể tìm thấy chút thông tin nào đó.

Đoạn video clip lan truyền trên mạng, người phụ nữ nói tiếng Việt không rành rọt nữa, nhưng đọc đầy đủ họ tên bố mẹ, quê quán ở xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An. Nhiều người gọi nhau chia sẻ, đến tai người thân chị Lan ở quê nhà.

“Lúc đầu nhìn tôi cũng không biết người phụ nữ đó là ai, nhưng khi nghe chị ấy nói tên cha mẹ, quê nhà thì tôi giật mình đó là gia đình chồng mình, đó là người chị bên chồng đã mất tích hàng chục năm qua”, chị Đặng Thị Thảo (32 tuổi, em dâu chị Lan) cho biết.

Con vẫn sống, Lan ơi!

Mọi người trong nhà báo cho bà Liên biết, bà vẫn không tin đó là con gái mình! Cho đến khi kết nối được bằng điện thoại, hai mẹ con nói chuyện với nhau, bà run run: Con ơi, đúng là con phải không? Con vẫn còn sống à, Lan ơi!

Chị Lê Thị Lan (ảnh phải) và mẹ là bà Nguyễn Thị Liên
Chị Lê Thị Lan (ảnh phải) và mẹ là bà Nguyễn Thị Liên 

Chuyến xa nhà đầu tiên đi làm thuê năm 19 tuổi, phải đến sau 24 năm chị mới được trở về, khi đã là người phụ nữ 43 tuổi. Đằng đẵng, quá dài những đắng cay, tủi nhục ở xứ người.

Bao nhiêu nhớ thương, mong mỏi vỡ òa trong tay người thân. Chị chỉ nhận ra gian nhà cũ ngày xưa, còn cảnh vật xung quanh đều đã đổi thay, các em cũng đã lớn khôn, lập gia đình.

Ngồi bên cạnh, nắm chặt tay chị gái, chị Lê Thị Huệ mắt đỏ hoe: “Năm chị tôi mất tích bí ẩn, gia đình cũng đi tìm rồi trình báo chính quyền địa phương nhưng đều không có kết quả. Cả nhà cứ nghĩa chị đi làm ăn đâu xa rồi sẽ về chứ không ngờ bị bán sang Trung Quốc. Nhiều năm trôi qua, chúng tôi nghĩ đã mất chị vĩnh viễn rồi…”

Ngày con mất tích, người cha viết đơn gửi khắp nơi tìm hi vọng cứu con. Tìm lên nơi con đi làm thuê, tìm hỏi khắp người dân ở những con đường mà con có thể đi qua, nhưng đều vô vọng.

Năm này qua năm khác, tất cả những là thư, dòng tin gửi tìm con đều chẳng có một câu trả lời. Rồi tuổi già, bệnh tật, ông qua đời trong nỗi day dứt vẫn chưa tìm được con.

Chị Lê Thị Lan trong vòng tay các em và họ hàng
Chị Lê Thị Lan trong vòng tay các em và họ hàng

Cũng trong thời gian chị Lan ở xứ người, một người em gái của chị không may mất sớm. Trở về, vừa mừng vừa tủi, chị run run trước bàn thờ, thắp nén nhang cho cha, cho em gái: Con đã về đến nhà rồi!

Chị vẫn nhớ được những người hàng xóm cũ, nay đã ngoài 60. Họ cũng như gia đình, thương cho số phận chị, và mừng rơi nước mắt khi thấy chị về.

Bà Phạm Thị Kim, nhà ở trong xóm, mắt hấp háy: “Con Lan đi khi còn là thiếu nữ, giờ đã ngoài 40 tuổi, tôi thì đã già. Ơn trời, thật là may mắn gia đình bà Liên, cuối cùng cũng tìm thấy được con”!

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp chị Lê Thị Lan bị bán sang Trung Quốc tìm được gia đình, đơn vị đã xác minh sự việc. Đồng thời làm việc với cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế đưa chị Lan trở về quê. Đơn vị cũng tiếp nhận thông tin tố giác của chị Lan và vào cuộc điều tra đường dây buôn bán phụ nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...