Đường dây sản xuất sách giáo khoa giả cực lớn vừa được bóc gỡ như thế nào?

GD&TĐ - Sau một thời gian trinh sát, mật phục, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã vừa bóc gỡ đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Bên trong khu vực sản xuất sách giáo khoa giả vừa được lựng lượng làm nhiệm vụ bóc gỡ.
Bên trong khu vực sản xuất sách giáo khoa giả vừa được lựng lượng làm nhiệm vụ bóc gỡ.

Ngày 19/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an xác nhận đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội bóc gỡ thành công đường dây in, gia công, tiêu thụ sách giáo khoa giả có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Lợi nhuận thu được từ đường dây in, gia công, buôn bán sách giáo khoa giả này lên đến 50 tỉ đồng.

Lực lượng chức năng đang kiểm kê một kho sách giả
Lực lượng chức năng đang kiểm kê một kho sách giả

Việc cơ quan công an phá gỡ đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả này ngay trước thềm năm học mới sắp đến đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Được biết, vào lúc 10 giờ 15 ngày 18/6, C03 phối hợp với các lực lượng chứng năng kiểm tra hàng chục địa điểm in, gia công và kho hàng của Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội).

Tại những địa điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện có dấu hiệu phạm tội, gồm: 3 dây chuyền máy in Offset 4 màu, các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách,...

Đáng chú ý, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng triệu cuốn sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan đến việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả…

Đây là đường dây sản xuất tiêu thụ sách giáo khoa giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay bị phát hiện. Các đối tượng liên quan đã liên kết với nhau theo đường dây khép kín từ khâu in ấn, đến đóng gói rồi tiêu thụ. Thậm chí, các đối tượng còn làm giả cả tem nhãn, để sản phẩm giống như thật.

Theo lãnh đạo C03, đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi nhuận thu được thông qua bán sách giáo khoa giả của đường dây nay lên tới 50 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ bắt giữ này, sáng ngày 19/6, trao đổi với GD&TĐ, luật sư Bùi Quang Thu- Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan đểm: Hiện nay hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả phổ biến khắp cả nước, ngày càng tính vi và khó kiểm soát. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.

Theo luật sư Thu, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam (Khoản 3, Điều 192) nếu:

Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật, hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Theo luật sư Bùi Quang Thu thì ngoài hình phạt nêu trên, pháp nhân thương mại để xảy ra vi phạm ở mức độ nêu trên có thể còn bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ