Coi chừng phạm luật khi đi máy bay

GD&TĐ - Ngày nay, việc đi lại bằng đường hàng không đã trở nên thông dụng. Tuy nhiên, di chuyển bằng máy bay có rất nhiều quy định mà không phải ai cũng nắm được. Điều này dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra như cấm bay có thời hạn do cãi nhau, do xúc phạm nhân viên hàng không, do mang những vật dụng không được phép lên máy bay… hay thậm chí là tò mò bấm nút ở cửa thoát hiểm…

Coi chừng phạm luật khi đi máy bay

Những câu chuyện đáng nhớ

Mới đây, trong hành trình từ Hà Nội đi Nga, hai nữ hành khách người Việt liên tục chửi bới, cãi nhau, gây mất trật tự trên máy bay. Hành vi của chị Phạm Thị T. T (35 tuổi) quê Hải Dương và Trần Thị H. T (42 tuổi) thường trú tại Hà Nội đã bị Cảng vụ Hàng không miền Bắc ra quyết định cấm bay trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 16/9/2017 - 15/3/2018.

Hết thời hạn cấm bay, họ còn bị áp dụng quy định kiểm tra trực quan bắt buộc trong 6 tháng tiếp theo, tính từ ngày 16/3/2018 đến 15/9/2018. Nhà chức trách hàng không yêu cầu các hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam không vận chuyển hai nữ hành khách nói trên theo thời hạn cấm bay.

Trước đó, trên chuyến bay V8072 của hãng hàng không Vasco từ Côn Đảo về TPHCM, khi máy bay lăn vào bãi đỗ, nam hành khách đã không chờ tiếp viên mở cửa xuống máy bay, mà tự ý mở cửa thoát hiểm ngay bên cạnh ghế ngồi của mình. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã lập biên bản và xử phạt hành chính hành khách nói trên với mức phạt theo quy định là 15 triệu đồng.

Lý do bị xử phạt khi đi máy bay thì vô vàn. Còn nhớ năm 2015, một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã cho con tè vào túi nôn trên máy bay, ngay sau đó, vợ chồng cô này bị xử phạt mỗi người 4 triệu đồng.

Hay vào tháng 6 vừa qua, nam hành khách quê ở Nghệ An đã bị tiếp viên phát hiện lén hút thuốc trên máy bay và bị lập biên bản vụ việc ngay sau đó. Cảng vụ Hàng không miền Nam sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, hành khách này kiên quyết không chịu nộp phạt, dù các đơn vị chức năng của ngành hàng không đã liên tục gửi thông báo về địa phương. Sau thời gian quy định, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có lệnh cấm bay 9 tháng với hành khách này.

Trước đó vào đầu năm 2016, một nam hành khách tại TPHCM đã bị cấm bay trong vòng 12 tháng với lý do, khi người khách này qua cửa soi chiếu (bay từ Vinh về TPHCM), nhân viên an ninh yêu cầu mở ra kiểm tra thì ông nói: “Trong hành lý của tôi có bom”. Ngoài ra, ông còn gây mất trật tự, buộc nhân viên an ninh phải khống chế và có biện pháp kiểm tra hành lý nghi vấn.

Kết quả kiểm tra cho thấy bên trong bọc hành lý của nam hành khách không có bom. Hãng hàng không Vietjet và lực lượng an ninh sân bay Vinh sau đó đã lập biên bản từ chối làm thủ tục và không vận chuyển, đồng thời bàn giao hành khách này cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại Vinh để xử lý.

Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, hành khách này thừa nhận do say rượu nên đã không kiểm soát được hành vi. Ngay sau đó, Cảng vụ Hàng không miền Bắc yêu cầu các hãng hàng không cấm vận chuyển với hành khách nói trên.

Chưa kể, nhiều hành khách đã dùng những lời lẽ xúc phạm, thậm chí tấn công nhân viên hàng không.Cụ thể vào hồi tháng 4/2017, tại đầu đảo làm thủ tục hàng không ga đi quốc nội (sảnh B) – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hành khách L.T.N. (39 tuổi, ngụ Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đến làm thủ tục đi chuyến bay VJ636 (hành trình TPHCM – Đà Nẵng, dự kiến khởi hành lúc 23h40).

Tuy nhiên, ông N. đã đến quầy làm thủ tục trễ 14 phút so với giờ kết sổ bay nên nhân viên Hãng hàng không Vietjet Air là anh N.T.L. đã giải thích, thông báo cho ông là chuyến bay VJ636 không nhận khách và hỗ trợ chuyển sang chuyến bay sáng hôm sau.

Ngay lập tức, hành khách này không đồng ý và dùng tay đánh anh L. nhưng không trúng. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục dùng túi xách đánh vào mặt nhân viên hàng không. Sự việc sau đó đã được lập biên bản và xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Đây chỉ là số ít trong vô vàn những câu chuyện của hành khách khi di chuyển bằng máy bay mà không chịu tìm hiểu những quy định nghiêm ngặt của ngành hàng không hoặc biết mà phớt lờ đi, để rồi vẫn hành động vô tư như… ở nhà.

Cần nắm rõ các quy định

Trên đây chỉ là số ít trong những câu chuyện về hành khách không thể hiện văn hóa ứng xử khi đi máy bay, coi thường những qui định của ngành hàng không.

Cần nhớ, Chính phủ đã có nghị định số147/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân sự với 34 điều.

Trong một số trường hợp cụ thể như vụ cô ca sĩ cho con đi tè vào túi nôn máy bay, hành vi vi phạm này được quy định tại Khoản 4, Điều 24 của Nghị định nói trên do vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay, với mức phạt hành chính là từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Hay như việc một nam hành khách di chuyển từ Hà Nội tới Nha Trang dọa có bom trong hành lý, đã khiến chuyến bay bị trễ mấy 3 giờ đồng hồ. Sự việc bắt đầu từ việc hành khách này được tiếp viên của Hãng yêu cầu xuất trình thẻ lên tàu theo đúng quy định. Tuy nhiên, hành khách không làm theo hướng dẫn của tiếp viên mà còn có lời lẽ đe dọa: “Kiểm tra thẻ rồi kiểm tra bom luôn đi!”.

Ngay lập tức hành khách này đã được an ninh đưa trở lại sân bay Nội Bài. Chuyến bay bị ảnh hưởng chậm chuyến đến gần 3h sau đó mới tiếp tục cất cánh để thực hiện hành trình đến Nha Trang. Việc chậm trễ của chuyến bay này cũng đã ảnh hưởng tới thời gian của các chuyến bay kế tiếp.

Về hành vi này, Khoản 8 điều 24 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay. Ngoài ra, hành khách còn bị từ chối vận chuyển có thời hạn hoặc không có thời hạn, buộc phải khắc phục hậu quả mà mình gây ra.

Về việc hành hung nhân viên hàng không, xúc phạm gây mất trật tự, được ghi rõ trong khoản 5 điều 24 của Nghị định như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây: Xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; Hành hung cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ bay, nhân viên hàng không, hành khách tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; Người chỉ huy tàu bay cho người, đồ vật vào buồng lái tàu bay không đúng quy định; Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trên tàu bay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.