“Nếu có 100.000 USD tôi thà ở nhà chứ không chui lủi ở trời Âu”

GD&TĐ - “Nếu được cho 100.000 USD để đi lại con đường năm xưa thì tôi thà ở nhà chứ không đi lại nữa. Bởi vì nó quá khổ và tôi quá sợ sẽ không có cơ hội sống sót” – ông Võ Minh Giang một người dân Hà Tĩnh như gửi thông điệp đến tất cả mọi người khi có ý định sang trời Âu với mong muốn đổi đời.

Người nhà nạn nhân trong vụ XKLĐ bằng hình thức bất hợp pháp vẫn còn đau đớn trước nghi vấn cái chết của con trong thùng Container tại Anh.
Người nhà nạn nhân trong vụ XKLĐ bằng hình thức bất hợp pháp vẫn còn đau đớn trước nghi vấn cái chết của con trong thùng Container tại Anh.

Xã giàu lên nhờ xuất khẩu lao động

Đi nước ngoài lao động đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho nhiều người dân nghèo tại Hà Tĩnh, nhưng nó cũng mang đến nỗi đau thương mất mát cho cả gia đình và xã hội. Để có một việc làm và thu nhập, nhiều người đã bất chấp pháp luật rồi “đánh đổi” phận đời mình bằng cách vượt biên ra nước ngoài lao động bằng nhiều con đường khác nhau.

Xã Thiên Lộc được biết đến là xã giàu lên nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Trong số 1.279 người đi xuất khẩu lao động thì có 704 người đi xuất khẩu lao động ở Châu Âu. Phần lớn số người đi xuất khẩu lao động tại Châu Âu thông qua con đường bất hợp pháp. Đây là xã có số người nghi tử vong trong thùng container ở Anh được trình báo lên chính quyền.

Xã Thiên Lộc, Can Lộc nơi có nhiều người đi XKLĐ bằng con đường bất hợp pháp sang các nước Châu Âu.
 Xã Thiên Lộc, Can Lộc nơi có nhiều người đi XKLĐ bằng con đường bất hợp pháp sang các nước Châu Âu.

Qua lời kể của ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, đây là một xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì kinh tế khó khăn nên người dân nơi đây quyết tâm ly hương để mong thoát kiếp đói nghèo.

Phong trào đi nước ngoài tại địa phương bắt đầu nở rộ từ năm 1998 – 1999. Thời điểm này, các gia đình chủ yếu đi nước ngoài theo diện chính sách – diện thương nghiệp. Những người này chủ yếu làm ăn khấm khá, họ gửi ngoại hối về nhiều nên phong trào đi xuất khẩu lao động tại địa phương này tăng lên.

“Xã Thiên Lộc có 704 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là đi theo con đường tiểu ngạch, trong số này có một ít người nhập cư hợp pháp, họ được ở lại trong vòng mấy tháng rồi được gia hạn tiếp, một số thì có giấy tờ như tạm trú hợp pháp. Một số người ở lâu thì họ làm được giấy tờ xin định cư”. Ông Đặng Anh Tuấn thông tin thêm.

Chính vì vậy mà con số người ở nước ngoài của xã này lên tới 1.279 người. Không chỉ có người dân, mà ngay cả cán bộ đang làm việc tại xã cũng xin nghỉ việc để đi XKLĐ. Theo thống kê có 3 người xin nghỉ, trong đó có một người đang đương chức là Trưởng công an xã, thuộc diện công chức cũng xin nghỉ để đi nước ngoài.

Khi PV đặt câu hỏi về lượng ngoại hối chuyển về hàng năm của xã là bao nhiêu thì ông Tuấn cho biết, “Việc này xã không thể nắm được chính xác vì người dân họ không khai báo thật. Tuy nhiên, nhiều gia đình nhờ có người nhà đi nước ngoài mà nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều thiết bị hiện đại. Đây cũng là lí do mà bộ mặt nông thôn khởi sắc, là điều kiện đủ để xã đầu tiên đạt chuẩn NTM vào năm 2013”.

Lao động “chui” tại trời Âu không là còn đường màu hồng?

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, khoảng 8 năm trở lại đây trên địa bàn xã này có khoảng 4 người đi lao động ở nước ngoài bị tử vong. Không chỉ có bị tử vong mà cũng không ít người đi XKLĐ bằng con đường “chui” trở về với khoản nợ lớn, không có cơ sở để chi trả.

Tìm về ngôi nhà ông Võ Minh Giang (SN 1969, xã Thiên Lộc, Can Lộc), người bị trục xuất từ Anh về nước cuối năm 2010, với món nợ hàng trăm triệu đồng. Qua trao đổi được biết, đầu năm 2010 ông đang lao động tại Hà Nội thì có một số người giới thiệu đưa đi XKLĐ sang Anh với giá khoảng 400 triệu đồng, gia đình ông Giang vay mượn tiền để làm hồ sơ đi.

Nhà ông Giang, tại Thiên Lộc, Can Lộc.
 Nhà ông Giang, tại Thiên Lộc, Can Lộc.

Để đi được sang Anh, ông phải quá cảnh sang Nga bằng đường hàng không, sau đó đi bằng đường bộ. “Những chi phí ban đầu gồm cọc 60 triệu đồng tiền chống bỏ trốn, kèm thanh toán 2000 USD để mua vé bay”. Ông Giang cho hay.

Hành trình của ông Giang bắt đầu lộ rõ những nguy hiểm, bất an khi ông được đưa lên một xe tải cùng 10 người khác để di chuyển đến nước Anh. Chuyến đi bắt đầu vắt kiệt sức của mọi người khi họ phải nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày trên thùng xe tải bịt kín. “Lâu lâu tài xế mới phát cho mỗi người một cái bánh mỳ” - ông Giang kể.

Khi lên được xe tải rồi, họ chở đi những đâu ông hoàn toàn không hề hay biết, vì xe phủ bạt kín, xung quanh đều tối om. Chỉ biết nhiều ngày sau đó, xe vận chuyển ông cùng nhiều người khác đến một khu rừng tại nước Anh. Sau đó, ông cùng mọi người bị Cảnh sát Anh bắt giữ sau 60 phút đặt chân đến đất nước này. Ông bị giam tại Anh 7 tháng, rồi bị trục xuất về lại Việt Nam vào cuối năm 2010.

Cùng nỗi đau tột cùng.
Cùng nỗi đau tột cùng.

Trong câu chuyện của ông Giang, chúng tôi ngầm hiểu rằng, con đường - hành trình sang đất nước Anh lao động quả thực đầy chông gai và không khỏi rùng rợn. Ngậm ngùi một lúc, ông Giang tiết lộ thêm, ngoài bị đánh đập, tù tội thì người lao động sang Đức và Anh bằng con đường bất hợp pháp có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Ông cũng chia sẻ, từ Đức sang Anh với những người nhập cư trái phép như tôi và bao người lao động khác thì chỉ có hai cách là thuê người dẫn đi bằng cách họ sẽ soi hàng hóa trong container nào đi Anh rồi khi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào. Còn cách khác là tự mình chạy theo các xe container phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong.

“Cách thứ nhất thì tốn kém hơn, nhưng lại khá an toàn; còn cách “cỏ” không tốn kém nhưng lại rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác”, ông Giang nói.

“Nếu được cho 100.000 USD để đi lại con đường năm xưa thì tôi thà ở nhà chứ không đi lại nữa. Bởi vì nó quá khổ và tôi quá sợ sẽ không có cơ hội sống sót” – ông Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ