“Phao cứu sinh” của Venezuela trong cuộc khủng hoảng

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: RT)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: RT)

Sau khi hai máy bay quân sự Nga hạ cánh xuống thủ đô Caracas hồi tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi cảnh báo cứng rắn về mối quan hệ giữa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với Điện Kremlin. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một con tàu ở vùng biển ngoài khơi Caribe của Venezuela một ngày trước đó thậm chí còn cho thấy một dấu hiệu đáng chú ý hơn về mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Caracas. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động tới Washington.

Venezuela là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên để vận chuyển và bán loại dầu thô nặng này, Venezuela từ lâu đã phải phụ thuộc vào chất pha loãng mua từ Mỹ. Sau khi Washington cấm các công ty Mỹ bán chất này cho Venezuela vào tháng 1, đồng thời cấm luôn cả các công ty nước ngoài, chính quyền Maduro đối mặt với một câu hỏi khó: Làm thế nào để ngăn ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela sụp đổ hoàn toàn?

Câu trả lời nằm ở những con tàu chở dầu như Serengeti, loại phương tiện chở theo chất pha loãng từ vùng biển Malta trước khi tới Venezuela vào ngày 22/3. Đơn vị thuê tàu là Rosneft - tập đoàn dầu khí khổng lồ của nhà nước Nga.

“Mối quan hệ giữa Nga và Venezuela rất tốt. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với nhau để tăng cường hợp tác”, Alexey Serendin, cố vấn bộ trưởng tại đại sứ quán Nga ở thủ đô Caracas, Venezuela, cho biết.

Việc chuyển chất pha loãng tới Venezuela chỉ là một phần trong “dấu chân” ngày càng mở rộng của Nga tại quốc gia Nam Mỹ. Moscow cũng đưa các quân nhân và trang thiết bị quân sự tới Venezuela, đồng thời giúp vận chuyển dầu thô từ Venezuela tới Ấn Độ để xử lý nhằm lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hỗ trợ quân sự

Máy bay Nga chở sĩ quan và thiết bị quân sự tới Venezuela hồi tháng 3. (Ảnh: AFP)
Máy bay Nga chở sĩ quan và thiết bị quân sự tới Venezuela hồi tháng 3. (Ảnh: AFP) 

Điện Kremlin cũng lên kế hoạch tăng cường bán lúa mì và viện trợ về y tế cho Venezuela. Tháng trước, Venezuela thông báo khai trương một trụ sở của PDVSA, tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ của Venezuela, tại Moscow.

Theo chia sẻ của Alexey Serendin, tuần tới, một phái đoàn cấp cao của chính quyền Maduro sẽ tới Moscow để thảo luận về các khoản đầu tư của Nga vào các lĩnh vực khai mỏ, nông nghiệp và giao thông vận tải của Venezuela. Ông Serendin cũng cho biết sự xuất hiện của 99 sĩ quan quân sự Nga tại Venezuela hôm 23/3 là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm duy trì hệ thống phòng thủ của chính quyền Maduro, bao gồm các máy bay chiến đấu Sukhoi và các hệ thống phòng không mua từ Nga.

Trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp hôm 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez đã khánh thành “Trung tâm Mô phỏng Bay Lực lượng Vũ trang” dành cho các trực thăng Nga.

“Trung tâm này chỉ có ở Venezuela và Nga”, Bộ trưởng Lopez cho biết.

Ngoài ra, ông Lopez cũng công bố kế hoạch lắp đặt thiết bị mô phỏng bay Sukhoi MK2 của Nga tại thành phố Barcelona, Venezuela. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela khẳng định một nhà máy sản xuất súng trường Nga, vốn bị đình trệ từ lâu, sẽ “sớm được mở” tại Maracay.

Quan hệ hợp tác giữa Nga và Venezuela bắt đầu từ các hợp đồng vũ khí dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, người tiền nhiệm của Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 tới năm 2013 khi ông Chavez qua đời, Venezuela đã mua gần 4 tỷ USD thiết bị quân sự của Nga, bao gồm 5.000 tên lửa đất đối không MANPADS.

Hợp tác quân sự đã dẫn tới làn sóng đầu tư ồ ạt của Nga vào ngành dầu khí Venezuela. Ngoài ra, Moscow cũng sẵn sàng gia hạn các khoản vay với điều kiện ưu đãi cho Caracas. Đầu tháng 12/2018, hai máy bay ném bom tầm xa Tu-160 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở ngoại ô Caracas trước khi tham gia cuộc tập trận chung với Venezuela.

Tuy nhiên, Nga không thể triển khai nhiều hỏa lực tại Venezuela như nước này từng làm tại Syria, một phần bởi vì khoảng cách địa lý xa hơn. Nga không có căn cứ quân sự chính thức trong khu vực, còn tàu sân bay duy nhất của nước này vẫn chưa hoạt động trở lại.

“Sẽ có sự ủng hộ về chính trị, tinh thần. Nhưng Nga không thể đưa một đội quân vũ trang tới đây. Điều đó không thực tế”, Fyodor Lukyanov, nhà phân tích chính sách đối ngoại Nga từng cố vấn cho Điện Kremlin, nhận định.

"Phao cứu sinh" kinh tế

Người dân Venezuela biểu tình phản đối chính quyền. (Ảnh: Reuters)
Người dân Venezuela biểu tình phản đối chính quyền. (Ảnh: Reuters) 

So với hỗ trợ về quân sự, “phao cứu sinh” về kinh tế có lẽ quan trọng hơn đối với sự tồn tại của chính quyền Maduro ở thời điểm hiện tại.

Trước khi bị Washington áp lệnh trừng phạt, Venezuela vẫn xuất khẩu dầu thô sang Mỹ và nhập khẩu xăng dầu tinh luyện từ Mỹ. Hiện tại, các lệnh trừng phạt khiến chính quyền Maduro phải vật lộn để giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu.

Theo Ivan Freitas, một nhà lãnh đạo của tập đoàn dầu khí Venezuela PDVSA, báo cáo từ các nhân viên làm việc tại cảng cho thấy tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga đã vận chuyển ít nhất 300.000 thùng xăng dầu tới Venezuela hồi tháng 2. Dự kiến khoảng 1,6 triệu thùng nữa sẽ được chuyển tới Venezuela, song thông tin này chưa được xác nhận.

“Rosneft đã trở thành vị cứu tinh của PDVSA. Sự giúp đỡ của Rosneft đã giúp ông Maduro có thêm thời gian”, Freitas cho biết.

Sự hỗ trợ của Nga đối với Venezuela không chỉ dừng lại ở ngành công nghiệp dầu khí. Hồi tháng trước, Nga đã chuyển 7,5 tấn trang thiết bị y tế và cam kết sẽ chuyển thêm 7,7 tấn nữa.

Tại bệnh viện Ana Francisca Pérez de León ở phía đông Caracas, giám đốc bệnh viện Zayra Medina cho biết hàng viện trợ y tế của Nga đã được chuyển đến hôm 23/2. Bệnh viện đã sử dụng số hàng viện trợ này trong khoảng 10 ngày.

“Chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết chúng tôi không đơn độc. Nga đang giúp đỡ chúng tôi cứu mạng người giữa cơn bão”, bà Medina nói.

Hiện chưa rõ liệu sự hỗ trợ của Nga có đủ mạnh để giúp Venezuela đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay hay không trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như mất điện triền miên, thiếu thốn xăng dầu, cạn kiệt thuốc men và lương thực.

Tuy vậy, cùng với sự hỗ trợ của Trung Quốc, những nỗ lực của Nga ít nhất cũng giúp chính quyền Venezuela giảm bớt sức ép trước mắt. Sự xuất hiện của quân nhân Nga tại Venezuela gần đây là tín hiệu cho thấy Moscow sẵn sàng đứng sau ủng hộ chính quyền Maduro để đối phó với nguy cơ can thiệp quân sự từ Mỹ.

“Đây là ván cờ về tư tưởng. Nga không cần dầu của Venezuela. Đây thực chất là cơ hội để Nga nắn gân Mỹ tại khu vực sân sau của Mỹ”, Russ Dallen, Russ Dallen, đối tác quản lý ngân hàng đầu tư Caracas Capital Markets, nhận định.

Theo Dân Trí/Washington Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Nỗi sợ của người thầy!

GD&TĐ - Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt”...

Nhiều năm dạy học ở miền núi, cô Hải luôn tận tâm với học sinh. Ảnh: NVCC

'Bắc nhịp cầu' giúp trò miền núi

GD&TĐ - Dạy học ở địa bàn vùng sâu, xa nhiều năm, nữ nhà giáo ở Quảng Trị luôn trăn trở khi nhận thấy học sinh thiếu thốn nhiều mặt...

Trà từ lõi ngô của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân.

Sinh viên chế biến trà từ lõi ngô

GD&TĐ - Trà từ lõi ngô thơm ngon, giàu chất oxy hóa, vị ngọt thanh, không sinh năng lượng, tốt cho người tiểu đường, người ăn kiêng là sản phẩm của nhóm SV ĐH Duy Tân.

Arsenal tổn thất lớn

Arsenal tổn thất lớn

GD&TĐ - Bukayo Saka sẽ phải ngồi ngoài "nhiều tuần" vì chấn thương nghiêm trọng trong trận Arsenal thắng Crystal Palace 5-1 ở vòng 17 Ngoại hạng Anh.