Phẩm màu, hương liệu không rõ nguồn gốc trong nước uống: Độc hại đến nhường nào?

Phẩm màu, hương liệu không rõ nguồn gốc trong nước uống: Độc hại đến nhường nào?

Đủ loại siro, chất tạo mùi, tạo màu

Ngày 20/5, Đội Quản lý Thị trường số 17 phối hợp với Phòng Cảnh sát chống tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn siro, trà sữa, nước hoa quả các loại. Kiểm tra tại đây, phần lớn hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, không kiểm định chất lượng.

Chị Lê Bích Hồng (Phan Huy Chú, Hà Nội) cho hay, con gái chị kể rất thích uống nước ép ổi, ở cổng trường họ bán nhiều nên chị đưa tiền để con khát thì mua uống. Nhưng một hôm con chị mua về và chị uống thử, thấy mùi vị lạ hơn so với nước ép ở nhà. Màu nước ổi trông rất xanh đẹp mắt, hương thơm nồng hơn. Tìm hiểu ra thì chị được biết đó là do người bán hàng đã cho thêm phẩm màu cũng như nước, chất tạo mùi… để dễ bán hàng hơn. Ví dụ 1 quả ổi có thể ép được đến 2 - 3 cốc nước, giá thành rẻ, dễ bán, nhiều người ưa thích.

Một số tài khoản Facebook cũng có rao bán loại nước ép ổi nguyên chất có giá siêu rẻ chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/chai, 20.000 - 30.000 đồng/lít đang được bán tràn ngập trên chợ mạng. Vào những ngày nắng nóng, nhiều người mua uống giải khát nên mặt hàng này rất hút khách. Loại nước ép này chủ yếu bán cho chị em công sở không có nhiều thời gian rảnh, các lớp tập gym, yoga... Loại nước ép này ngoài hoa quả tươi còn có thêm chất tạo màu, hương liệu, nước, đường… giúp tăng hương vị và giảm giá thành. Điều quan trọng để người bán hàng có thể hấp dẫn khách hàng là sản phẩm có mác “nước ép từ quả tươi”, nhưng thực chất hàm lượng quả tươi lại cực ít, chủ yếu hương liệu.

TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, loại nước uống màu sắc sặc sỡ có bán trên thị trường, đặc biệt là ở các cổng trường học, rất nguy hại cho sức khỏe. Nước này vừa không có năng lượng, vừa chứa những thành phần hóa chất không được kiểm soát, dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đáng nói là chúng lại gắn mác nước ép tự nhiên nên dễ đánh lừa người dùng. Một quả ổi ép được cả chục cốc nước hay một bắp ngô làm được vài lít sữa ngô… là điều không tưởng. Cha mẹ cần kiểm soát kỹ thói quen ăn uống vặt ở cổng trường của con em mình, tránh những tác hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Rối loạn vị giác, hại cho sức khỏe

Vào những ngày đầu hè, khi mà thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu dùng đồ uống giải khát của người dân lại gia tăng. Những loại nước với đủ màu sắc sặc sỡ, hương vị rất thơm ngon… được bày bán phổ biến ở các cổng trường học. Điều đáng nói là những cốc nước này đa phần được quảng cáo là nước tự nhiên, nhưng lại không phải tự nhiên.

Theo tìm hiểu, không khó để mua các loại hương liệu này với số lượng lớn ở các chợ đầu mối, hoặc có thể mua ở bất cứ chợ nào. Các loại hương liệu tổng hợp với hàng trăm mẫu mã khác nhau, được bày bán rất công khai. Theo một người bán hàng tại chợ Đồng Xuân, thời điểm đắt hàng nhất là vào đầu và giữa hè, nhu cầu sử dụng hương liệu để nấu chè, làm bánh, pha nước giải khát rất lớn. Chỉ cần cho 1 - 2 giọt hương liệu hay phẩm màu vào cùng với một ít nguyên liệu tự nhiên từ quả hay hạt là có ngay cốc nước giải khát mát lạnh. Tuy nhiên, chính người bán hàng cũng khuyến cáo không nên lạm dụng quá nhiều mà chỉ dùng như một loại gia vị cho cốc nước uống thêm đậm đà, tránh những tác hại không đáng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm cho rằng, tuy tiện lợi và có lãi cao hơn nhiều so với nước uống thành phần tự nhiên, nhưng chắc chắn các loại hương liệu này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Một cốc sữa ngô nếu được xay từ hạt ngô thì chắc chắn giá thành không có chuyện vài nghìn đồng, nhưng vì ham rẻ, vì đánh vào tâm lý của học sinh là không có tiền, ít khi phân biệt được thật - giả nên nhiều người trục lợi mua các loại hương liệu này về sử dụng, rất có hại cho sức khỏe nếu dùng lâu dài.

“Về bản chất, đây chính là nước cộng với hóa chất chứ không phải là nước uống tự nhiên giàu Vitamin C như nhiều người lầm tưởng. Để phân biệt nước giải khát có hóa chất với sản phẩm có thành phần tự nhiên, người dùng cần lưu ý, nước uống pha từ hóa chất thường có mùi nồng, màu sắc đa dạng, bắt mắt. Nên cảnh giác với những cốc nước ép dưa hấu đỏ thẫm hay cốc nước ép ổi có màu xanh mướt. Do không tốn nhiều nguyên liệu và công chế biến nên những sản phẩm này thường có giá rất rẻ. Những loại đồ uống pha chế từ hóa chất thường có độ đường cao, ngọt bất thường thì cũng không nên sử dụng”, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Và quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.