(GD&TĐ) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Theo bà Tiến, ngoài việc xây dựng các bệnh viện (BV) vệ tinh, tăng thêm giường bệnh, luân chuyển cán bộ thì bản thân các BV cũng cần phải thay đổi cách làm việc bởi quy trình khám chữa bệnh, thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) hiện quá rườm rà.
Chờ nửa ngày để khám… 5 phút
BV Nội tiết T.Ư lâu nay nổi tiếng bởi tình trạng quá tải trầm trọng. Trung bình mỗi bệnh nhân đến khám, làm các xét nghiệm, lấy kết quả phải mất trọn 1 ngày, thậm chí bệnh nhân nào đến muộn thì phải chờ đến ngày hôm sau mới có kết quả xét nghiệm và thuốc. Bác Đặng Xuân Thao (TP Hải Dương) bị tiểu đường từ năm 2009. Bác cho biết: Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên 4h sáng, tôi bắt xe lên Hà Nội. Đến BV chưa đến 5h mà đã có hàng chục người ngồi chờ trước cổng. Đến sớm là vậy nhưng số thứ tự của mình bao giờ cũng từ 20 trở lên. Ban đầu cũng băn khoăn nhưng về sau được những người có thâm niên tại BV cho biết số 1 - 20 là số ngoại giao hoặc số “cò” đăng ký từ hôm trước.
Nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện y đức là điều xã hội quan tâm Ảnh: Thái Hòa |
Tại khoa Khám bệnh tự nguyện (BV Bạch Mai) hay phòng khám của BV đại học Y cũng diễn ra tình trạng tương tự như BV Nội tiết. Mặc dù người bệnh phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi lần khám, xét nghiệm cận lâm sàng nhưng người bệnh vẫn phải chịu cảnh chờ đợi, nộp phí quá nhiều lần.
Bác sĩ Vàng A Sàng, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: Tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi lâu cũng diễn ra tại các BV tuyến tỉnh. BV đa khoa Yên Bái có 16 phòng khám với 94 bác sĩ. Ở phòng khám bệnh thông thường, mỗi ngày tiếp đón từ 50-80 bệnh nhân. Do vậy, thời gian chờ để có kết quả tính từ lúc khám trung bình là 3 giờ. Với những bệnh nhân có nhiều xét nghiệm đôi khi phải đến chiều mới có kết quả. Theo bác sĩ Sàng, cận lâm sàng là khâu tốn nhiều thời gian nhất do máy móc, thiết bị cũng như trình độ bác sĩ không thể so sánh với BV tuyến trên.
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quy trình khám chữa bệnh ở các BV hiện nay đang có vấn đề. Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Quy trình khám chữa bệnh quá rườm rà (12 bước), lâu nhất là khâu thu tiền, khám bệnh bằng BHYT và chờ lấy thuốc. Bên cạnh đó, việc bố trí khu vực lấy máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trả kết quả không liền nhau nên người bệnh cứ như “chạy giặc” trong BV.
Không thể đẩy cái khó cho người bệnh
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bên cạnh việc đẩy mạnh các đề án để giảm tải BV, Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV cải tiến quy trình khám chữa bệnh, quy trình khám chữa bệnh chỉ còn 4 bước (tiếp đón người bệnh, khám lâm sàng và chẩn đoán, thanh toán viện phí, phát và lĩnh thuốc). Nếu khám bệnh có xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, quy trình chỉ được kéo dài tối đa 6-8 bước: đón tiếp người bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm (chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng), trả kết quả, thu phí, phát và lĩnh thuốc.
So với quy trình cũ, quy trình mới giảm được 4 bước. Theo đó, người bệnh vào viện chỉ cần nộp thẻ BHYT, không phải tạm ứng viện phí mà BV sẽ thu khi lấy thuốc. Theo bác sĩ Hà Hữu Tùng, Giám đốc BV Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội), quy trình trên hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng BV lại thêm mối lo sẽ không đòi được tiền viện phí bởi nhiều bệnh nhân khi lấy được đơn thuốc sẽ bỏ qua khâu lấy thuốc để không phải đóng một phần tiền hay cũng có bệnh nhân bỏ luôn thẻ BHYT bởi nó sắp hết hạn.
Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa, các BV sẽ gặp khó khăn ban đầu khi thực hiện việc khám chữa bệnh theo quy trình mới. Nhưng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không thể đẩy cái khó về phía người bệnh mà BV phải nhận phần đó về mình. BV, nhân viên y tế phải làm những việc đáng lẽ ra phải làm từ lâu (bố trí phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cạnh phòng khám, chuyển thẳng kết quả về phòng khám, tự phô tô giấy tờ cần thiết của bệnh nhân).
M.Ngọc