Pakistan: Thiếu hụt bác sĩ trầm trọng

Pakistan: Thiếu hụt bác sĩ trầm trọng

Cơ quan GD Y tế và Chăm sóc sức khoẻ Punjab đã yêu cầu lãnh đạo các trường ĐH y kêu gọi người học năm cuối tham gia chống dịch.

Tiến sĩ Muhammad Umar - Phó Hiệu trưởng của Trường ĐH Y Rawalpindi, cho biết: “Nhà trường đã đóng cửa sau khi chính phủ tuyên bố phong tỏa, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, chính phủ đã yêu cầu chúng tôi kêu gọi SV năm cuối hợp tác với các bác sĩ, chống lại đại dịch này. Những người học khác cũng có thể được triệu tập nếu số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng”.

Cũng theo ông Umar, các trường ĐH y sẵn sàng để SV năm cuối tới các cơ sở y tế, đặc biệt là những bệnh viện dã chiến mới được thành lập để điều trị bệnh nhân Covid-19. Trước bối cảnh này, các trường ĐH, CĐ y chủ yếu giảng dạy trực tuyến, đặc biệt là cho SV cuối cấp. Tuy nhiên, không ít người bày tỏ lo ngại về sự an toàn của các SV y khoa khi không có dụng cụ bảo vệ. Pakistan đã ghi nhận ít nhất 15 bác sĩ nhiễm Covid-19 và 3 người tử vong.

Muhammad Saeed Qureshi - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Y tế Dow, chia sẻ: “Nhiều bác sĩ đã nhiễm Covid-19 ở Pakistan, do đó chúng tôi nên thận trọng trước khi cho phép SV y khoa hỗ trợ bác sĩ trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân là hoàn toàn logic, hợp pháp, cần thiết và đúng với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.

Tình hình tại Pakistan được cho là trở nên tồi tệ hơn khi các bác sĩ nước này từ chối làm việc trong hoàn cảnh không có thiết bị bảo hộ. Tỉnh Punjab đang tuyển 10.000 bác sĩ và y tá, tỉnh Sindh cũng đã bắt đầu tuyển dụng 1.500 bác sĩ và 500 nhân viên y tế, Balochistan kêu gọi sự tham gia của 344 bác sĩ thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp và tỉnh Khyber Pakhtunkhwa tuyển 1.200 bác sĩ.

Zahid Ali Abbasi, người đứng đầu ngành Y tế tại tỉnh Sindh cho biết: “Với nguồn lực ít ỏi và cơ sở hạ tầng y tế thiếu thốn, Pakistan không có khả năng tuyển nhiều bác sĩ để chống lại đại dịch. Chúng tôi phải phụ thuộc vào các SV y khoa - những người có kỹ năng tốt hơn lực lượng tình nguyện”. Bên cạnh đó, ông Abbasi khẳng định, chính phủ sẽ cung cấp dụng cụ bảo hộ cho SV y khoa để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ishtiaq Ahmed - SV năm cuối tại Trường ĐH Y khoa Sheikh Zayed thuộc Trường ĐH Khoa học Y tế ở thành phố Lahore, chia sẻ: “Chúng tôi được kêu gọi làm việc cùng các bác sĩ tại trung tâm kiểm dịch, nhưng cho đến nay không ai bảo đảm cho chúng tôi về sự an toàn khi không cung cấp thiết bị bảo hộ”.

Trong khi đó, Ghulam Farid - một SV năm cuối tại Trường ĐH Y khoa King Edward, nói: “Tôi chưa hoàn thành bằng cấp của mình, nhưng tôi đã được yêu cầu làm việc tại một trung tâm kiểm dịch ở thành phố Multan, bang Punjab. Tôi đã tự mua một số thiết bị an toàn cần thiết và sẽ tham gia vào cuộc chiến chống lại Covid-19”.

Ngành GD y tế ở Pakistan đã bị xáo trộn do những bất đồng trong bộ máy chính phủ. Để cải cách GD y tế, tháng 1 vừa qua, Tổng thống Pakistan Arif Alvi ban hành sắc lệnh giải tán cơ quan theo luật định và ra lệnh thành lập Hội đồng Y khoa Pakistan. Tuy nhiên, động thái này không được các thành viên y tế ủng hộ.

Do những bất đồng này, các SV y khoa năm cuối phải đối mặt với nhiều khó khăn khi không được cấp bằng tốt nghiệp và không thể hành nghề với tư cách là một bác sĩ.

Học giả tại các trường ĐH và CĐ y tế Pakistan cho rằng, việc kêu gọi SV y khoa tham gia chống đại dịch sẽ khiến chính phủ phải cân nhắc lại về việc phân bổ ngân sách cho GD và dịch vụ y tế trong nước, cũng như giải quyết các vấn đề trong việc điều chỉnh GD y tế.

TheoUniversity World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.